ĐBQH MAI HỒNG HẢI THAM GIA Ý KIẾN ĐỐI VỚI DỰ THẢO NGHỊ QUYẾT VỀ MIỄN THUẾ SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP

28/05/2020

Tham gia thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, đại biểu Quốc hội Mai Hồng Hải - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, bày tỏ băn khoăn về cách thức ra chính sách ban hành nghị quyết để sửa luật hay là ban hành luật sửa đổi.

 

Phát biểu tham gia thảo luận, đại biểu Mai Hồng Hải bày tỏ đồng tình cao với những phân tích của các đại biểu phát biểu về ý nghĩa kinh tế, chính trị, xã hội của chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Về hồ sơ dự thảo nghị quyết được chuẩn bị rất công phu, đầy đủ và nghiêm túc chính sách này đã được thực hiện ổn định trong thời gian qua và không có phát sinh vướng mắc. Nay nghị quyết chỉ là gia hạn thực hiện đến 31/12/2025, vì vậy đại biểu nhất trí cao với sự cần thiết và đối tượng điều chỉnh đã nêu trong hồ sơ dự thảo nghị quyết.

Đại biểu bày tỏ băn khoăn là cách thức ra chính sách ban hành nghị quyết để sửa luật hay là ban hành luật sửa đổi. Chính sách gốc cần sửa ở đây là Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 1993 từ đó đến nay đã 27 năm. Nếu thêm lần này thì Quốc hội đã có 6 lần ra nghị quyết về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, trong đó 2 lần đầu vào năm 1999 và năm 2000, điều chỉnh chung với nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ đã ban hành 5 nghị định, 2 nghị quyết, Bộ Tài chính đã có 3 thông tư để hướng dẫn. Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 1993 là một trong những luật có hiệu lực lâu nhất chưa được sửa đổi, bổ sung bằng luật. Đây cũng là ví dụ điển hình về việc Quốc hội ban hành nghị quyết sửa đổi nhiều lần nhất cho một luật, ít nhất 6 lần trong thời gian dài nhất, trên 20 năm. Điều quan trọng đến nay là nội hàm của Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp năm 1993 không còn đáng bao nhiêu.

Về đối tượng, phạm vi nộp thuế đã được sửa đổi, thu hẹp theo 6 nghị quyết của Quốc hội, cách kê khai, nộp quản lý thu, thủ tục, hồ sơ miễn, giảm đã bị điều chỉnh bởi Luật Quản lý thuế. Cách phân loại đất nông nghiệp trong luật không thống nhất với Luật Đất đai hiện hành. Có chăng chỉ còn lại là cách tính thuế theo thóc và phần đối tượng chịu thuế còn lại ít ỏi. Số thuế thu theo luật này cũng còn lại không đáng kể. Giai đoạn 2003-2010 thu bình quân 151 tỷ đồng/1 năm trên số miễn bình quân là 3.268 tỷ. Giai đoạn 2011-2016 thu bình quân là 302 tỷ đồng trên số miễn bình quân là 6.308 tỷ đồng. Giai đoạn từ năm 2017 đến nay thu bình quân trên 300 tỷ đồng trên số miễn là 7.438 tỷ đồng. Tính ra số thu chỉ còn khoảng chưa đầy 5%.

Điều đáng quan tâm hơn nữa là để được miễn thì người nộp thuế phải làm thủ tục kê khai, lập hồ sơ theo đúng quy định của Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp và sau này là Luật Quản lý thuế để trình cấp có thẩm quyền ra quyết định miễn. Tiếp xúc cử tri, cử tri phản ánh phải làm thủ tục, hồ sơ miễn rất phiền hà nhưng chỉ để được miễn hơn 50.000 đồng. Cử tri muốn nộp ngay cho đỡ mất công nhưng cũng không được, vì luật đã định, nên chăng sửa đổi theo hướng không thu thay cho miễn hoặc điều chỉnh thu hẹp đối tượng chịu thuế. Đại biểu cho rằng hồ sơ dự án được chuẩn bị rất công phu, chi tiết, nếu được đưa vào kế hoạch xây dựng luật thì hoàn toàn đủ điều kiện để sửa đổi Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp. Nhưng nay vì không đảm bảo trình tự và thời gian theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên không kịp sửa đổi luật, trong khi yêu cầu thì cần thực hiện từ ngày 01/01/2021, nên đại biểu thống nhất ban hành nghị quyết này.

Tuy nhiên, về nội dung dự thảo, đại biểu đề nghị xem lại tên gọi của nghị quyết cần sửa lại Nghị quyết sửa đổi Nghị quyết số 55 năm 2010 và Nghị quyết số 28 năm 2016 hoặc ban hành nghị quyết để thay thế hai nghị quyết này để thuận tiện tra cứu và áp dụng, đồng thời sớm có kế hoạch để sửa đổi Luật Thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Đại biểu cũng kiến nghị cần cho tiến hành tổng kiểm kê và hoàn thiện hồ sơ địa chính đất nông nghiệp trên toàn quốc để phục vụ quản lý trước mắt và lâu dài./.

Phong Anh

Các bài viết khác