Xử lý sai phạm xây dựng chưa triệt để.
Bắt đầu phá dỡ sai phạm tại công trình 8B Lê Trực, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội từ tháng 11/2015, nhưng gần 5 năm trôi qua, đến nay những sai phạm này vẫn chưa được xử lý triệt để. Một công trình sai phạm nằm ngay ở trung tâm Thủ đô mà suốt hai năm qua việc xử lý sai phạm theo Quyết định vẫn còn dang dở, chưa thể hoàn thiện để đưa vào sử dụng, gây mất mỹ quan đô thị.
Đây chỉ là một trong số hàng loạt các công trình vi phạm các quy định của pháp luật về xây dựng tại Thủ đô Hà Nội. Từ năm 2017, tại kỳ họp Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội, lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố đã yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện phải phối hợp giải quyết dứt điểm 413 công trình tồn đọng nhiều năm. Tuy nhiên, đến tháng 5/2020, theo thống kê vẫn tồn 37 công trình vi phạm, cá biệt cả năm 2018, toàn thành phố không xử lý thêm được trường hợp nào.
Tình trạng nhà siêu mỏng, siêu méo vẫn tồn tại mà chưa được xử lý dứt điểm, gây mất mỹ quan đô thị
Trước tình trạng này, lần đầu tiên, Sở Xây dựng Hà Nội buộc phải “bêu” tên công khai 43 công trình vi phạm tồn đọng. Đáng chú ý, trong danh sách đó có sự góp mặt của những dự án lớn như: Tòa nhà Hòa Bình Green City; chung cư Mỹ Sơn Tower và chung cư cao tầng 62 Nguyễn Huy Tưởng; công trình có chức năng hỗn hợp Đại Thanh và công trình hỗn hợp nhà ở-Trung tâm Thương mại CT5 Tân Triều; nhà ở thấp tầng 108 Nguyễn Trãi; tòa HH01 và tòa 04-HH02 dự án Khu chức năng đô thị Đại Mỗ...
Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong 6 năm (từ năm 2013 đến 2019), 4.600 quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng trên địa bàn thành phố chưa được giải quyết.
Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai nêu ý kiến: Câu chuyện cũ tưởng là cũ tại Dự án 8B Lê Trực hay câu chuyện còn đang mới như tại Dự án Đại Thanh thì cần có cách tiếp cận mới xử lý. Đầu tiên phải nói đến trách nhiệm của nhà nước, cơ quan quản lý trực tiếp. Thực tế, doanh nghiệp kinh doanh, việc lách luật là khó tránh khỏi nhưng khi phát hiện vi phạm thì cần xử lý nghiêm, kiên quyết, triệt để. Nhưng nguyên nhân và nguồn gốc để dẫn tới sai phạm lớn đó là sự quản lý còn lỏng lẻo, thiếu hiệu quả, có tình trạng tiêu cực. Tôi đã từng phát biểu điều này trước nghị trường Quốc hội, hiện tượng tưởng như nhỏ là “phạt cho tồn tại” cũng là nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhờn luật, bộ máy quản lý nhà nước hoạt động kém hiệu quả.
Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai
Điều đáng nói, vi phạm trong lĩnh vực xây dựng không chỉ xảy ra trên địa bàn Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, mà là thực trạng phổ biến ở nhiều địa phương khác trong cả nước. Các hình thức vi phạm chủ yếu là phá vỡ quy hoạch đô thị, vi phạm quy định về mật độ xây dựng, chiều cao công trình, xây nhà siêu mỏng, siêu méo, gây mất mỹ quan đô thị … Vi phạm trong lĩnh vực xây dựng đang tồn tại như một vấn nạn xã hội và luôn là một “cái kim trong bọc” gây nhức nhối trong dư luận, làm “đau đầu” các cấp chính quyền, thậm chí cả Chính phủ và các bộ, ngành. Điều đáng nói là trong khi những vi phạm tồn đọng, kéo dài chưa được xử lý dứt điểm thì số công trình vi phạm mới vẫn liên tiếp xuất hiện. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà đến nay việc giải quyết hậu quả vẫn chậm trễ, gây bức xúc trong xã hội. Trong khi đó, việc xử phạt, quy trách nhiệm của cơ quan chức năng cũng như chủ đầu tư vẫn còn lỏng lẻo.
Phân tích nguyên nhân của tình tràng này, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn tới những sai phạm trong hoạt động xây dựng thời gian qua. Đó là thiếu quy hoạch tốt, thiếu quy hoạch có tầm nhìn. Nguyên nhân thứ hai là có tình trạng hám lợi nhuận của một số nhà thầu, đơn vị thi công, đặc biệt, các vi phạm thường xảy ra tại những dự án xây dựng chung cư, nhà cao tầng. Nguyên nhân thứ ba là các quy định pháp luật luật hiện hành chưa đủ, trong khi người thực hiện luật chưa nghiêm. Tất cả những lý do này dẫn tới một loạt các sai phạm liên quan đến hoạt động xây dựng thời gian qua.
Trong khi tình trạng vi phạm xây dựng diễn ra ở nhiều nơi thì lý do được các cấp, ngành, địa phương nêu ra để lý giải cho tình trạng chậm trễ trong xử lý dứt điểm các sai phạm về trật tự xây dựng đó là khung pháp lý chưa hoàn thiện; chưa có chế tài hoặc chế tài chưa hoàn thiện; hồ sơ, nguồn gốc đất phức tạp qua nhiều giai đoạn của khung chính sách pháp luật; việc xử lý đúng luật lại có thể dẫn đến phát sinh vấn đề xã hội phức tạp... khiến kết quả xử lý vi phạm xây dựng chưa đạt kết quả như mong muốn.
Cần quy rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương.
Trước thực trạng nhiều bất cập kéo dài trong lĩnh vực xây dựng, tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã thảo luận và thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng. Trong quá trình thảo luận, các ý kiến của đại biểu cũng đã nêu lên thực trạng quản lý xây dựng còn nhiều bất cập, cần tìm rõ nguyên nhân và cần có quy định đủ mạnh để xử lý dứt điểm các sai phạm trong lĩnh vực xây dựng.
Nhiều đại biểu cho rằng, thực tế trong công tác quy hoạch xây dựng hiện nay còn nhiều bất cập như thiếu sự minh bạch trong quy hoạch xây dựng dẫn tới việc xây dựng trái với quy hoạch để trục lợi. Tình trạng vi phạm trật tự về xây dựng như xây vượt tầng, xây sai phép, không chấp hành các quy định liên quan… nhưng vẫn chưa quy rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng như chính quyền địa phương.
Đại biểu Đinh Duy Vượt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, cho rằng việc cấp phép xây dựng đóng vai trò rất quan trọng, nhưng quan trọng hơn là việc kiểm tra tổ chức thực hiện như thế nào để đúng với nội dung được cấp phép, tránh tình trạng vừa qua xây các nhà chung cư san sát, vượt tầng, phá vỡ quy hoạch. Hệ quả của tình trạng vi phạm trật tự xây dựng là phá vỡ quy hoạch của các lĩnh vực khác như điện, nước, giao thông, cầu cống…. Điều này ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước, gây ra nhiều hệ lụy khó có khả năng khắc phục được.
Đại biểu Đinh Duy Vượt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai
Cũng có ý kiến khác nêu thực tế, vi phạm trong lĩnh vực xây dựng diễn ra tràn lan, kéo dài nhưng các cấp chính quyền và đơn vị chức năng lại chưa thực sự nhận trách nhiệm, mà cho rằng việc chủ đầu tư cố tình tránh né, chây ì dẫn đến kết quả thực hiện các chỉ đạo xử lý còn chậm, chưa triệt để. Khó khăn hơn nữa là các vi phạm xảy ra ở những dự án khu đô thị, khu nhà ở đã được bán, bàn giao cho người dân vào ở, tập trung đông dân cư nên quá trình xử lý cần xem xét đến việc ổn định an ninh trật tự và cuộc sống của người dân.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, nêu giải pháp, khi xem xét bổ sung các quy định xử phạt cần đề cao trách nhiệm của cơ quan đơn vị quản lý trong công tác xây dựng cũng như đội ngũ chuyên môn làm công tác xây dựng. Xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu, đội quản lý trật tự, nếu quá trình xây dựng không đảm bảo khách quan, không đảm bảo quy hoạch, xây dựng sai phép, xây dựng trên đất nông nghiệp… thì cần có quy định cụ thể để xử lý.
Như vậy, có thể nói tình trạng vi phạm trật tự xây dựng sai phép, không phép đặc biệt tại các đô thị, thành phố lớn kéo theo một loạt những hệ lụy như gia tăng dân số, áp lực giao thông, rác thải, ô nhiễm môi trường… gây bức xúc dư luận. Vậy nguyên nhân vì sao gây nên tình trạng này? Cần có những giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng vi phạm trật tự xây dựng kéo dài ở các địa phương trong thời gian qua? Vì vậy, đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản chất vấn Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.
Ngay sau khi nhận được văn bản chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 1639 trả lời chất vấn đại biểu. Công văn nêu rõ: Thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về quản lý trật tự xây dựng trên toàn quốc. Công tác quản lý trật tự xây dựng đã từng bước đi vào nề nếp và có những chuyển biến tích cực. Số lượng công trình vi phạm trật tự xây dựng trên cả nước giảm dần qua từng năm. Theo tổng hợp của Bộ Xây dựng từ báo cáo của các Sở Xây dựng địa phương, năm 2016 số công trình có vi phạm trên cả nước là 13.882 công trình, năm 2017 là 10.612, năm 2018 là 3.249 và 6 tháng đầu năm 2019 là 2.931 công trình. Tuy nhiên, hiện nay tình hình vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều nơi trong phạm vi cả nước như đại biểu phản ánh.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn đại biểu Nguyễn Tạo
Trả lời đại biểu Quốc hội về vấn đề chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ 05 nguyên nhân chính:
1.Tại một số địa phương, công tác lập, phê duyệt các loại quy hoạch xây dựng theo quy định (đặc biệt là quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết) chưa được quan tâm đúng mức, thực hiện còn chậm.
2. Mô hình tổ chức bộ máy Thanh tra Xây dựng đô thị tại các địa phương còn có điểm bất cập, đặc biệt là tại các thành phố lớn, nên thiếu sự gắn kết giữa các cấp chính quyền cơ sở và lực lượng thanh tra xây dựng trong việc phát hiện, xử lý vi phạm trật tự xây dựng.
3. Một số cấp chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức và chỉ đạo thường xuyên đối với công tác quản lý nhà nước về xây dựng và thanh tra, kiểm tra trật tự xây dựng; một số vi phạm xây dựng chưa được xử lý kịp thời, triệt để.
4. Việc áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình còn khó khăn liên quan đến lực lượng, phương án phá dỡ, chi phí, một số công trình đã bàn giao đưa dân vào ở…
5. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân, tổ chức, doanh nghiệp chưa cao, nhiều trường hợp cố tình vi phạm mặc dù đã được phát hiện và nhắc nhở.
Để khắc phục tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1398 ngày 16 tháng 10 năm 2019 ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 83 ngày 14 tháng 6 năm 2019 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 đối với lĩnh vực. Trong đó đã quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành, địa phương, gồm 5 giải pháp cụ thể sau:
1. Tăng cường công tác rà soát, chấn chỉnh nâng cao chất lượng quy hoạch xây dựng.
2. Tăng cường quản lý, kiểm soát các hoạt động xây dựng và ngăn chặn, phòng ngừa các vi phạm trong xây dựng
3. Tăng cường kiểm soát, quản lý và ngăn chặn kịp thời, hiệu quả đối với các vi phạm trong quản lý trật tự xây dựng.
4. Giải pháp về thanh tra, kiểm tra
5. Hoàn thiện mô hình thanh tra xây dựng.
Như vậy, trong Công văn trả lời đại biểu cũng đã khẳng định tình hình vi phạm trật tự xây dựng vẫn diễn biến phức tạp, xảy ra ở nhiều nơi trong phạm vi cả nước như đại biểu phản ánh. Tuy nhiên công tác quản lý của cơ quan chức năng vẫn chưa thực sự hiệu quả, vẫn còn sự chồng chéo, bất cập trong công tác quản lý giữa các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Vậy đâu là nguyên nhân cơ bản khiến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng diễn ra phổ biến? Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cần được nhìn nhận như thế nào? Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Nguyễn Tạo về vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng
Phóng viên: Xuất phát từ thực trạng nào đại biểu lại chất vấn Thủ tướng Chính phủ về tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng?
Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Trong quản lý trật tự xây dựng đô thị, dưới góc độ quản lý xây dựng hiện nay tôi thấy còn nhiều bất cập. Từ sau khi có Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật đất đai, đặc biệt Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng, thực tế những bất cập này trong quản lý vẫn còn diễn ra. Ở các đô thị hiện nay, từ đô thị trực thuộc Trung ương, tới các đô thị loại 1, loại 2, loại 3 thuộc tỉnh thì vẫn còn sức ép rất lớn, đó là đáp ứng nhu cầu phát triển của đô thị, của xã hội. Phát triển kinh tế thì quản lý đô thị cũng phải nâng tầm lên với phát triển kinh tế, đó là vấn đề đặt ra hai vấn đề đó là quy hoạch quản lý đất đai và công tác quản lý quy hoạch xây dựng của các đô thị. Hai vấn đề này nếu đối chiếu với Luật Quy hoạch (quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh) thì vẫn còn có bất cập xảy ra.
Phóng viên: Ngay sau khi nhận được văn bản chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản trả lời chất vấn. Vậy, đại biểu có đồng tình với nội dung trả lời tại văn bản?
Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Tôi rất đồng tình với trả lời của Thủ tướng, nhưng tôi băn khoăn 2 điểm, cần phải thống nhất đó là quản lý các đô thị mà có kinh doanh bất động sản du lịch thì cần có cơ chế chính sách quản lý như thế nào. Thứ hai, chúng ta cũng cần có chuẩn mực về đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị sinh thái. Từ các tiêu chí này chúng ta mới giữ vững được sự phát triển của từng loại hình đô thị đặc thù, ví dụ ở đồng bằng phát triển đô thị khác với khu vực miền núi. Chúng ta cần có quy hoạch đô thị riêng cho từng vùng, miền để phù hợp với điều kiện địa lý, địa chất, thổ nhưỡng…trong đó quy định rõ mật độ dân cư, mật độ xây dựng, mật độ cây xanh như thế nào thì chúng ta mới phát triển bền vững.
Phóng viên: Tại văn bản trả lời, Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra 5 nhóm giải pháp. Theo ý kiến của đại biểu những giải pháp đề ra liệu có khắc phục được những bất cập hiện nay?
Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Tôi thiết nghĩ, trong khi sửa đổi Luật đất đai thời gian tới thì cần tính toán đến yếu tố này, sửa đổi trên cơ sở tích hợp quản lý đô thị nói chung và quản lý quy hoạch xây dựng nói riêng. Giải pháp, theo tôi cần xem lại công tác quy hoạch. Chúng ta cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật theo luật quy hoạch, tích hợp chung với quy hoạch của tỉnh, của vùng thì mới quản lý được. Giải pháp thứ hai là cần xây dựng các tiêu chí đô thị đồng bộ, thống nhất, với các yêu cầu như có đủ cơ sở hạ tầng, hệ thống xử lý chất thải rắn, các công trình thiết yếu như bến bãi đỗ xe… để đảm bảo môi trường xanh, sạch, để phát triển đô thị bền vững trong thời gian tới. Đặc biệt, cần xây dựng các đô thị vệ tinh để giãn dân, giải tỏa áp lực ở nội đô.
Chúng ta cũng cần rà soát lại các luật, từ Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Xây dựng, Luật Quy hoạch, Luật đất đai, đặc biệt chúng ta cần quy rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra vi phạm pháp luật về đô thị như thé nào. Nếu xử lý không nghiêm minh trách nhiệm người đứng đầu như hiện nay thì tôi nghĩ công tác quản lý trật tự xây dựng ở các địa phương sẽ không được cải thiện.
Phóng viên: Theo quan điểm của đại biểu, đâu là nguyên nhân cơ bản khiến tình trạng vi phạm trong lĩnh vực xây dựng vẫn diễn ra phức tạp?
Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Hiện nay, thực trạng tăng dân số cơ học ở các đô thị tăng cao, lượng người về thành phố làm việc và sinh sống rất lớn. Các đô thị của Việt Nam cũng phát triển nhanh trong thời gian qua, tình trạng đô thị hóa, từ khu vực nông thôn đến thành thị diễn ra nhanh chóng. Để đáp ứng nhu cầu tăng dân số tăng cao tại các đô thị do vậy cần có giải pháp quản lý đi vào nề nếp, chuyên nghiệp hơn. Ví dụ, có đô thị có phòng quản lý quy hoạch kiến trúc, nhưng có đô thị lại không có cơ quan này.
Một ví dụ nữa, đội xử lý vi phạm hành chính, đội quản lý trật tự cũng được tổ chức dưới nhiều loại hình khác nhau, không thống nhất giữa các địa phương; cách tổ chức thì tùy tiện. Việc phát huy vai trò của lực lượng thanh tra xây dựng không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Do vậy, đội quản lý trật tự xây dựng ở các đô thị hiện nay cũng ở các đơn vị khác nhau, cho nên không đáp ứng yêu cầu công việc, nên công tác quản lý trật tự xây dựng thời gian qua rất khó khăn.
Ví dụ như Đà Lạt, một thành phố trong rừng, rừng trong thành phố, bây giờ đã và đang từng ngày bị bê tông hóa. Nguyên nhân là cơ chế pháp luật, nhu cầu sinh lợi từ khu vực đô thị rất cao do đó mật độ xây dựng tăng cao, gây áp lực cho khu vực đô thị, khiến bất động sản tăng ảo trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó có tình trạng phá rừng, chuyển đổi đất nông nghiệp trái phép sang để kinh doanh bất động sản du lịch, hình thành các khu dân cư mà không theo quy hoạch chung.
Phóng viên: Để xảy ra tình trạng này, vai trò cũng như trách nhiệm của Bộ Xây dựng cần được nhìn nhận như thế nào?
Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Chính phủ đưa ra các giải pháp rồi, nhưng tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải làm mạnh hơn nữa, cụ thế hóa các văn bản chính sách pháp luật vào cuộc sống thì mới quản lý được. Bên cạnh đó, cần phân cấp mạnh mẽ hơn chính quyền đô thị, nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu, khi để xảy ra sai phạm phải chịu trách nhiệm, ngoài trách nhiệm trước nhân dân, trước đảng, chính quyền thì phải chịu trách nhiệm trước Bộ Xây dựng, Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý xây dựng trên địa bàn mình quản lý. Trong các giải pháp xử lý vi phạm hành chính cần kiên quyết hơn, không thể nào tiếp tục hợp thức hóa các hành vi xây dựng sai phép, không thể xử phạt rồi tiếp tục cho phép tốn tại. Ngay cả tại thành phố Hà Nôi, thành phố Hồ Chí Minh và nhiều đô thị trong cả nước đều có tình trạng xử lý vi phạm nhưng do vi phạm đó tồn tại quá lâu trong khu dân cư nên vẫn tiếp tục cho phép tồn tại. Khi cho phép vi phạm tồn tại 1 lần, 2 lần thì sẽ phá vỡ quy hoạch chung. Đến lúc đó, nhân dân mất niềm tin vào công tác quản lý và xử lý của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, làm giảm tính nghiêm minh của pháp luật, làm pháp luật bị vô hiệu hóa.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, cần phải kiên quyết, kịp thời và nghiêm minh trong xử lý vi phạm xây dựng và cũng mong muốn Chính phủ sẽ có giải pháp hữu hiệu hơn nữa để xử lý dứt điểm vi phạm xây dựng diễn ra ở nhiều địa phương trong thời gian qua.
Phóng viên: Tân trọng cảm ơn đại biểu!
Cơ bản đồng tình với các giải pháp mà Chính phủ đề ra, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Tạo cho rằng, một số quy trình, quy định, thủ tục, trình tự xử lý vi phạm trật tự xây dựng còn nhiều điểm bất cập, chưa hợp lý, chưa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật đối với cả đối tượng vi phạm và cán bộ thực thi pháp luật. Do đó, yêu cầu hoàn thiện thể chế là đòi hỏi tất yếu nhằm khắc phục cơ bản những tồn tại đang đặt ra. Bên cạnh đó, để các quyết sách mà Chính phủ nêu ra đi vào cuộc sống rất cần sự vào cuộc của chính quyền các địa phương, các cơ quan chức năng, trong đó nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý lĩnh vực này; khi phát hiện sai phạm cần xử lý nghiêm minh, tránh tình trạng “phạt cho tồn tại” như đã xảy ra ở một số nơi trong thời gian qua./.