ĐBQH LÒ THỊ LUYẾN: CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ LÊ VĨNH TÂN VỀ ĐIỀU KIỆN DỰ THI NÂNG NGẠCH CHUYÊN VIÊN CHÍNH VÀ CHUYÊN VIÊN CAO CẤP

28/05/2020

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân đã trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên về điều kiện dự thi nâng ngạch từ chuyên viên lên chuyên viên chính, và từ chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp.

Đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên

Trước đó, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân về 02 nội dung liên quan tới điều kiện dự thi nâng ngạch từ chuyên viên lên chuyên viên chính, và từ chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp. Đại biểu Lò Thị Luyến phản ánh: Thứ nhất, đối với dự thi nâng ngạch từ chuyên viên lên chuyên viên chính: Có năm Bộ Nội vụ quy định người dự thi phải có thời gian giữ ngạch chuyên viên 9 năm, có năm là 3 năm, có năm là 1 năm là đủ điều kiện dự thi chuyên viên chính. Thứ hai, đối với dự thi nâng ngạch từ chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp: Có năm Bộ Nội vụ quy định người dự thi phải có thời gian giữ ngạch chuyên viên chính 5 năm, 6 năm, có năm lại quy định theo vị trí việc làm và chức vụ lãnh đạo.

 “Cơ sở nào để Bộ Nội vụ đưa ra các quy định này? Thời gian tới Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục sự thiếu thống nhất trên?” - Đại biểu Lò Thị Luyến nêu ý kiến chất vấn.

Trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Lò Thị Luyến - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết:

Việc quy định về thời gian giữ ngạch để dự thi nâng ngạch lên chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp được thực hiện từ năm 1993 tại Quyết định số 414/TCCP-VC ngày 29/5/1993 của Bộ trưởng, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ (nay là Bộ trưởng Bộ Nội vụ) về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức ngành hành chính'.

Bên cạnh đó, quy định về thời gian giữ ngạch để dự thi nâng ngạch lên chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp tại Quyết định số 414/TCCP-VC được thực hiện cho đến trước ngày 01/12/2014, là ngày Thông tư số 11/2014/TT-BNV ngày 09/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chức danh, mã số ngạch và tiến chuẩn nghiệp vụ chuyên môn các ngạch công chức chuyên ngành hành chính có hiệu lực thi hành (Thông tư này đã bãi bỏ Quyết định số 414/TCCP-VC).

So với Quyết định số 414/TCCP-VC thì quy định thời gian giữ ngạch để dự thi nâng ngạch chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp tại Thông tư số 11/2014/TT-BNV có thay đổi giảm hơn. Việc thay đổi giảm về thời gian giữ ngạch để dự thi nâng ngạch lên chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp tại Thông tư số 11/2014/TT-BNV nhằm thực hiện Kết luận số 86-KL/TW ngày 24/01/2014 của Bộ Chính trị về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân trả lời chất vấn của các Đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện công tác tổ chức thi nâng ngạch công chức lên chuyên viên chính, đã có nhiều Bộ, ngành, địa phương đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về thời gian giữ ngạch đối với công chức dự thi nâng ngạch và quy định 05 năm như tại Thông tư số 11/2014/TT-BNV là quá ngắn, dẫn đến việc công chức mới tuyển dụng được 05 năm, có hệ số lương 2,67 được dự thi lên chuyên viên chính, trúng tuyển xếp lương hệ số 4,40 (chênh lệch đến 5 bậc lương, tương ứng với 15 năm công tác) là chưa hợp lý về chính sách cán bộ.

Mặt khác, quy định về thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành hạng II (tương đương chuyên viên chính), hạng I (tương đương chuyên viên cao cấp) trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành cũng đang yêu cầu thời gian giữ hạng chức danh nghề nghiệp để thi lên hạng II là 09 năm, hạng I là 06 năm.

Do vậy, để bảo đảm tương quan giữa quy định về điều kiện thời gian giữ ngạch để được dự thi nâng ngạch công chức lên chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp với thời gian giữ hạng chức danh nghề nghiệp để được thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức hạng II, hạng I, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 05/2017/TT-BNV ngày 15/8/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2014/TT-BNV ngày 09/10/2014 và Thông tư số 13/2010/TT-BNV ngày 30/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về tiêu chuẩn nghiệp vụ chuyên môn, bổ nhiệm ngạch và xếp lương đối với các ngạch công chức chuyên ngành hành chính và việc tổ chức thi nâng ngạch công chức, theo đó, tại Thông tư số 05/2017/TT-BNV đã sửa đổi quy định về thời gian giữ ngạch để dự thi nâng ngạch lên chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp.

Như vậy, kể từ sau ngày 01/10/2017, điều kiện về thời gian giữ ngạch để dự thi nâng ngạch công chức được thống nhất thực hiện theo quy định tại Thông tư số 05/2017/TT-BNV. Đối với việc thực hiện chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ theo Kết luận số 86-KL/TW của Bộ Chính trị được thực hiện theo quy định của Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 05/12/2017 của Chính phủ về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ.

Triển khai thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sau khi được Quốc hội khóa XIV thông qua, Bộ Nội vụ đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Nghị định của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, để thay thế Nghị định số 24/2010/NĐ-CP, Nghị định số 93/2010/NĐ-CP và nội dung quy định về công chức tại Nghị định số 161/2018/NĐ-CP, theo đó, trong nội dung của dự thảo Nghị định này có quy định về tiêu chuẩn, điều kiện nâng ngạch công chức (qua thi nâng ngạch hoặc qua xét nâng ngạch) để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện nâng ngạch công chức.

Bích Lan

Các bài viết khác