ĐBQH TRẦN VĂN TIẾN ĐÓNG GÓP Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XÂY DỰNG

12/06/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, bàn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đưa ra nhiều ý kiến đóng góp về nội dung dự án Luật và đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện dự án luật này.

Đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu từ điểm cầu trực tuyến.

Bày tỏ sự đồng tình với nội dung dự thảo luật và đánh giá cao sự nỗ lực của Ban soạn thảo trong việc tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia và các cơ quan, đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc tham gia một số ý kiến như sau:

Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh của luật. Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 59/168 điều của Luật Xây dựng hiện hành. Đây là những nội dung còn nhiều bất cập trong quá trình thực hiện luật, do vậy đại biểu bày tỏ sự đồng tình với tên gọi như dự thảo luật là Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng. Luật Xây dựng có hiệu lực đến nay mới được 5 năm nên việc đánh giá tổng kết chưa thể hiện đầy đủ, toàn diện. Dự thảo luật tập trung chủ yếu vào việc sửa đổi, bổ sung 59 điều của Luật Xây dựng, đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến một số luật khác nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật đã được ban hành, do vậy đại biểu đồng tình với phạm vi điều chỉnh như dự thảo luật.

Về tính công khai, minh bạch của dự thảo luật. Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung 59 điều của Luật Xây dựng nhưng có đến 21 điều khoản được giao Chính phủ, bộ, ngành ban hành quy định chi tiết đã làm tăng 17 điều khoản được giao cho Chính phủ, bộ, ngành so với Luật Xây dựng. Như vậy càng sửa đổi, bổ sung thì tính minh bạch của luật càng bị hạn chế. Đại biểu đề nghị với các quy định tại các nghị định của Chính phủ về thực hiện Luật Xây dựng cần được tổng kết, đánh giá những quy định nào đã ổn định và được lượng hóa thì đưa vào dự án luật nhằm hạn chế việc giao Chính phủ, các bộ, ngành quy định chi tiết hoặc hướng dẫn.

Đại biểu Trần Văn Tiến cho rằng dự thảo luật sử dụng nhiều cụm từ như "theo quy định của pháp luật có liên quan" hoặc "theo quy định của luật này" hoặc "theo quy định của Chính phủ" ở quá nhiều điều khoản. Việc sử dụng các cụm từ này làm cho luật thiếu tính minh bạch, khó thực hiện. Pháp luật có liên quan là pháp luật nào và có rất nhiều nội dung ở Luật này không có quy định. Ví dụ, tại khoản 33a quy định sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành là sở được giao nhiệm vụ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của luật này. Nhưng trong dự thảo Luật của luật này không có điều khoản nào quy định công trình chuyên ngành nên không rõ sở nào là sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành được quy định trong luật này. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu và thể hiện cụ thể hơn.

Về khoản 1 Điều 1 của dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số khoản ở Điều 3. Đại biểu cho rằng việc giải thích từ ngữ chưa rõ, cụ thể tại điểm b sửa đổi, bổ sung khoản 4 “Bộ Quản lý công trình xây dựng chuyên ngành là bộ được giao nhiệm vụ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của luật này”. Trong dự thảo luật không có điều khoản nào quy định hoặc khái niệm về công trình xây dựng chuyên ngành nên không rõ bộ nào là bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và công trình xây dựng nào được quy định là công trình xây dựng chuyên ngành.

Tại điểm d sửa đổi, bổ sung khoản 13 như sau “cơ quan chuyên môn về xây dựng là cơ quan chuyên môn trực thuộc bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành ... đến khi đến khu công nghiệp cao”. Theo đại biểu, cách giải thích như vậy là chưa rõ ràng, trong bộ hầu hết các cơ quan trực thuộc bộ đều là cơ quan chuyên môn. Do vậy các cơ quan này đều là cơ quan chuyên môn về xây dựng là không đúng. Trong các cơ quan của bộ chỉ có một số cơ quan chuyên môn có chức năng quản lý xây dựng mới là cơ quan chuyên môn về xây dựng. Đại biểu nêu thắc mắc, các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng chuyên ngành, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực có phải là cơ quan chuyên môn về xây dựng không? Tại điểm d bổ sung khoản 15a, “Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị là dự án đầu tư xây dựng có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ... có hoặc không có nhà ở và các công trình khác theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt để xây dựng mới, cải tạo, chỉnh trang đô thị”, theo Luật Quy hoạch đô thị, đô thị là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao...

Tại khoản 3 Điều 1.2 quy chuẩn xây dựng Việt Nam thì khu đô thị bao gồm các đơn vị ở, các công trình dịch vụ cho bản thân đô thị đó... Theo giải thích tại khoản 15a thì dự án đầu tư xây dựng khu đô thị là dự án đầu tư có hoặc không có nhà ở. Đại biểu cho rằng việc giải thích như vậy cần được xem xét thêm.

Tại điểm h sửa đổi, bổ sung khoản 36 và 37, việc thẩm định của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư làm cơ sở xem xét, phê duyệt thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng nhằm kiểm soát việc tuân thủ quy định pháp luật về xây dựng, nhưng việc thẩm tra của tổ chức, cá nhân đối với dự án đầu tư xây dựng không biết mục đích để làm gì. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ.

Về khoản 31 sửa đổi, bổ sung Điều 94 điều kiện cấp Giấy phép xây dựng có thời hạn tại mục b quy định "Phù hợp với quy mô công trình do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cho từng khu vực", đại biểu cho rằng quy định như dự thảo làm phát sinh thêm thủ tục là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải ban hành quy định về quy mô công trình tại các khu vực đã có quy hoạch nhưng chưa được thực hiện, nên chăng dự thảo luật quy định chỉ cấp phép xây dựng có thời hạn cho những công trình, dự án cải tạo, sửa chữa, xây dựng mới nhà tạm hoặc công trình nhà ở cấp 4. Vấn đề đặt ra là khi công trình được cấp phép xây dựng có thời hạn nhưng trong thời gian giấy phép xây dựng đang còn hiệu lực, quy hoạch được triển khai thì việc xử lý công trình được cấp phép tạm như thế nào, dự thảo luật chưa đề cập. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung thêm trường hợp này vào dự án luật.

Nghĩa Đức - Bích Lan