Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội
Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu đã có phiếu chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Vậy, cụ thể nội dung chất vấn là gì, thưa đại biểu?
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tại kỳ họp 8, Quốc hội khóa XIV, tôi có đặt vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông về việc chỉ đạo hướng dẫn truyền thông kịp thời, thường xuyên để cán bộ, nhân dân biết được những kênh thông tin xấu độc, chủ động phòng tránh, tẩy chay, không vào xem.
Phóng viên: Xuất phát từ thực tế nào đại biểu lại chất vấn Bộ trưởng về vấn đề nêu trên?
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Thông tin xấu độc đã trở thành một vấn nạn. Đây không phải là vấn đề mới, vấn đề này đã tồn tại một thời gian dài. Một số lượng lớn các trang web, blog, mạng xã hội… của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đăng tải thông tin, ý kiến trao đổi, bình luận về tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, dưới nhiều góc độ, mục đích khác nhau không đảm bảo tính chính xác, khách quan của thông tin; trong đó có chứa đựng cả những thông tin xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước. Điều này gây ảnh hưởng không tốt tới dư luận, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn trong xã hội.
Phóng viên: Sau khi nhận được phiếu chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông đã có văn bản số 205/BTTT-VP trả lời chất vấn. Đại biểu có đồng tình với nội dung trả lời tại văn bản?
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tôi chưa thực sự đồng tình với nội dung trả lời của Bộ Thông tin và truyền thông. Tại văn bản trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ đã nêu lên thực trạng và các biện pháp xử lý đối với hành vi cố tình dưa tin sai sự thật. Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ ra nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác chỉ đạo, định hướng thông tin. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, cần thiết phải truyền thông, thông báo về các địa chỉ thông tin xấu độc để người dân tẩy chay, không vào xem. Đồng thời, các có những định hướng, hướng dẫn nhận diện về thông tin xấu độc để người dân nhận biết và phòng tránh.
Phóng viên: Theo quan điểm của đại biểu, đâu sẽ là giải pháp căn cơ cần tập trung thực hiện để ngăn chặn thực trạng thông tin xấu độc ngày càng có diễn biến phức tạp?
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tham gia mạng xã hội là xu thế tất yếu hiện nay, đặc biệt là trong thời đại kinh tế số. Tuy nhiên, vấn đề cần quan tâm là làm sao vừa khai thác được thông tin hữu ích phục vụ cho học tập, công tác, nghiên cứu khoa học,..mà không bị nhiễm thông tin xấu độc làm ảnh hưởng đến nhận thức, quan điểm lập trường, niềm tin.
Theo quan điểm của tôi, giải pháp cốt lõi ở đây vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về những nguy cơ, tác động tiêu cực trên mạng internet nói chung và mạng xã hội nói riêng. Trong đó, đặc biệt chú trọng khả năng sàng lọc, nhận diện dược những kênh thông tin xấu, độc để chủ động phòng tránh. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và truyền thông cũng cần phát huy hơn nữa vai trò định hướng thông tin, kịp thời xác minh, cung cấp thông tin chính thống để cung cấp cho người dân.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!