ĐBQH NGUYỄN ANH TRÍ: CẦN QUAN TÂM ĐỂ BẢO ĐẢM ĐƯỢC TỈ LỆ ĐẠI BIỂU CHUYÊN TRÁCH

13/06/2020

Trong phiên thảo luận toàn thể tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội tại đợt 2 Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội đã góp ý về một số nội dung cụ thể nhằm hoàn thiện dự thảo Luật trước khi Quốc hội thông qua.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội bày tỏ nhất trí với đề xuất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội.

Đại biểu phân tích, Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, của một quốc gia. Hoạt động của Quốc hội chủ yếu thông qua việc tiếp xúc cử tri, hoạt động giám sát, nghiên cứu tài liệu và đặc biệt là họp. Quốc hội là họp việc nước, bởi vậy trước hết trong Quốc hội cần có những người ưu tú, hiểu biết, tận tâm, tận lực và điều quan trọng là họ có đủ thời gian để thực thi cho được quyền lực đó.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, sẽ rất khó cho một đại biểu Quốc hội, dù giỏi đến mấy nhưng ngồi họp phân tâm nghĩ đến những công việc quan trọng khác mà cá nhân họ đang là người phải gánh vác hoặc không có đủ thời gian để nghiên cứu tài liệu, không sắp xếp được lịch tham gia các hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri, không cập nhật được tình hình qua báo chí. Sẽ rất khó cho đại biểu Quốc hội mà sợ phải ngồi họp Quốc hội, sợ phát biểu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí chia sẻ, qua gần một khóa được làm đại biểu Quốc hội, để làm tròn vai một đại biểu Quốc hội không hề dễ, đặc biệt là cần phải có quỹ thời gian đủ để nghiên cứu tài liệu, tham gia hội họp, tham gia các hoạt động giám sát, tiếp xúc cử tri. Vì vậy, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa ra đề xuất nâng tỷ lệ đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lên ít nhất là 40% tổng số đại biểu Quốc hội chắc chắn cũng không ngoài mục đích này. Nhưng vấn đề quan trọng là làm sao để đảm bảo có được con số tối thiểu này, đảm bảo chọn được người có đủ thời gian để làm tròn vai một đại biểu Quốc hội sau một kỳ bầu cử.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng cần phải lưu ý hai vấn đề. Một là, ngay khi hiệp thương đã phải xem xét đến việc này, dù có cần cơ cấu đại diện cho cân đối, cho hợp lý thì cũng phải chú ý đến việc phải đề xuất người có đủ trình độ, năng lực, điều kiện và đặc biệt có đủ thời gian để làm đại biểu Quốc hội. Hai là một khi ai đó được đề nghị tham gia Quốc hội thì cần lượng sức mình, lượng quỹ thời gian của mình, nếu thấy không đáp ứng được thì cũng nên mạnh dạn từ chối sự đề cử đó. Nhấn mạnh sắp đến chuẩn bị bầu cử Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ mong muốn các cấp bộ, đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng như cá nhân của mỗi người cần lưu ý những điều này.

Góp ý về số lượng kỳ họp mỗi năm, đại biểu Nguyễn Anh Trí bày tỏ đông tình với một số ý kiến đề nghị mỗi năm Quốc hội nên họp 4 kỳ thay cho 2 kỳ như hiện tại. Đại biểu nêu rõ, mỗi năm Quốc hội nên họp 4 kỳ và không nên họp dài ngày mà mỗi kỳ chỉ dao động từ 7-10 ngày, vào thời điểm gần hết mỗi quý của năm, tức là khoảng ngày 15/3, ngày 15/6, 15/9 và 15/12. Đại biểu cho rằng cách tổ chức như thế này sẽ có nhiều ưu điểm. Tổng số ngày họp sẽ không dài hơn số ngày đi họp 2 kỳ như hiện nay, dao động từ 28 đến 35 ngày trong một năm. Điều này rất có lợi cho các đại biểu kiêm nhiệm, nhất là đại biểu đang giữ những trọng trách tại các địa phương như Bí thư tỉnh, Chủ tịch tỉnh, Giám đốc các cơ quan. Có ý kiến cho rằng phải đi lại nhiều, tốn kém, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, điều này không còn là vấn đề lớn nữa vì điều kiện đi lại bây giờ không khó khăn như trước. Hầu hết các đại biểu Quốc hội cũng thường xuyên phải đi công tác ở Hà Nội và nếu khéo sắp xếp, các đại biểu Quốc hội sẽ kết hợp trong các chuyến đi họp Quốc hội để giải quyết công việc ở Trung ương luôn nên không tốn kém thời gian và kinh phí. Hơn nữa, trên thực tế, nếu kỳ họp quá lâu như hiện nay, nhiều đại biểu Quốc hội cũng phải về một vài lần để giải quyết công việc chung hoặc công việc riêng. Đồng thời việc tổ chức họp 4 kỳ như vậy, số liệu sẽ xác thực hơn, các nội dung sẽ bám sát thực tiễn của đất nước hơn, những quyết định của Quốc hội sẽ kịp thời và trở nên có giá trị hơn./.

Bảo Yến

Các bài viết khác