ĐBQH PHẠM VĂN TUÂN GÓP Ý VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XÂY DỰNG

13/06/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, bàn về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, đại biểu Phạm Văn Tuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp về nội dung dự án Luật và đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu để tiếp thu, chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện dự án luật này.

Đại biểu Phạm Văn Tuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình phát biểu từ điểm cầu trực tuyến.

Tham gia phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, đại biểu Phạm Văn Tuân cho rằng Dự án Luật đã được các cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan soạn thảo phối hợp với các cơ quan hữu quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu cơ bản đầy đủ các ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 và các ý kiến tham gia đóng góp của các đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội trước kỳ họp thứ 9. Để góp phần hoàn thiện dự thảo, đại biểu tham gia một số nội dung cụ thể sau đây:  

Thứ nhất, tại khoản 4 Điều 1 dự thảo sửa đổi, bổ sung Điều 7 tại điểm 3 có nêu “căn cứ điều kiện cụ thể ... trường hợp không có Ban quản lý dự án hoặc Ban quản lý dự án không đủ điều kiện làm chủ đầu tư thì người quyết định đầu tư giao cơ quan, tổ chức có đủ điều kiện làm chủ đầu tư”. Về vấn đề này, theo đại biểu, trong thực tiễn đã xảy ra việc người quyết định đầu tư giao cho các cơ quan, đơn vị không chuyên nghiệp làm chủ đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công nên quản lý không tốt, dẫn tới ảnh hưởng đến chất lượng công trình, gây thất thoát, lãng phí vốn đầu tư của nhà nước. Để phù hợp với thực tế của địa phương, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét nghiên cứu, chỉnh sửa điểm này như sau “3. Căn cứ điều kiện cụ thể ... trường hợp không có Ban quản lý dự án hoặc Ban quản lý dự án không đủ điều kiện làm chủ đầu tư thì người quyết định đầu tư giao cơ quan chuyên môn về xây dựng thẩm định; điều kiện của cơ quan, tổ chức có đủ điều kiện về kinh nghiệm và năng lực quản lý dự án để làm chủ đầu tư trước khi quyết định chủ trương đầu tư”.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung Điều 89, quy định chung về cấp giấy phép xây dựng. Đại biểu Phạm Văn Tuân đề nghị Ban soạn thảo xem xét, sửa đổi, bổ sung các điểm sau. Tại khoản 1 theo quy định của Bộ luật Dân sự, theo chủ đầu tư, bắt đầu khởi công công trình thì phải phát sinh mối quan hệ giữa pháp luật với các cơ quan nhà nước là giấy phép xây dựng. Vì vậy, đại biểu đề nghị chỉnh sửa lại khoản này, cụ thể như sau: “Chủ đầu tư khởi công xây dựng công trình phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp theo quy định của luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều này”.

Thứ ba, trong dự thảo sửa đổi, bổ sung, Điều 94 điều kiện cấp giấy phép xây dựng có thời hạn. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét bỏ khoản 3 Điều 94, đối với nhà ở riêng lẻ phải đáp ứng đầy đủ điều kiện quy định tại khoản 1 điều này; điểm b, điểm c, điểm d khoản 1 Điều 93 của luật này. Vì các điều kiện cấp phép xây dựng nhà ở riêng lẻ được quy định tại Điều 93 của Luật Xây dựng năm 2014 và khoản 1 Điều 94 dự thảo luật sửa đổi là điều kiện chung cấp giấy phép xây dựng có thời hạn.

Thứ tư, đại biểu cho rằng tại văn bản hợp nhất số 48 của Văn phòng Quốc hội ngày 10/12/2018 đã sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng số 50/2014 Quốc hội khóa XIII, trong đó có một số nội dung chưa phù hợp. Cụ thể như sau, tại khoản 2, khoản 3 Điều 24 quy định trách nhiệm lập quy hoạch xây dựng khu chức năng.

Khoản 2 quy định: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án xây dựng chung xây dựng khu chức năng và nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng, trừ quy hoạch quy định tại khoản 1 điều này.

Khoản 3 quy định: Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực được giao quản lý hoặc đầu tư. Chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng khu vực được giao đầu tư.

Tại khoản 3 của điều khoản thi hành Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung khoản 2, khoản 3 Điều 34 Luật Xây dựng, số 50/2014 Quốc hội khóa XIII đã sửa đổi, bổ sung tại khoản 9 Điều 28, luật số 35/2018 Quốc hội khóa XIV thì thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng quy định:

Khoản 2: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt nhiệm vụ đồ án quy hoạch xây dựng như sau:

a. Xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện.

b. Quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, trừ các quy hoạch quy định tại điểm c khoản 1 điều này.

Khoản 3: Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết xây dựng các quy hoạch xây dựng nông thôn trong phạm vi địa giới hành chính do mình quản lý sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của cơ quan quản lý quy hoạch xây dựng thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Như vậy, theo quy định tại văn bản hợp nhất số 48, việc phê duyệt nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu, xây dựng các khu chức năng thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện, tuy nhiên trách nhiệm lập nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng là của Ủy ban nhân dân tỉnh. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh về trách nhiệm lập nhiệm vụ tại Điều 24 và thẩm quyền phê duyệt tại Điều 34 đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu chức năng cho thống nhất cùng một cấp cơ quan hành chính.

Tại khoản 57 Điều 1 của dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 9 Điều 162 có quy định: "hướng dẫn kiểm tra công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động, môi trường trong thi công xây dựng công trình, thực hiện công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động, môi trường trong thi công công trình thuộc chuyên ngành quản lý”. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét sửa thành “hướng dẫn kiểm tra công tác quản lý và thực hiện công tác quản lý an toàn lao động, vệ sinh lao động, môi trường trong thi công trình xây dựng” cho ngắn gọn và dễ hiểu, dễ áp dụng trong thực tiễn.

Vấn đề cuối cùng, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cùng với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát các nội dung trong dự thảo luật bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất các luật liên quan, như: Luật Quy hoạch, Luật Đất đai, Luật Nhà ở, v.v. nhất là những nội dung đang trong quá trình triển khai thực hiện mà còn vướng mắc trong thực tiễn. Đại biểu kiến nghị sửa đổi, bổ sung ở một số luật liên quan trong thời gian vừa qua để nhằm theo hướng cắt bỏ các quy định không cần thiết, thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng.

Nghĩa Đức - Bích Lan

Các bài viết khác