ĐBQH PHAN THỊ MỸ DUNG: GÓP Ý ĐỐI VỚI DỰ ÁN LUẬT ĐẦU TƯ (SỬA ĐỔI) TẠI KỲ HỌP THỨ 9

28/05/2020

Trong phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) tại đợt 1 Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn ĐQBH tỉnh Long An đã góp ý về một số nội dung cụ thể nhằm hoàn thiện dự thảo Luật trước khi Quốc hội thông qua.

Phát biểu từ điểm cầu Đoàn ĐBQH tỉnh Long An, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung bày tỏ thống nhất cao với dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) trình xem xét thông qua tại kỳ họp này.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung – Đoàn ĐQBH tỉnh Long An 

Về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh tại Điều 6, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung đề nghị quy định kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Đại biểu nhấn mạnh lý do đề nghị cấm đầu tư kinh doanh dịch vụ đòi nợ là bởi thực tiễn trong thời gian qua, những đóng góp cho xã hội, cho Nhà nước của loại hình kinh doanh thu hồi nợ chưa được đánh giá để thể hiện rõ kết quả tích cực. Ngược lại, việc kinh doanh ngành, nghề này nổi lên nhiều vấn đề đáng lo ngại, tiêu cực thì thể hiện rõ.

Đại biểu nêu rõ, thay vì sử dụng công cụ pháp lý, biện pháp phù hợp với quy định pháp luật để đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ thì các doanh nghiệp này đã lợi dụng hình thức kinh doanh cho vay tài chính để song hành biến tướng thành các băng nhóm tín dụng đen, cho vay nặng lãi, gây áp lực bằng các biện pháp trái pháp luật như xã hội đen khủng bố tinh thần, đe dọa đối với con nợ để cưỡng đoạt tài sản, gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, dẫn đến hệ quả xấu. Thực tế đã có rất nhiều nhiều trường hợp như trên gây dư luận xã hội làm cho nhân dân bất an, bất bình. Nhà nước phải can thiệp, trấn áp và bỏ ra nhiều nguồn lực để giải quyết và xử lý, khắc phục hậu quả.

Về thủ tục áp dụng ưu đãi đầu tư, tại Điều 17 dự thảo quy định căn cứ đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 15, văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có), Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có), quy định khác của pháp luật có liên quan, nhà đầu tư tự xác định ưu đãi đầu tư và thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại cơ quan thuế, cơ quan tài chính, cơ quan hải quan và các cơ quan khác có thẩm quyền tương ứng với từng loại hình ưu đãi đầu tư.

Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung cho rằng, theo quy định này, nhà đầu tư nước ngoài cũng như nhà đầu tư trong nước sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc phải tự xác định ưu đãi đầu tư, phải tự thực hiện thủ tục hưởng ưu đãi đầu tư tại nhiều cơ quan nhà nước có thẩm quyền gây tốn nhiều thời gian, chi phí cho nhà đầu tư. Trong khi tại các quy định pháp luật cũng như hiện nay, chủ trương đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, làm sao tạo điều kiện tốt nhất, thời gian tốt nhất, thủ tục hành chính đơn giản nhất cho doanh nghiệp, cho nhà đầu tư.

Trong khi hiện nay quy định cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã được áp dụng thống nhất toàn diện trong cả nước. Các cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư như Ban Quản lý khu kinh tế, Khu công nghiệp, Sở Kế hoạch - Đầu tư hoặc tiếp nhận hồ sơ qua Trung tâm phục vụ hành chính công của các cấp tỉnh trong thời gian qua đã có sự phối hợp cơ bản tốt, nhịp nhàng giữa các cơ quan chuyên môn trong quá trình thẩm định, xem xét dự án đầu tư có đáp ứng điều kiện ưu đãi đầu tư để ghi nhận ưu đãi đầu tư vào Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư.

Đại biểu cũng cho rằng quy định như dự thảo sẽ có khó khăn, lúng túng, thiếu đồng bộ giữa các địa phương, giữa các nhà đầu tư trong triển khai thực hiện do cách tiếp cận, mức độ nắm bắt chính sách, khả năng đáp ứng về thủ tục, v.v.. Do đó, đại biểu đề nghị nội dung này đề nghị thực hiện như quy định hiện hành.

Ngoài ra, đại biểu đề nghị đối với các dự án xây dựng nhà ở để bán, cho thuê, cho thuê mua, khu đô thị có quy mô sử dụng từ 50 ha trở lên hoặc có quy mô dưới 50 ha nhưng quy mô dân số là 15.000 người trở lên tại khu vực đô thị hoặc có quy mô sử dụng đất từ 100 ha trở lên hoặc có quy mô sử dụng dưới 100 ha nhưng thuộc quy mô dân số từ 10.000 người trở lên tại khu vực không phải là đô thị thì nên giao thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư là phù hợp.

Đại biểu phân tích, nhà đầu tư khi được thực hiện dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị đều thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại nơi thực hiện dự án. Theo quy định của Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật Đất đai thì Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở cấp tỉnh, trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt, được phân bổ chỉ tiêu, phân khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện, phân vùng, bố trí khu dân cư đô thị, khu dân cư nông thôn. Trên cơ sở đó theo đó mà Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, không nhất thiết phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư một lần nữa. Mặt khác, nếu dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị quy mô từ 50 ha trở lên phải trình Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư sẽ tốn nhiều thời gian, chi phí cho nhà đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ, cơ hội của nhà đầu tư.

Về ngừng và chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư tại Điều 47, Điều 48, đại biểu Phan Thị Mỹ Dung chỉ rõ dự thảo chỉ quy định cụ thể về ngừng và chấm dứt hoạt động toàn bộ dự án đầu tư, còn việc ngừng và chấm dứt một phần dự án đầu tư thì chưa được quy định rõ ràng.

Theo đại biểu, thực tế cho thấy có nhiều trường hợp dự án đã hoàn thành, đi vào hoạt động một số hạng mục, nếu ngừng hoặc chấm dứt hoạt động toàn bộ dự án là không thực sự cần thiết, sẽ dẫn đến phát sinh nhiều hệ quả phức tạp và có thể dẫn đến thiệt hại lớn cho nhà đầu tư, sẽ khó khăn cho việc giải quyết hậu quả phát sinh khi ngừng hoặc chấm dứt toàn bộ dự án.

Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung quy định thật cụ thể về trường hợp ngừng hoặc chấm dứt một phần dự án đầu tư để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư cũng như trong trách nhiệm quản lý nhà nước./.

Bảo Yến

Các bài viết khác