ĐBQH LÊ QUANG TRÍ CHO Ý KIẾN VỀ DỰ ÁN LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỬA ĐỔI)

09/07/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Lê Quang Trí – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang đã đóng góp ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Đại biểu Lê Quang Trí phát biểu

Đại biểu cơ bản đồng tình với các nội dung của Dự thảo Luật. Tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu tham gia một số ý kiến sau:

Một là, về các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 5. Đại biểu chỉ rõ, hiện nay, công nghệ sinh học rất phát triển, tại các phòng thí nghiệm vi sinh, phòng thí nghiệm virus các nhà khoa học đã và đang tạo ra các chủng mới vi sinh vật, virus biến đổi gen để phục vụ sản xuất, khám chữa bệnh, phục vụ con người. Tuy nhiên, việc này cũng tạo ra những chủng vi sinh vật, chủng virus rất nguy hiểm cho môi trường và sức khỏe con người. Nếu các chủng virus này bị phát tán vào môi trường, vào cộng đồng thì hậu quả rất nghiêm trọng. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định cấm phát tán các chủng vi sinh vật, virus biến đổi gen vào môi trường.

Ngoài ra, tại điều này, Ban soạn thảo cũng cần nghiên cứu, bổ sung quy định cấm nhập khẩu, sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, gây ô nhiễm môi trường. Theo đại biểu, nếu chúng ta ngăn chặn ngay từ đầu việc các doanh nghiệp nhập khẩu, sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu thì các doanh nghiệp này không phải tốn nhiều chi phí để xử lý chất thải, giảm chi phí sản xuất, tăng cạnh tranh,cũng như các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường không phải tốn nhiều thời gian, tốn nhiều công sức và hiệu quả không cao trong việc kiểm tra, thanh tra và giám sát về môi trường.

Hai là, về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, phòng thí nghiệm tại Điều 71. Hiện nay, có nhiều phòng thí nghiệm sử dụng nhiều loại hóa chất độc hại, có nhiều phòng thí nghiệm sử dụng nguồn phóng xạ cũng như có nhiều phòng thí nghiệm tạo ra các chủng loại vi sinh vật, virus biến đổi gen. Do đó, việc bảo vệ môi trường đối với các phòng thí nghiệm cần hết sức nghiêm ngặt.

Theo đại biểu, ngoài các quy định tại điều này, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung thêm 2 khoản sau: Khoản 1, bổ sung quy định thu gom, xử lý khí thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường, vì hiện nay rất nhiều phòng thí nghiệm, trung tâm phân tích có sử dụng dung môi độc hại để tích lũy mẫu cũng như sử dụng hóa chất vô cơ để phá mẫu. Tuy nhiên, khí thải tại các phòng thí nghiệm này được hút và đẩy thẳng ra môi trường, không qua xử lý. Khoản 2, bổ sung quy định sau: Các cơ sở nghiên cứu, đào tạo, phòng thí nghiệm có sử dụng vi sinh vật, virus phải đảm bảo an toàn sinh học.

Ba là, về công cụ kinh tế cho bảo vệ môi trường tại Mục 1 Chương XI. Đại biểu thống nhất với các quy định sử dụng công nghệ thuế, phí bảo vệ môi trường nhằm thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng giảm thiểu chất thải, ứng phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, quy định về thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải là sản phẩm bao bì khó có khả năng tái chế tại khoản 1 Điều 148 là chưa đủ. Theo đại biểu, tại điều này cần quy định như sau: Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm bao bì khó có khả năng tái chế, chứa chất độc hại phải đóng góp đầy đủ chi phí thu gom, chi phí lưu giữ, chi phí vận chuyển cũng như chi phí xử lý chất thải./.

Hồ Hương