ĐBQH NGUYỄN TUẤN ANH: ĐỂ KHÔNG CÒN ĐẤT NÔNG NGHIỆP BỊ BỎ HOANG CẦN TĂNG CƯỜNG TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC NGÀNH CHỨC NĂNG VÀ VAI TRÒ GIÁM SÁT CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG

28/05/2020

Để Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thực sự phát huy hiệu quả, đến đúng đối tượng và không còn tình trạng đất bị bỏ hoang, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh- Phó trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội cho rằng, cần tăng cường trách nhiệm của các ngành chức năng và vai trò giám sát của chính quyền địa phương.

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội vừa thảo luận trực tuyến đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ: Ủy ban TCNS nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết tiếp tục ban hành chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp cho giai đoạn 2021-2025 nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, giảm bớt khó khăn cho người nông dân, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư vào nông nghiệp, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng hiện đại hóa; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt trong việc ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 và tình hình bất lợi về thiên tai, biến đổi khí hậu trong tình hình hiện nay.


Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp

Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS cho rằng, việc thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đang được thực hiện theo Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/11/2010 của Quốc hội được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 28/2016/QH14 trên thực tế không gặp vướng mắc và có ý nghĩa quan trọng góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Kết luận số 36-KL/TW ngày 6/9/2018 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI, Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn kết quả thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Báo cáo số 55/BC-UBTVQH14 ngày 11/11/2016 về việc giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp. Theo đó, đề nghị Chính phủ tổng kết đánh giá việc thực hiện chính sách về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp sau khi kết thúc thời hạn miễn, giảm thuế để nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét quyết định chính sách thuế này cho phù hợp, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật trong giai đoạn tiếp theo. Đến nay, Chính phủ chưa đánh giá một cách tổng thể, đề xuất chính sách về thuế sử dụng đất nông nghiệp để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất pháp luật là chưa thực sự phù hợp.

Có ý kiến cho rằng, việc thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp trên thực tế còn một số tác động thiếu tích cực khi không tạo động lực thúc đẩy đối với nhiều đối tượng là tổ chức, cá nhân trong việc canh tác, sản xuất trên diện tích đất được giao, gây nên tình trạng hoang hóa, lãng phí nguồn lực đất đai. Có tình trạng đất nông nghiệp được giao không được canh tác hoặc canh tác không hiệu quả và có tình trạng thu mua đất nông nghiệp để chờ nhận đền bù khi các địa phương triển khai các các dự án đầu tư (đối với đền bù theo thỏa thuận).


Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp.

Tại Báo cáo tổng kết của Chính phủ cũng không có số liệu về diện tích đất nông nghiệp không sử dụng, hoặc sử dụng sai mục đích bị thu hồi. Do đó, Ủy ban TCNS của Quốc hội đề nghị cần bổ sung các quy định chặt chẽ hơn trong dự thảo Nghị quyết để chính sách miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp thực sự có tác động đến việc nâng cao hiệu quả sử dụng đất, hạn chế việc bỏ hoang hóa ruộng đất, tránh lãng phí nguồn lực đất đai.

Để hiểu rõ hơn về tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang cũng như góp thêm vào các giải pháp ngăn chặn bất cập này, bên hành lang Quốc hội, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn đại biểu Nguyễn Tuấn Anh- Phó trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước.

Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 9 này, Quốc hội vừa thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Thông qua phiên thảo luận này, vấn đề nào được đại biểu quan tâm nhất và vì sao?

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh- Phó trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội: Trong phiên thảo luận về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, vấn đề khiến tôi quan tâm nhất là tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang ở nhiều địa phương.

Thời gian qua, các doanh nghiệp ở khu công nghiệp, doanh nghiệp đầu tư dự án ở các địa phương đua nhau thực hiện dự án nhưng lại không triển khai trong nhiều năm nên đã để đất bỏ hoang. Có những địa phương, người dân đã tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong giải phóng mặt bằng, di dời đi nơi khác để dành đất cho doanh nghiệp thực hiện dự án nhưng họ vẫn chưa thực hiện dẫn đến trở thành dự án “treo”. Trong khi đó, người dân nhường đất đi nơi khác lại bị mất đất nên rất khó khăn trong cuộc sống, chuyển đổi ngành nghề, tìm kiếm công việc mới... Đây là vấn đề bất cập, nhức nhối cần phải được chấm dứt trong thời gian tới.


Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh- Phó trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội.

Phóng viên: Theo đại biểu, nguyên nhân chính nào khiến cho việc các doanh nghiệp chậm thực hiện dự án dẫn đến diện tích đất nông nghiệp mà người dân  để cho doanh nghiệp triển khai dự án nhưng lại bị bỏ hoang?

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh- Phó trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội: Để xảy ra tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang trước tiên là phải kể đến giai đoạn chuẩn bị đầu tư rồi mới đến dự án được thẩm định đầu tư chưa sâu sát. Do vậy chưa đánh giá được năng lực của nhà đầu tư hoặc mục đích của nhà đầu tư có đúng với nội dung đầu tư hay không.

Thực tế cho thấy, có dự án với mục đích đúng đắn nhưng do không đủ năng lực thực hiện; nhà đầu tư làm dự án để bán lại dự án nhằm hưởng lợi chênh lệch dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện dự án. Mặt khác, có những địa phương còn khó khăn trong việc thu hút đầu tư do điều kiện về địa lý, thổ nhưỡng, khí hậu… nên thường có tư tưởng níu kéo nhà đầu tư với mong muốn dự án được triển khai. Ngoài ra, việc chậm triển khai dự án là do phần nào vướng mắc ở các thể chế, chính sách pháp luật nên mới có tình trạng dự án “treo”.

Phóng viên: Tại phiên thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, nhiều đại biểu Quốc hội đã đồng thuận với việc tiếp tục kéo dài thực hiện Nghị quyết này. Quan điểm của đại biểu như thế nào và để không còn tình trạng đất nông nghiệp bị bỏ hoang hay các dự án “treo” thì cần có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt ra sao?

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh- Phó trưởng Ban Công tác đại biểu của Quốc hội: Tôi đồng ý với việc Quốc hội tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Việc làm này nhằm giảm bớt khó khăn cho người nông dân khi làm nông nghiệp, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.

Tuy nhiên, để Nghị quyết thự sự đi vào cuộc sống và đến đúng đối tượng được thụ hưởng thì cần có sự triển khai đồng bộ từ phía các cơ quan chuyên ngành của Chính phủ phối hợp với chính quyền địa phương trong việc rà soát thực hiện miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp. Dưới sự giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ở địa phương sẽ biết được đất nào được sử dụng đúng mục đích, đất nào còn đang bị bỏ hoang, dự án nào đang bị chậm tiến độ thực hiện để có giải pháp kịp thời. Về phía các địa phương cần có sự khảo sát trong giai đoạn doanh nghiệp chuẩn bị đầu tư vào dự án thực sự khả thi. Các cơ quan chuyên môn tư vấn cho lãnh đạo địa phương cần có sự đánh giá kỹ lưỡng đối với hiệu quả triển khai dự án.

Quốc hội cũng đã có giám sát chuyên đề về việc sử dụng đất đai tại các địa phương. Tuy nhiên, việc làm này cần được thực hiện thường xuyên tại tác tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đặc biệt là tăng cường vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương và các ngành chức năng, kèm theo đó là sự giám sát của Hội đồng Nhân dân các cấp. Với những dự án chậm tiến độ quá lâu thì địa phương phải cương quyết chấm dứt triển khai để tránh lãng phí nguồn lực, nguồn đầu tư của Nhà nước.

Đối với trường hợp người dân nhường đất cho địa phương, doanh nghiệp thực hiện các dự án nhưng không triển khai thì địa phương, doanh nghiệp phải có chính sách đền bù cho người dân về giá trị đất đã được nhường lại để họ có thể chuyển đổi ngành nghề sang lĩnh vực khác hoặc dùng tiền đền bù để tái đầu tư ngành nghề vốn là thế mạnh của từng gia đình.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Bích Lan-Hoàng Quỳnh

Các bài viết khác