ĐBQH HOÀNG QUANG HÀM CHO Ý KIẾN VIỆC ĐIỀU CHỈNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN MỘT SỐ ĐOẠN ĐƯỜNG BỘ CAO TỐC TRÊN TUYẾN BẮC - NAM PHÍA ĐÔNG GIAI ĐOẠN 2017-2020

13/06/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, Đại biểu Hoàng Quang Hàm – Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ đưa ra ý kiến về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm phát biểu

Đại biểu Hoàng Quang Hàm cho biết, sau gần 3 năm được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông lại được trình Quốc hội để bàn xem đầu tư theo hình thức nào. Mục tiêu đến năm 2021 cơ bản hoàn thành dự án chắc chắn không đạt. Định hướng 530 km/654 km, chiếm 81% chiều dài dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư không thành công. Đại biểu thống nhất việc chuyển đổi 3 dự án sang đầu tư công như Chính phủ trình, vì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cân nhắc kỹ và cũng phù hợp với ý kiến của cấp có thẩm quyền cũng như thực tế hiện nay.

Tại Phiên thảo luận, đại biểu tham gia 5 vấn đề cần lưu ý và có giải pháp phù hợp:

Thứ nhất, tuy chỉ chuyển đổi 3/8 dự án nhưng thực chất là chuyển đổi thêm 267 km, chiếm 40,8% tổng chiều dài dự án sang đầu tư công. Tỷ trọng đầu tư theo hình thức đối tác công tư chỉ còn 40% tổng chiều dài dự án thay vì 81% như mục tiêu ban đầu. Kêu gọi đầu tư từ xã hội chỉ còn khoảng 22%, còn 78% sẽ đầu tư bằng ngân sách. Đồng thời 5/8 dự án còn lại tiếp tục triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Nhưng với thực tế hiện nay và khả năng cho vay của ngân hàng như Chính phủ báo cáo thì không có gì đảm bảo sẽ lựa chọn được nhà đầu tư.

Đây là vấn đề cần quan tâm để chấn chỉnh khâu dự báo, chuẩn bị đầu tư các dự án đối tác công tư và phải xem xét lại vì sao không thực hiện được kêu gọi đầu tư. Không phải dự án cao tốc Bắc - Nam mà từ năm 2016 đến nay không có dự án BOT giao thông nào triển khai được. Việc chuyển đổi là bất đắc dĩ, không nên tạo thành tiền tệ và tạo thành nếp nghĩ khó khăn là dùng ngân sách, cứ dùng ngân sách thì mới bảo đảm khả năng thành công.

Thứ hai, Báo cáo của Chính phủ cho rằng, với số vốn đã bố trí giai đoạn 2016-2020 chỉ cần bổ sung thêm vốn để hoàn thành dự án, là có sự nhầm lẫn về kế hoạch trung hạn với dự toán có thể bố trí được hàng năm. Kế hoạch trung hạn và cam kết chi không phải tiền thật. Dự toán hàng năm mới là tiền thật, bố trí được phụ thuộc vào nguồn thu, cân đối ngân sách và tiến độ thực hiện dự án. Vì dự toán năm 2020 đã chia xong hoặc phải xin Quốc hội nới trần bội chi.

Đây là vấn đề cần lưu ý, tránh việc sử dụng dự phòng ngân sách trung ương của kế hoạch đầu tư công trung hạn. Qua 2 kỳ họp, Quốc hội giao Chính phủ tự cân đối, sắp xếp, vì Quốc hội nói thiếu nguồn. Chính phủ khẳng định thu xếp được nguồn nhưng thực tế phân bổ xong dự toán 2020 không một đồng dự phòng nào được sử dụng. So với kế hoạch trung hạn thì dự toán hàng năm không đủ tiền, vẫn thiếu cả những dự án đang triển khai nên không có nguồn để sử dụng dự phòng.

Thứ ba, Báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá tác động cụ thể đến nợ công khi chuyển đổi hình thức đầu tư. Theo Báo cáo nợ công của Chính phủ năm 2020-2021, rất nhiều khoản nợ đến hạn trả, số nợ phải trả lớn và bội chi phải tăng để khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19, dẫn đến phát hành trái phiếu Chính phủ sẽ khó khăn, do quy mô thị trường trái phiếu còn nhỏ, tiềm lực tài chính của các tổ chức tài chính phi ngân hàng còn hạn chế, dư địa các quỹ tài chính ngoài ngân sách và ngân hàng thương mại để mua trái phiếu hạn hẹp.

Cho nên, cần tính toán kỹ khả năng hấp thụ của thị trường trái phiếu khi phát sinh các khoản vay mới, xem xét khả năng vay và giá phải trả để sắp xếp lại các khoản vay ưu tiên cho nhiệm vụ cấp bách và cho dự án cao tốc Bắc – Nam.

Thứ tư, khả năng cấp vốn tín dụng của các ngân hàng cho dự án gặp nhiều khó khăn. Chính phủ đã nêu rất rõ trong tờ trình. Với những khó khăn như Chính phủ nêu, thực chất các ngân hàng sẽ không thể cấp tín dụng cho các nhà thầu trúng thầu. Đây là bất cập cần tháo gỡ, vì nếu như vậy không chỉ có dự án cao tốc Bắc - Nam mà tới đây cũng sẽ không có dự án BOT nào được cấp tín dụng để có thể triển khai được.

Thứ năm, báo cáo của Chính phủ chưa nêu cụ thể phương án thu hồi vốn của dự án chuyển đổi sang đầu tư công. Thu phí dịch vụ đối với các dự án đầu tư công là chủ trương đúng đã được quy định trong Luật Quản lý tài sản công, nghị quyết của Quốc hội để tạo nguồn duy tu, sửa chữa, nguồn trả nợ và tiếp tục triển khai các dự án khác. Chính phủ cần phải chi tiết cụ thể để thực hiện. Thực chất hiện nay các dự án đầu tư công của ngân sách Trung ương chủ yếu thực hiện bằng nguồn vốn vay, nên Chính phủ cần có phương án thu phí không chỉ đối với dự án thành phần bằng hình thức đầu tư công của dự án cao tốc Bắc - Nam mà còn cả các dự án đầu tư công khác thực hiện bằng nguồn vốn vay. Tuy nhiên, phương án thu phí phải tính toán kỹ để phù hợp với sức chịu đựng của nền kinh tế và khả năng chi trả của người dân.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm nêu rõ, đại biểu thống nhất việc chuyển đổi như Chính phủ trình nhưng cần lưu ý đến năm vấn đề đã nêu trên và thể hiện trong nghị quyết của Quốc hội về điều chỉnh dự án. Chính phủ cũng cần cam kết và quyết tâm hoàn thành dự án theo tiến độ trình Quốc hội, không nên để chậm trễ thêm. Theo báo cáo của Chính phủ, hiện nay các dự án trọng điểm giao thông đều rất chậm, kể cả giải phóng mặt bằng của sân bay Long Thành cũng như nhiều dự án trọng điểm khác đang triển khai chậm. Đại biểu mong với thống nhất của Quốc hội thì Chính phủ cũng cần phải có giải pháp quyết liệt để hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm, là một trong những đột phá chiến lược trong 3 đột phá chiến lược mà chúng ta đã đề ra cách đây hơn 10 năm./.

Hồ Hương