ĐBQH NGUYỄN TẠO THAM GIA Ý KIẾN VỀ VIỆC GIA NHẬP CÔNG ƯỚC SỐ 105 CỦA TỔ CHỨC LAO ĐỘNG QUỐC TẾ (ILO) VỀ VIỆC XÓA BỎ LAO ĐỘNG CƯỠNG BỨC

11/06/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, bàn về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức, đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng, kiến nghị cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nội dung Công ước 105 đến với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp trong đời sống xã hội.

Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại điểm cầu trực tuyến

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Tạo bày tỏ sự thống nhất cao đối với Tờ trình số 03 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về việc xóa bỏ lao động cưỡng bức, Báo cáo chương trình số 170 của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra số 4683 của Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

Phát biểu ý kiến về nội dung dự thảo của Nghị quyết với tên gọi là Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức, đại biểu cho rằng về hình thức, đó là điều ước quốc tế đa phương, về danh nghĩa gia nhập, về hiệu lực, về hình thức và việc áp dụng Công ước. Qua nghiên cứu hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc gia nhập Công ước số 105, đại biểu Nguyễn Tạo tham gia một số ý kiến cụ thể như sau:

Thứ nhất, về việc cần thiết sự gia nhập Công ước số 105 được thông qua tại Kỳ họp thứ 9 này phù hợp chủ trương hội nhập quốc tế ngày càng tích cực và sâu rộng của Đảng và Nhà nước ta trước mắt và lâu dài. Công ước số 105 về xóa bỏ lao động cưỡng bức là 1 trong 8 Công ước cơ bản của ILO và được ILO thông qua ngày 25/6/1957. Công ước 105 là Công ước cùng cặp với Công ước số 29 trong Nhóm tiêu chuẩn quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức, Việt Nam đã tham gia gia nhập Công ước số 29 từ những năm 2007. Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hội nhập quốc tế, kinh tế quốc tế thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thì việc gia nhập Công ước số 105 là hết sức cần thiết, nhằm tiếp tục khẳng định vị trí Việt Nam trên trường quốc tế qua các Hiệp định đa phương và song phương mà nước ta đã ký kết, cam kết với các chủ thể công pháp quốc tế, đó là người bạn tốt, là đối tác thân thiện, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế trên nguyên tắc các bên cùng có lợi và tôn trọng thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, đồng thời khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong quá trình thực thi các cam kết có liên quan đến lao động trong đối tác. Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (TPP) được Quốc hội chúng ta phê chuẩn tại kỳ họp thứ 6, tháng 11/2018 và có hiệu lực từ tháng 1/2019, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ Việt Nam với trách nhiệm là thành viên của ILO trong tổ chức lao động cụ thể. Sau khi Hiến pháp năm 2013 được ban hành và có hiệu lực, chúng ta đã chứng minh vấn đề này. Chúng ta đã và đang từng bước hoàn thiện về cơ chế, chính sách, pháp luật có liên quan, góp phần tạo lập và củng cố hành lang pháp lý, là cơ sở pháp lý để bảo đảm hoàn toàn xóa bỏ lao động cưỡng bức tại Việt Nam, bảo đảm quyền con người, quyền công dân nói chung, quyền của người lao động nói riêng.

Thứ hai, đại biểu bày tỏ sự thống nhất cao với nội dung Tờ trình của Chủ tịch nước và báo cáo thuyết minh của Chính phủ cho rằng nội dung của Công ước số 105 với sự cam kết có trách nhiệm các quốc gia là thành viên của Tổ chức Quốc tế ILO, đó là việc cấm lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc và không sử dụng bất kỳ hình thức lao động cưỡng bức, bắt buộc. Nội dung này phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam như Hiến pháp, luật, Nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thứ ba, về vấn đề triển khai thực hiện áp dụng Công ước 105 với việc thực hiện các cam kết Công ước 105 có hiệu quả, có tính khả thi trong thực tiễn, đại biểu tham gia ý kiến rằng chúng ta phải tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền nội dung Công ước 105 đến với các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp trong đời sống xã hội, gồm có:

Một là, hệ thống doanh nghiệp.

Hai là, người lao động.

Ba là, cơ quan quản lý, trong đó có cả cơ quan quản lý thẩm quyền chung và cơ quan thẩm quyền chuyên ngành hiểu rõ, nắm rõ, hướng dẫn và tích cực kiểm tra trong quá trình triển khai thực hiện Công ước số 105.

Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu để ban hành các quy phạm pháp luật, hướng dẫn chi tiết về hành vi lao động cưỡng bức. Đây là cơ sở pháp lý hết sức quan trọng, góp phần vào việc triển khai thực hiện Công ước số 105 có tính khả thi trong đời sống xã hội./.

Bùi Hùng