GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CƠ CHẾ ĐẶC THÙ SẼ GIÚP THỦ ĐÔ HÀ NỘI PHÁT TRIỂN XỨNG TẦM

02/07/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Hà Nội, trong đó quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội về quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, mức dư nợ vay và sử dụng Quỹ Dự trữ tài chính... Theo một số đại biểu Quốc hội, việc Quốc hội cho phép cơ chế đặc thù với Hà Nội sẽ là cơ hội phát triển xứng tầm vị thế Thủ đô.

 

Những nút thắt cần tháo gỡ để tạo động lực cho Thủ đô phát triển.

Thành phố Hà Nội có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học và công nghệ lớn của đất nước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố luôn ở mức cao, hằng năm đều tăng gấp 1,5 lần so với trung bình cả nước; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn lớn thứ hai cả nước, khẳng định vị thế đầu tàu, động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vùng Đồng bằng sông Hồng nói riêng và cả nước nói chung. Tuy nhiên, hiện Hà Nội vẫn chưa có sự phát triển đột phá, tương xứng với vị thế và tiềm năng sẵn có, bởi đang tồn tại nhiều bất cập từ sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch, cơ sở hạ tầng, đến vướng mắc về cơ chế tài chính để giải quyết những tồn tại trong thời gian dài vẫn chưa được giải quyết.

Ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam phân tích: Mặc dù, chúng ta đã có quy hoạch chung của Thủ đô, bức tranh đô thị Hà Nội đã đẹp hơn, nhưng nhìn tổng thể vẫn chưa được như mong muốn. Đó là hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa đáp ứng được nhu cầu; nhiều nơi còn nhếch nhác, lộn xộn; quảng cáo, biển báo còn tùy tiện gây mất mỹ quan đô thị; môi trường ô nhiễm; đường sá chưa hoàn chỉnh; giao thông tắc nghẽn; tình trạng vứt rác, xả nước thải bừa bãi còn phổ biến ở nhiều tuyến đường. Cùng với đó là tình trạng lấn chiếm vỉa hè, công trình công cộng; lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép; hồ ao nhiều nơi bị lấp; hệ thống thoát nước bẩn và nước mưa có nhiều vấn đề; tổ chức giao thông ở một số tuyến đường, phố, nút giao thông còn chưa khoa học… Vì vậy, việc quản lý và triển khai thực hiện quy hoạch là vấn đề rất bức thiết để lập lại trật tự.

Một góc Thủ đô Hà Nội nhìn từ trên cao

Từ năm 1965 đến nay, Bộ Chính trị đã ban hành 4 Nghị quyết riêng về Thủ đô Hà Nội. Luật Thủ đô năm 2012 cũng đã được Quốc hội ban hành, trong đó quy định nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tạo động lực cho sự nghiệp xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. Thế nhưng, vẫn còn một số vấn đề vướng mắc trong các lĩnh vực kinh tế-xã hội cản trở sự phát triển của Thủ đô như: Công tác quy hoạch, quản lý đô thị chưa theo kịp yêu cầu phát triển; tốc độ đô thị hóa diễn ra rất nhanh, trong khi cơ sở hạ tầng còn nhiều bất cập; tình trạng ô nhiễm môi trường; ùn tắc giao thông; ngập úng; tình trạng tăng dân cư tự phát đã gây sức ép lớn đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở khu vực nội thành...

Mặc dù Quốc hội đã ban hành Luật Thủ đô năm 2012, đồng thời, căn cứ quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi ban hành Nghị định số 63/2017/NĐ-CP quy định một số cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, nhưng trước yêu cầu phát triển mới đòi hỏi phải có những cơ chế tài chính đặc thù, khác so với một số luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đối với thành phố Hà Nội.

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội cho rằng, trong Luật Thủ đô đặt ra mục tiêu mà nhân dân Thủ đô cũng như nhân dân cả nước rất là kỳ vọng đó là xây dựng Hà Nội trở thành đô thị văn minh và hiện đại. Tuy nhiên tính khả thi của quy định này phụ thuộc vào nguồn lực nếu như chúng ta không đáp ứng đủ nguồn lực thì mục tiêu đó không thể trở thành hiện thực.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh khẳng định, đối với các thành phố lớn, đặc biệt là thành phố Hà Nội cũng như TP. Hồ Chí Minh thì việc giao quyền tự chủ, chủ động tự quyết định về mặt tài chính, ngân sách, huy động nguồn lực đầu tư phát triển là cần thiết. Việc Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù để những thành phố này tự huy động nguồn lực để phát triển sẽ chủ động hơn. Còn nếu chúng ta tuân theo một khung chính sách chung thì rất khó để giải quyết bài toán đặt ra đối với đô thị lớn, với quy mô của siêu đô thị.

Cơ chế đặc thù sẽ tạo cú hích để Thủ đô phát triển

Trước yêu cầu phát triển mới đòi hỏi phải có những cơ chế tài chính đặc thù, khác so với một số luật hiện hành cho phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội đối với thành phố Hà Nội. Trong khi chờ tổng kết để sửa Luật Thủ đô năm 2012, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Hà Nội.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/8/2020 và được thực hiện trong 5 năm. Trong đó, quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội về quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, mức dư nợ vay và sử dụng Quỹ Dự trữ tài chính.

Về quản lý thu ngân sách nhà nước, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được quyết định áp dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội một số khoản thu phí phù hợp với đặc điểm của thành phố Hà Nội bao gồm phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách trung ương hưởng 100%.

Ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu phí nêu trên để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội và chi hoạt động kinh tế, khoa học và công nghệ, giáo dục, y tế và phúc lợi xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố Hà Nội và không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố Hà Nội.

Ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn thành phố Hà Nội (trừ cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố Hà Nội.

Ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do UBND thành phố Hà Nội làm đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước để bổ sung nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố Hà Nội.

Về quản lý chi ngân sách nhà nước, căn cứ dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao và tình hình thực tế của thành phố Hà Nội, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội quyết định dự toán, phân bổ ngân sách thành phố Hà Nội bảo đảm phù hợp với các định hướng cơ cấu lại ngân sách, phát triển kinh tế-xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ.

Thành phố Hà Nội thực hiện cơ chế tạo nguồn cải cách tiền lương theo quy định. Sau khi ngân sách thành phố Hà Nội bảo đảm đủ nguồn cải cách tiền lương và thực hiện các chính sách an sinh xã hội cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền, Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp thành phố và cho phép ngân sách cấp dưới sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố Hà Nội.

Như vậy, có thể nói những quy định trong Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Hà Nội được kỳ vọng sẽ tạo ra sức bật mới cho Thủ đô trong giai đoạn tới. Vậy Chính phủ cũng như thành phố Hà Nội cần làm gì để các quy định này đi vào cuộc sống, để các cơ chế đặc thù được phát huy hiệu quả trên thực tế? Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về vấn đề này:

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre: Sau khi Nghị quyết được thông qua, tôi tin rằng Thủ đô sẽ phát triển đột phá hơn nữa, phát huy hết tiềm năng, tiềm lực sẵn có. Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả các cơ chế chính sách đặc thù này, điều quan trọng là phát huy vai trò cấp ủy chính quyền và người lãnh đạo của Thành phố cũng như sự phấn đấu của toàn bộ người dân Thủ đô. Hà Nội cũng cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, gắn với tăng cường trách nhiệm của chính quyền Thành phố Hà Nội. Đồng thời, thực hiện đầy đủ việc công khai, minh bạch, đảm bảo việc thực hiện kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp của Thành phố, giám sát của người dân, của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể để Hà Nội phát triển ngày càng văn minh, hiện đại.

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế

Đại biểu Đặng Ngọc Nghĩa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế: Hà Nội là Thủ đô của cả nước, cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước. Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết này sẽ tạo đột phá lớn cho Thủ đô phát triển. Nghị quyết quy định, Ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn thành phố Hà Nội (trừ cơ quan, đơn vị thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh) để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của thành phố Hà Nội. Tôi cho rằng, nguồn ngân sách thu từ tiền sử dụng đất rất lớn, do vậy Hà Nội cần sử dụng hợp lý, đúng mục đích, tránh lãng phí. Trong nhiều năm qua có những dự án, công trình mà Hà Nội làm rất tốt, ví dụ hệ thống đường vành đai; cải tạo hệ thống đô thị; sắp xếp di dời trụ sở một số bộ ngành; sự phối hợp giữa Hà Nội với các cơ quan Trung ương khá hiệu quả. Tuy nhiên, tôi nghĩ Hà Nội vẫn cần quy hoạch mang tính căn cơ hơn, đồng bộ hơn, vừa hiện đại, vừa dân tộc, vừa đảm bảo Hà Nội là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước. Do vậy,  ban lãnh đạo Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần phải có chiến lược, kế hoạch dài hơi hơn, đồng bộ hơn và căn cơ hơn, chứ không chỉ là thực hiện theo những nội dung trong Nghị quyết trình Quốc hội.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Tôi hy vọng những cơ chế chính sách được quy định trong Nghị quyết sẽ giúp thành phố Hà Nội có nguồn lực làm những điều tốt hơn. Nhưng ở chiều ngược lại, Thủ đô cũng phải có trách nhiệm với đồng tiền được cấp, đảm bảo để thủ đô Hà Nội phát triển xứng tầm. Tôi mong muốn khi các quy định này đi vào cuộc sống sẽ có những bước đột phá, quy định mang tính mạnh mẽ hơn để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho Hà Nội phát triển. Đặc biệt, tới đây, khi tiến hành sửa đổi Luật Thủ đô, chúng ta cần nghiên cứu tổng thể, đưa ra chính sách mạnh mẽ hơn để tạo sự ổn định, tránh việc thường xuyên điều chỉnh, trong khi quy mô chưa đạt được mức như kỳ vọng.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh: Với góc độ là một người dân ở địa phương khác nhìn về Thủ đô, nhìn về Hà Nội trái tim của cả nước với một sự tin yêu, kính trọng, cả nước cùng hướng về Hà Nội, đại biểu mong muốn Hà Nội phát triển toàn diện. Hà Nội cần được đầu tư tương xứng để nâng tầm và nâng cao đời sống của người dân cả về đời sống vật chất lẫn văn hóa, tinh thần, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Từ khi Luật Thủ đô có hiệu lực năm 2012 đến nay đã tác động tích cực đến sự phát triển của Hà Nội. Song thực tế triển khai Luật Thủ đô cũng còn rất nhiều vướng mắc cần phải có điều chỉnh, sửa đổi. Vì thế, lần này Quốc hội ban hành Nghị quyết một số cơ chế tài khóa đặc thù cho Hà Nội sẽ tạo điều kiện cho Hà Nội có thêm nguồn lực để đầu tư phát triển. Tuy nhiên, để Thủ đô Hà Nội phát triển xứng tầm, Hà Nội cũng cần được đầu tư mạnh hơn nữa từ ngân sách Trung ương và sự phối hợp đầu tư của các Bộ, ngành, sớm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc hiện tại, xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục - khoa học và khẳng định vai trò đầu tàu, động lực kinh tế của cả nước./.

Lan Hương