ĐBQH LƯU BÌNH NHƯỠNG ĐÓNG GÓP Ý KIẾN VỀ VIỆC GIA NHẬP CÔNG ƯỚC SỐ 105 CỦA TỔ CHỨC LAO ĐỘNG QUỐC TẾ (ILO) VỀ VIỆC XÓA BỎ LAO ĐỘNG CƯỠNG BỨC

11/06/2020

Ngày 20/5, tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, bàn về việc gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre, góp ý rằng cần nghiên cứu, đánh giá, cân nhắc thật kỹ lưỡng Điều 27.2 và Điều 33.1 của Luật Thi hành án hình sự.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre, phát biểu tại phiên họp

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng bày tỏ nhất trí với 2 đại biểu Nguyễn Tạo và Đỗ Văn Bình về tính cần thiết và tính tương thích về mặt pháp luật của chúng ta khi thông qua Công ước này. Đại biểu khẳng định khi tham gia Công ước này sẽ có 4 vấn đề rất quan trọng.

Một là, việc đó thể hiện Việt Nam nghiêm túc thực hiện các cam kết, trực tiếp thực hiện cam kết của chúng ta trong 2 hiệp định mà chúng ta vừa nêu.

Hai là, việc tham gia Công ước giúp nâng vị thế chính trị của Việt Nam. Khi thông qua một Công ước như vậy, thì Việt Nam được xếp hạng rất quan trọng trong hệ thống 200 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Ba là, chúng ta đề cao quyền con người.

Bốn là, việc tham gia Công ước góp phần hạn chế các xung đột xã hội. Đây là một trong 8 Công ước đỏ, được coi là Công ước đỏ nhất trong 8 Công ước đỏ của Tổ chức Lao động quốc tế, xét về khía cạnh tiêu chuẩn lao động quốc tế. Vì thế, theo trình bày của đồng chí Bộ trưởng Bộ Lao động, kể cả không thông qua Công ước 105 hay Công ước số 29 thì Việt Nam vẫn phải tôn trọng, bởi vì chúng ta đã là thành viên của Tổ chức lao động quốc tế và phải thực hiện đúng những nguyên tắc được nêu trong Tuyên bố 1998 của Tổ chức Lao động quốc tế. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc. Chính vì thế, từ lâu vấn đề này thường được các nước lồng ghép trong các sinh hoạt thương mại. Ví dụ, năm 1996, Tổ chức Thương mại họp tại Singapore, người ta cũng muốn đưa vấn đề này vào các quy định thương mại và coi như là một trong những hạn chế như trình bày của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Có nghĩa là, nếu sử dụng lao động cưỡng bức mà tạo ra lợi thế cạnh tranh thì hàng hóa của quốc gia đó, hạnh kiểm của quốc gia đó bị tẩy chay.

Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, tại Hiệp định Việt Nam - châu Âu vừa được thảo luận, Điều 13.4 đã quy định các tiêu chuẩn và thỏa thuận đa phương về lao động, trong đó yêu cầu các bên phải tôn trọng các nguyên tắc này. Đại biểu bày tỏ băn khoăn một vấn đề được nêu ra trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Đối ngoại là Điều 27.2 và Điều 33.1 của Luật Thi hành án hình sự. Với nhiều năm nghiên cứu vấn đề lao động và tiêu chuẩn lao động quốc tế, đại biểu bày tỏ quan điểm rằng, năm 1930 Tổ chức Lao động quốc tế đã thông qua Công ước 29 cho phép các quốc gia được bảo lưu, nhưng vì lý do là trong một thời kỳ cạnh tranh, 27 năm sau đó phát hiện ra rằng các quốc gia lợi dụng vấn đề lao động cưỡng bức để thực hiện cạnh tranh, nên từ đó mới phát sinh ra Công ước số 105 năm 1957, và nếu đã thông qua Công ước này, có nghĩa rằng không được sử dụng bất kỳ hình thức nào. Khi đã ký Công ước 29, tức là thừa nhận các hình thức lao động cưỡng bức và trong đó có một số ngoại lệ được bảo lưu nhưng ngoại lệ đó rất quan trọng, được ghi là phải lao động bằng một quyết định của Tòa án. Không phải phạm nhân nào cũng được ghi là lao động bắt buộc trong bản án, nếu không ghi bắt buộc trong bản án thì không có quyền cưỡng bức phạm nhân đó lao động. Điểm này chúng ta phải hiểu rất rõ, vì đây là điểm dễ gây nhầm lẫn.

Cho nên, theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, nhận thức về vấn đề này chúng ta cần phải có một sự nghiên cứu thật kỹ lưỡng, đánh giá, cân nhắc, bởi vì đây là một vấn đề liên quan đến vị thế, đến uy tín của quốc gia./.

Bùi Hùng