GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: KHẮC PHỤC BẤT CẬP TRONG QUẢN LÝ CHẤT THẢI

20/07/2020

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Bảo vệ Môi trường (sửa đổi). Mục tiêu sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường nhằm khắc phục những tồn tại bất cập trong quá trình thực thi luật hiện hành. Một trong những nội dung sửa đổi lần này được đa số đại biểu và cử tri quan tâm đó là vấn đề quản lý chất thải.

 

Quản lý và xử lý chất thải còn nhiều bất cập

Điểm tập kết rác tại xóm 5, xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ, thành phố Hà Nội luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với bà con sinh sống tại đây. Hình ảnh rác thải ứ đọng …bao quanh khu nghĩa địa….và nằm lộ thiên ngay trên đường …với nhiều loại rác thải khác nhau luôn trong tình trạng bốc mùi nồng nặc…diễn ra một cách thường xuyên. Cử tri Nguyễn Thị Vinh cho biết, tình trạng này đã diễn ra từ lâu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân nơi đây.

Cử tri Nguyễn Thị Vinh cư trú tại xã Tam Hiệp, huyện Phúc Thọ,Tp. Hà Nội

Cũng không khó để bắt gặp nhiều bãi rác thải tự phát được hình thành cạnh các con đường, dọc quốc lộ, dọc kênh, mương…ở hầu khắp các địa phương khác trong cả nước. Ông Bùi Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội cho biết, việc xử lý rác thải hiện nay vẫn chủ yếu bằng hình thức chôn lấp. Tình trạng ô nhiễm môi trường từ các bãi chôn lấp này là hiện hữu và đáng lo ngại.

Ông Bùi Văn Quân, Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì, Tp. Hà Nội

Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên toàn quốc khoảng 25,5 triệu tấn/năm, trong đó đô thị phát sinh 38.000 tấn/ngày, khu vực nông thôn 32.000 tấn/ngày. Nhưng trong quá trình thu gom và xử lý vẫn còn nhiều bất cập, nhất là việc phân loại chất thải rắn tại nguồn còn nhiều trở ngại, đã và đang gia tăng ô nhiễm môi trường đất, nước và không khí tại nhiều địa phương.

Mặc dù Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định số 38/2015 ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu, Nghị định số 40/2019 ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường, đã quy định rất rõ trách nhiệm của chủ phát thải chất thải rắn sinh hoạt phải thực hiện việc phân loại tại nguồn. Nhưng thực tế hiện nay phần lớn chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn, việc phân loại tại nguồn phát sinh mới chỉ được thực hiện tại một số địa phương, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vẫn thực hiện mang tính khuyến khích, chưa có tính cưỡng chế cao.

Cần làm tốt khâu phân loại rác từ nguồn

Mặt  khác, hiện nay các địa phương chưa có thiết bị, phương tiện thu gom riêng đối với từng loại chất thải được phân loại. Do vậy, trong nhiều trường hợp chất thải được vận chuyển chung trong cùng thiết bị, phương tiện, dẫn đến việc phân loại tại nguồn chưa có hiệu quả. Bà Bùi Thị An, Nguyên Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, hiện nay công tác phân loại rác thải chưa được thực hiện tốt. Phải làm tốt khâu phân loại rác từ nguồn, mỗi người dân cần nâng cao ý thức, có như vậy công tác xử lý rác thải mới hiệu quả đồng thời tận dụng được rác là tài nguyên để tái chế.

Không được phân loại tại nguồn, tất cả các loại rác thải đều được tập kết về các khu xử lý rác hoặc chôn lấp. Tại các nhà máy đốt rác thải sinh hoạt ở Hà Nội cũng như nhiều đô thị trong cả nước, đơn vị làm công tác vệ sinh môi trường bắt buộc phải áp dụng biện pháp thủ công để tách lọc các thành phần lẫn trong rác thải sinh hoạt.

Do có nhiều thành phần độc hại lẫn trong rác, các đơn vị xử lý rác thải bắt buộc phải sử dụng lò đốt chất thải rắn công nghiệp nguy hại để đốt rác thải sinh hoạt. Điều này không chỉ tốn kém hơn so với xử lý rác đã phân loại tại nguồn khoảng 30% mà còn là sự lãng phí lớn và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường, sức khỏe người dân.

Sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về quản lý chất thải

Quản lý chất thải là một trong các nội dung bảo vệ môi trường quan trọng, đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2014, tuy nhiên, chưa đầy đủ, chưa thống nhất, nhất là đối với chất thải rắn sinh hoạt. Một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, tiến bộ khoa học kỹ thuật và yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn, coi chất thải là tài nguyên. Vì vậy, tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) do Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm khắc phục bất cập trong quản lý và xử lý chất thải hiện nay.

Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

Nội dung về quản lý chất thải được thể hiện tại Chương V của Dự thảo Luật. Dự thảo đã xem chất thải là tài nguyên, cụ thể: chất thải đã được phân định, phân loại sử dụng cho quá trình sản xuất khác là nguyên, nhiên, vật liệu cho ngành sản xuất khác, nhằm thúc đẩy tuần hoàn, tái chế, tái sử dụng chất thải; quy định trách nhiệm của các bộ trong hợp chuẩn hợp quy việc sử dụng chất thải làm nguyên liệu sản xuất. Quy định rõ chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình và cá nhân phát sinh chất thải rắn thông thường có trách nhiệm phân loại chất thải rắn thông thường tại nguồn để thuận lợi cho việc tái sử dụng, tái chế, thu hồi năng lượng và xử lý.

Đồng tình cao với quy định mới này, ông Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam, cho rằng rác thải không phải bỏ đi tất cả mà có thể tận dụng, rác thải của ngành nghề này có thể trở thành nguồn nguyên liệu đầu vào của lĩnh vực sản xuất khác. Vì vậy, cần coi rác thải là một loại tài nguyên và việc coi rác thải là tài nguyên đã được thế giới công nhận và việc tái sử dụng rác thải chính là thực hiện nền kinh tế tuần hoàn, tức là tất cả trong một vòng khép kín, không lãng phí nguồn nguyên liệu nào.

Ông Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường Việt Nam 

Đối với chất thải nguy hại, dự thảo chuyển chất thải phóng xạ sang phạm vi quản lý của Luật Năng lượng nguyên tử; lồng ghép việc khai báo, đăng ký chủ nguồn thải trong nội dung giấy phép môi trường; không cấp phép phương tiện vận chuyển; khuyến khích áp dụng BAT/BEP trong xử lý chất thải; hướng đến xử lý tập trung theo vùng, khu vực hoặc tỉnh; quy định rõ trường hợp tự xử lý, đồng xử lý; lồng ghép giấy phép xử lý chất thải nguy hại trong giấy phép môi trường.

Đối với chất thải rắn thông thường, quy định rõ việc phân loại chất thải rắn thông thường bao gồm chất thải rắn thông thường phát sinh từ hoạt động sinh hoạt hàng ngày của hộ gia đình, cá nhân được nhà nước hỗ trợ; quy định cụ thể về quản lý chất thải rắn thông thường phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ theo giá thị trường. Bên cạnh đó, đối với chất thải rắn sinh hoạt: thực hiện theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”.

Góp ý vào quy định này của dự thảo, bà Phạm Thị Ngọc Ánh, Trung tâm Nghiên cứu các vấn đề xã hội và môi trường, cho rằng tiến hành phân loại rác đặc biệt là chất thải rắn từ đầu nguồn có vai trò vô cùng quan trọng. Vì vậy, cần có quy định rõ ràng, cụ thể vấn đề này trong luật để nâng cao ý thức chấp hành của doanh nghiệp, và người dân.

Ngoài ra dự thảo còn bổ sung nhiều quy định mới về: kiểm toán chất thải; Đối với nước thải, quy định rõ trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, chủ đầu tư, dự án phát triển đô thị có trách nhiệm thu gom, xử lý nước thải đạt quy chuẩn; đối với sản phẩm thải bỏ, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức cá nhân sản xuất và nhập khẩu bao bì sản phẩm và sản phẩm thuộc đối tượng phải thu hồi sản phẩm thải bỏ; đưa danh mục sản phẩm thải bỏ đã được quy định và áp dụng ổn định trong Nghị định lên dự thảo Luật.

Như vậy, tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lần này đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về quản lý chất thải. Vậy, những nội dung sửa đổi liệu đã đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và cần bổ sung quy định theo hướng như thế nào để đảm bảo tính khả thi sau khi luật được ban hành. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội về vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng

Phóng viên: Có những bất cập gì trong phân loại chất thải rắn sinh hoạt hiện nay, thưa đại biểu?

- Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Hiện nay vấn nạn xử lý chất thải đặc biệt là chất thải rắn trong sinh hoạt, nông nghiệp, y tế là vấn đề rất nhức nhối và gần như các địa phương đều xảy ra tồn tại. Thực tế, nhiều địa bàn khu dân cư, người dân đã xuống đường để chặn những đoàn xe chở rác vào bãi tập kết rác vì hiện nay phần lớn chúng ta ứng dụng công nghệ chôn lấp mà công nghệ này đã và đang gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Nhiều bãi rác đã được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu ngưng hoạt động vĩnh viễn nhưng địa phương vẫn cố tình nhận rác để xử lý rác vì không còn nơi nào khác và mức độ ô nhiễm trong những năm qua do khối lượng rác của toàn quốc xử lý qua chôn lấp là rất lớn.

Vì vậy, có nhiều vấn đề đặt ra là vấn đề đối với công tác quản lý và xử lý chất thải như vấn đề phối hợp giữa các bộ, ngành; công nghệ xử lý rác thải; phân loại chất thải;....

Đại biểu Dương Minh Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu

- Đại biểu Dương Minh Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Thời gian qua, công tác quản lý chất thải đặc biệt là chất thải nguy hại đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số bất cập như: các cơ sở xử lý chất thải nguy hại đều ở mức độ vừa và nhỏ, phân tán mà chưa có một cơ sở xử lý tập trung cấp vùng, quy mô lớn... Bên cạnh đó, công tác phân loại rác còn hạn chế; công nghệ xử lý rác thải chưa đáp ứng yêu cầu;... Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những khó khăn trong công tác quản lý chất thải như: Công tác xã hội hóa đầu tư cho xử lý rác thải sinh hoạt còn hạn chế; thiếu nguồn vốn đầu tư cho công trình xử lý rác thải; mức thu phí vệ sinh môi trường còn thấp nên chưa khuyến khích được doanh nghiệp tham gia đầu tư...

- Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Vấn đề rác thải hiện nay rất nguy hại, nếu không xử lý kịp thời, hợp lý sẽ để lại hậu quả khôn lường. Việc thu gom, xử lý chất thải vẫn mang tính manh mún, tự phát. Đặc biệt, người dân cũng như các cơ sở sản xuất chưa có ý thức cao trong việc thực hiện phân loại rác. Điều này, khiến khâu xử lý chất thải gặp nhiều khó khăn.

Phóng viên: Trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định về vấn đề quản lý chất thải. Vậy, đại biểu có đồng tình với quy định tại dự thảo? 

- Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng: Nội dung về quản lý chất thải đã được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường 2014. Tuy nhiên, quy định của luật hiện hành chưa đầy đủ, chưa thống nhất, đặc biệt là đối với chất thải rắn sinh hoạt. Có thể thấy, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, tiến bộ khoa học kỹ thuật và yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn, coi chất thải là tài nguyên.

Vì vậy, tại dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định nhằm khắc phục bất cập trong quản lý và xử lý chất thải hiện nay. Dự thảo luật lần này đã bổ sung nhiều quy định mới về quản lý chất thải như: xem chất thải là tài nguyên; chuyển chất thải phóng xạ sang phạm vi quản lý của Luật Năng lượng nguyên tử; lồng ghép việc khai báo, đăng ký chủ nguồn thải trong nội dung giấy phép môi trường …Cơ quan soạn thảo đã quan tâm, chú trọng sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung liên quan đến công tác quản lý chất thải từ công tác phân loại, đến thu gom và xử lý. Theo tôi cần đặc biệt chú trọng quy định rõ trách nhiệm các Bộ, ngành, người đứng đầu để đảm bảo hiệu quả thực thi.

- Đại biểu Dương Minh Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu: Tại chương V của Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đã bổ sung nhiều quy định theo hướng tiến bộ, chặt chẽ hơn so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần xem xét, nghiên cứu kỹ về lộ trình phân loại chất thải ở đô thị, ở khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, cân nhắc bảo đảm phù hợp điều kiện thực tiễn quy định cơ sở xử lý chất thải nguy hại liên tỉnh, liên vùng. Đối với cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phải được quy hoạch, xây dựng cho phạm vi liên xã trở lên. Bên cạnh đó, cần lưu ý về  cơ chế cho người dân được tham gia vào công tác giám sát thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội

- Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội: Dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung các quy định về phân nhóm các loại chất thải rắn gồm: chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân; chất thải rắn công nghiệp thông thường, phân định các loại chất thải rắn phát sinh; bổ sung quy định cụ thể về giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, công nghệ xử lý chất thải… nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ, nâng cao hiệu quả quản lý chất thải. Đồng thời, tăng cường áp dụng các công cụ kinh tế trên nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn. Điều này, thể hiện thái độ cương quyết của nhà làm chính sách trong công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo tôi để đảm bảo luật sau khi ban hành được thực thi hiệu quả cần phân định  rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp của Bộ, ngành và địa phương.

Ngoài ra, Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát những nội dung quy định tại Chương V về quản lý chất thải để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Quản lý thuế và các luật khác, như: Luật Giá, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Kiểm toán Nhà nước.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn các đại biểu!

Từ thực tiễn thi hành Luật và để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, quan điểm mới của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường, xây dựng hệ thống chính sách bảo vệ môi trường đồng bộ, thống nhất, sát với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính,cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, phù hợp với thông lệ quốc tế, việc sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường là vô cùng cần thiết. Riêng nội dung về quản lý chất thải đã được Ban soạn thảo đề nghị sửa đổi, bổ sung nhiều quy định quan trọng nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc hiện nay. Tuy nhiên, theo ý kiến các vị đại biểu Quốc hội thì các quy định này cần phải tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện nhằm đảm bảo tính khả thi sau khi luật được ban hành./.

Lê Anh