ĐBQH ĐỖ VĂN BÌNH GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM

23/06/2020

Góp ý vào dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Đỗ Văn Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đồng tình với sự cần thiết ban hành luật trong bối cảnh hiện nay. Đây sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ biên giới, chủ quyền quốc gia.

 

Đại biểu Đỗ Văn Bình, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng

Theo đại biểu Đỗ Văn Bình, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam là vô cùng cần thiết. Đây sẽ là một cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ biên giới, chủ quyền quốc gia. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, việc thể chế quan điểm đường lối của Đảng, tinh thần Hiến pháp dường như vẫn còn nội dung dự thảo luật chưa thể hiện được đầy đủ.

Đại biểu dẫn chứng, Hiến pháp năm 2013 khẳng định bảo vệ Tổ quốc là sự nghiệp của toàn dân. Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị đã thể hiện rất rõ quan điểm của Đảng trong quản lý và bảo vệ biên giới. Quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và cả nước, dựa vào dân, lấy dân làm gốc, nhân dân là chủ thể và mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống. Đại biểu nhấn mạnh, như vậy vai trò của nhân dân, đặc biệt là nhân dân tại khu vực biên giới rất quan trọng trong việc quản lý, bảo vệ quốc gia. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật chưa thể hiện rõ quan điểm này. Nội dung về lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng quy định tại khoản 1 Điều 7 cũng chỉ nêu chung chung nhân dân là chủ thể, nhưng nội dung chủ thể của nhân dân trong xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia với chủ trương dựa vào dân, lấy dân làm gốc, cụ thể là thế nào? Vai trò của nhân dân, của từng người dân tại khu vực biên giới trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là đặc biệt quan trọng và được khẳng định như một cột mốc sống nhưng chưa được thể hiện rõ ràng trong dự thảo luật. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện dự thảo Luật.

Về tên gọi của Luật, theo đại biểu Đỗ Văn Bình, Nghị quyết của Đảng đã khẳng định công cuộc quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị và cả nước. Vì vậy, nếu xây dựng luật với tên gọi là Luật Bộ đội biên phòng Việt Nam hoặc là Luật Lực lượng bộ đội biên phòng Việt Nam thì chưa thể hiện được đầy đủ chủ trương trên vì bộ đội biên phòng tuy được xác định là lực lượng nòng cốt chuyên trách nhưng cũng chỉ là một trong các lực lượng bảo vệ biên giới.

Do vậy, đại biểu bày tỏ sự nhất trí với tên gọi của luật là Luật Biên phòng Việt Nam đồng thời đề nghị Ban soạn thảo tập trung rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá đầy đủ các chính sách, quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ biên giới quốc gia, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn khu vực biên giới trong quá trình xây dựng, hoàn thiện dự thảo luật để tránh chồng chéo, phù hợp với thực tiễn và đảm bảo tính khả thi.

Đối với bố cục của dự thảo Luật, đại biểu cho rằng việc bố trí Chương IV quy định về lực lượng bộ đội biên phòng ngay sau Chương II là Chương quy định về nhiệm vụ biên phòng, lực lượng và phối hợp thực thi nhiệm vụ biên phòng sẽ phù hợp và logic hơn.

Đại biểu lý giải, việc thực hiện hợp tác quốc tế về biên phòng, dự thảo Luật bố trí tại Chương III là quan trọng, nhưng đây cũng chỉ là một trong những nhiệm vụ biên phòng và cũng do lực lượng biên phòng tham gia thực hiện. Do vậy, đề nghị chuyển chương quy định về lực lượng bộ đội biên phòng từ Chương IV thành Chương III và chương quy định về hợp tác quốc tế về biên phòng từ Chương III thành Chương IV trong dự thảo Luật.

Ngoài ra, đại biểu còn góp ý vào một số nội dung cụ thể khác của dự thảo luật như: vị trí, chức năng, nhiệm vụ của bộ đội biên phòng; công tác phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ biên phòng;…

Trọng Quỳnh