ĐBQH PHẠM TRỌNG NHÂN: VĂN PHÒNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU VÀ VĂN PHÒNG QUỐC HỘI LÀ NƠI BỒI DƯỠNG NGUỒN LỰC CHẤT LƯỢNG

13/06/2020

Trong phiên thảo luận toàn thể tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội tại đợt 2 Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Phạm Trọng Nhân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng cần nhìn nhận lại vai trò của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội cũng như các cán bộ công chức của Văn phòng để xây dựng văn phòng độc lập và xem xét, đẩy mạnh phân công, phân quyền.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Trọng Nhân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương đánh giá cao việc bố trí thêm thời gian thảo luận đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội không chỉ thể hiện sự cầu thị mà còn cho thấy sự thận trọng, kỹ lưỡng của Quốc hội nhằm lắng nghe trọn vẹn tất cả ý kiến tâm huyết của đại biểu. Với kỳ vọng sửa đổi lần này sẽ thực sự làm nền tảng thể chế quan trọng, tạo điều kiện cho Quốc hội nhiệm kỳ sau tiếp tục phát huy mạnh mẽ chất lượng, hiệu quả từ những đổi mới mang tính lịch sử của Quốc hội nhiệm kỳ này.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đại biểu Phạm Trọng Nhân đặt văn đề, khi Quốc hội bấm nút thông qua, danh phận của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội từ dự thảo lần đầu chỉ là một bộ phận thì dự thảo lần này đã được nâng lên một bước thành bộ máy giúp việc. Dù phần nào được danh chính ngôn thuận nhưng liệu có thể thay đổi cách nhìn của không ít người về Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội hay không, bởi họ cho rằng xuân thu nhị kỳ chỉ đơn giản là mang vác ra Hà Nội phục vụ kỳ họp, thời gian còn lại khá nhàn nhã tại địa phương, liệu điều này do nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định hay do cách thức nhìn nhận, tuyển chọn và đặt Văn phòng ở vị trí nào trong hệ thống chính trị.

Đại biểu phân tích, nếu nhìn Văn phòng với quan điểm như trên hay đơn thuần chỉ là bưng bê kê dọn hoặc bằng tên gọi Văn phòng đại biểu thì dù tên gọi gì chăng nữa cũng không phát huy được hiệu quả là điều không khó để hiểu. Và với tâm thế đó thì khó có thể chiêu hiền đãi sĩ hay hội tụ được những đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, phẩm chất về tham mưu, phục vụ cho Đoàn đại biểu Quốc hội và càng khó có thể mong đợi đến xây dựng lực lượng kế thừa trở thành đại biểu.

Tuy nhiên, nếu xem đây là nguồn cán bộ, công chức sau mỗi nhiệm kỳ Quốc hội họ chắt lọc được những kiến thức, kinh nghiệm qua các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội nói riêng và tham mưu, phục vụ cho kỳ họp Quốc hội nói chung, qua đó trao cho họ cơ hội quan tâm, rèn luyện, bồi dưỡng thì đây là một trong những nguồn lực chất lượng có thể ứng cử trở thành đại biểu Quốc hội.

Thực tế tại Văn phòng Quốc hội, nhiều cán bộ, công chức Văn phòng, chuyên viên các vụ không ngừng tôi luyện trong vai trò nhiệm vụ và nay đã trở thành đại biểu Quốc hội hay lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội. Trong một xu thế không thể đi ngược về một Quốc hội điện tử luôn đổi mới đã giảm rất nhiều vai trò giúp việc phục vụ thì công tác tham mưu phải là tiêu chí đầu tiên và quan trọng nhất của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội.

Việc tách nhập văn phòng lần nào cũng có đầy đủ các lý do khoa học lẫn thực tiễn. Những bất cập, trở ngại trong hoạt động vận hành bộ máy khi sát nhập thì các tỉnh thành thí điểm với tư cách là người trong cuộc sẽ tường tận hơn ai hết.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân bày tỏ, trong khi đại biểu dân cử các cấp phải giảm văn phòng tham mưu, phục vụ, phải chấp hành tinh gọn, sáp nhập thì nhiều đầu mối bất hợp lý trong bộ máy lại được ở trong vùng an toàn, chưa xem xét, tinh gọn một cách thấu đáo, trên cơ sở khoa học quản lý. Ở góc nhìn khác về Văn phòng Quốc hội, mặc dù người đứng đầu là Ủy viên Trung ương, ngang hàng với Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nhưng Văn phòng Quốc hội chỉ là cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Còn Văn phòng Chính phủ là cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ, cũng cho thấy những bất cập, tồn tại, hạn chế rất lớn. Càng đi sâu phân tích sẽ càng thấy rằng Quốc hội khóa này vẫn còn quá nhiều việc phải làm với chính tổ chức của mình, vì một tầm nhìn và trách nhiệm trước khi chuyển giao nhiệm vụ cho nhiệm kỳ sau.

Trong khi Quốc hội đòi hỏi ngày càng nâng cao vai trò, vị trí của Đoàn đại biểu, nâng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách mà ở nhiệm kỳ sau có thể nhiều đoàn sẽ có từ 2 đại biểu chuyên trách. Đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng việc nhập 2 văn phòng cơ quan dân cử chẳng những không thỏa đáng mà còn vô cùng khiên cưỡng. Khi đã quyết định đặt để văn phòng từ bộ phận thành bộ máy, cũng đồng nghĩa với việc mở ra cơ hội để Văn phòng Đoàn đại biểu độc lập với Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân. Do đó, cần phải xác định rõ ngay trong dự luật, cơ quan tham mưu của Đoàn đại biểu Quốc hội là Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, mà không phải là một bộ máy. Tuy nhiên, khi đã là một văn phòng độc lập thì cũng phải xem xét, đẩy mạnh phân công, phân quyền.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân nhấn mạnh, đổi mới Quốc hội nói chung và nâng cao vị thế của Đoàn đại biểu Quốc hội nói riêng cũng bao gồm cả việc xem xét vị trí các đại biểu chuyên trách, không những trên cơ sở phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn mà còn phải tính toán độ tuổi, để trên cơ sở kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội, họ sẽ còn cơ hội để cống hiến, để phát triển trên nền tảng nắm vững các quy trình lập pháp, hoạch định chính sách. Đại biểu bày tỏ tin tưởng những cán bộ này sẽ đủ tầm ở những vị trí lãnh đạo điều hành, từ đó tránh được tình trạng lãng phí nguồn nhân lực của địa phương và đất nước. Bởi Quốc hội là một trong những môi trường tốt nhất để tôi luyện cán bộ cấp chiến lược quốc gia. Do đó công tác quy hoạch cán bộ và đề án bầu cử đại biểu Quốc hội phải nằm trong tổng thể công tác quản trị nguồn nhân lực không chỉ trong tầm vóc Quốc hội mà còn là tầm vóc của đất nước.

Bày tỏ tâm huyết đối với đội ngũ làm công tác tham mưu phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng cần nhìn nhận lại về Văn phòng đại biểu có cách thức tuyển chọn và đào tạo con người để xây dựng đội ngũ kế thừa xứng đáng với phẩm chất và năng lực mà Hiến pháp cũng như Luật Tổ chức Quốc hội quy định, quan trọng hơn là xứng đáng với niềm tin của cử tri đối với người đại diện cho tiếng nói của mình./.

Bảo Yến