ĐBQH PHẠM VĂN HÒA GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG (SỬA ĐỔI)

25/06/2020

Góp ý vào dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, ĐBQH Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định về thành lập đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh.

 

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp 

Theo ĐBQH Phạm Văn Hòa, thực hiện Nghị quyết số 19 Ban chấp hành Trung ương, cho đến năm 2025 tiếp tục giảm tối thiểu bình quân cả nước là 10% của đơn vị sự nghiệp công lập. Vì vậy, nếu thành lập mới sẽ phát sinh bộ máy, không phù hợp với chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực dịch vụ công. Đại biểu dẫn chứng kinh nghiệm thực tế tại Đồng Tháp không có đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, chỉ có Trung tâm dịch vụ việc làm trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội của tỉnh nhưng vẫn tuyển dụng được lao động tăng đều hàng năm.

Cụ thể, từ năm 2016 đến nay  Đồng Tháp đã tuyển trên 6.000 lượt lao động ra nước ngoài làm việc, chủ yếu là ở Hàn Quốc, Nhật và Đài Loan. Trung tâm này có chức năng thẩm tra năng lực, kinh nghiệm, thị trường, điều kiện làm việc, sinh hoạt của người lao động; thẩm định các nghiệp đoàn đối tác ở nước ngoài của các doanh nghiệp trong nước đến tuyển dụng lao động. Ngoài ra, Trung tâm còn làm nhiệm vụ theo dõi các hợp tác lao động giữa chính quyền Đồng Tháp và chính quyền địa phương ở nước ngoài. Tiếp đó, sau khi lao động hết hạn về nước thì Trung tâm còn có nhiệm vụ giới thiệu việc làm cho các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật và Đài Loan ở trong nước. Trung tâm còn có nhiệm vụ đưa lao động đi và đón lao động về. Thực tế cho thấy, bộ máy của Trung tâm rất gọn nhẹ nhưng hoạt động lại mang lại hiệu quả cao. Số lao động ngoài nước được Trung tâm phối hợp với doanh nghiệp tuyển dụng và nghiệp đoàn nước ngoài, nước sở tại theo dõi, quản lý chặt chẽ. Từ đó đã hạn chế tối thiểu lao động trốn hoặc bị xâm hại và những nguyện vọng của lao động làm việc ở nước ngoài đều được giải quyết và xử lý kịp thời quan hệ phối hợp giữa chính quyền ở Đồng Tháp và nước sở tại.

Xuất phát từ thực tế tại địa phương, ĐBQH Phạm Văn Hòa đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc có nên thành lập đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh hay không? Hay xem xét cách làm giống như ở Đồng Tháp đã triển khai.

Về Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước được quy định từ Điều 68 đến Điều 70, ĐBQH Phạm Văn Hòa đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ những vấn đề hiện nay dư luận rất quan tâm. Đó là, vấn đề đóng góp của doanh nghiệp, đóng góp của người lao động và đóng góp của các nguồn ủy thác. Cụ thể,  đóng góp của doanh nghiệp, đóng góp của người lao động là bắt buộc hay tự nguyện.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa đây là một vấn đề rất quan trọng, tránh thu tùy tiện gây ảnh hưởng đến hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là ảnh hưởng đến người lao động. Vì vậy, đại biểu đề nghị mặc dù trong việc thu chi, mục đích chi, nguồn thu có hướng dẫn của Chính phủ nhưng cũng phải có sự chia sẻ của Ban soạn thảo để cho các đại biểu nắm được. Ngoài ra, quy định việc trích 10% quỹ để chi cho bộ máy quản lý điều hành. Đại biểu cho rằng hiện nay các quỹ ngoài ngân sách nhà nước, Chính phủ không cho phép chi từ 10% trở lên mà chỉ 10% trở xuống. Do đó, Ban soạn thảo đề xuất mức trích quỹ như vậy liệu có hợp lý? Và có sự hài hòa giữa các quỹ ngoài ngân sách nhà nước hay không?

Ngoài ra, đối với vấn đề lao động bỏ trốn, lao động bị xâm hại, lao động bị ép làm việc ngoài giờ quá quy định, đại biểu cho rằng chế tài của chúng ta trong thời gian qua chưa thực sự thuyết phục, không thể chỉ đưa lao động ra nước ngoài làm việc là xong mà phải chịu trách nhiệm từ lúc lao động ra đi cho đến lúc về. Vì vậy, ĐBQH Phạm Văn Hòa đề nghị cân nhắc quy định chặt chẽ nhằm đảm bảo tinh thần trách nhiệm và tính nhân văn của cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý lao động ở nước ngoài./.

Trọng Quỳnh