GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CẦN TĂNG CƯỜNG PHỔ BIẾN CHO DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG THỰC HIỆN NGHIÊM TÚC CÁC ĐIỀU LUẬT CỦA CÔNG ƯỚC 105

21/07/2020

Để thực hiện tốt Công ước 105 hiệu quả, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương- Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng: Các cơ quan chức năng cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền sâu rộng cho người dân, doanh nghiệp nắm rõ, tuân thủ, thực hiện nghiêm túc các điều luật của Công ước đặt ra.

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIVchính biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức (Công ước 105).

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết: Việc gia nhập Công ước số 105 sẽ góp phần khẳng định việc thực hiện đường lối đối ngoại, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước, trong đó có Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Việt Nam gia nhập Công ước số 105 sẽ thúc đẩy việc thực hiện tốt hơn trên thực tế quy định nhất quán của Nhà nước ta là xóa bỏ lao động cưỡng bức, đảm bảo quyền con người, quyền công dân.

Việc gia nhập Công ước số 105 là để Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên của Tổ chức Lao động Quốc tế. Theo Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế, các quốc gia thành viên dù đã gia nhập hay chưa gia nhập 08 công ước cơ bản của Tổ chức Lao động Quốc tế, trong đó có Công ước số 105 thì vẫn có nghĩa vụ thực hiện những tiêu chuẩn lao động quốc tế được quy định trong các công ước này.

Gia nhập Công ước số 105 cũng là để thực thi cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại, nhất là Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EVFTA) đã được Chủ tịch nước trình Quốc hội và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); gửi đi thông điệp mạnh mẽ về đối ngoại cho cộng đồng quốc tế và các đối tác thương mại, khẳng định Việt Nam là một thành viên nghiêm túc, có trách nhiệm với các cam kết quốc tế của mình.

Giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nêu rõ: Các ý kiến đại biểu Quốc hội đều nhất trí về sự cần thiết gia nhập Công ước số 105 và cho rằng việc gia nhập Công ước phù hợp với đường lối đổi mới, hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước. Việc gia nhập Công ước số 105 vào thời điểm này là thận trọng, phù hợp với quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, vì lợi ích quốc gia, thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước trong việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân, không chấp nhận cưỡng bức bóc lột lao động. Đồng thời, các ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, các nội dung của Công ước số 105 không trái với các quy định của Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn chi tiết về hành vi lao động cưỡng bức do đây là cơ sở pháp lý quan trọng, góp phần triển khai thực hiện Công ước số 105 có hiệu quả.

Để hiểu hơn về những lợi ích có được cũng như thách thức mà Việt Nam sẽ đối diện khi thông qua Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội phỏng vấn đại biểu Nguyễn Ngọc Phương- Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình.

Phóng viên: Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIVchính biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động Quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Quan điểm của đại biểu khi quyết định nhấn nút thông qua Công ước này như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương- Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: Tình trạng xâm phạm lao động, lao động bị cưỡng bức xảy ra ở nước ta trong thời gian qua đã ảnh  hưởng trực tiếp đến người lao động và các doanh nghiệp cũng như ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam không những ở trong nước mà còn trên thế giới. Vì thế, Công ước 105 ra đời sẽ góp phần tạo hành lang pháp lý để cho tất cả doanh nghiệp và người lao động luôn tuân thủ theo một quy định nhất quán nhằm khắc phục, xóa bỏ những ảnh hưởng trên.

Công ước 105 cũng sẽ tạo niềm tin cho các nước trong việc quản lý lao động ngày càng chặt chẽ hơn, giúp người lao động tuân thủ các quy định lao động một cách nghiêm túc hơn khi có công dân đến Việt Nam làm việc. Ngoài ra, Công ước cũng giúp lao động Việt Nam tin tưởng khi làm việc ở các nước, đảm bảo không bị cưỡng bức. Còn về phía các doanh nghiệp cũng phải thực hiện nghiêm các quy chế trong việc sử dụng lao động, không được vi phạm các quy định xâm phạm đến người lao động.

Phóng viên: Ngoài những thuận lợi kể trên, đại biểu có thể cho biết những thách thức khi Việt Nam tham gia Công ước 105?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương- Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: Đây là lần đầu tiên Việt Nam tham gia thực hiện Công ước 105 nên có thể gặp phải những khó khăn, thách thức phát sinh mà không dễ giải quyết ngay được. Bên cạnh đó, trình độ, năng lực, kỹ năng cập nhập kỹ thuật, phương pháp tham gia Công ước 105 của Việt Nam chưa thể bằng những nước khác đã có kinh nghiệm nên trong quá trình thực hiện có thể do vô tình hay chưa hiểu rõ các điều luật nên vi phạm một số điều trong Công ước 105.


Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương- Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình.

Phóng viên: Để hỗ trợ các doanh nghiệp, đơn vị quản lý lao động và các lao động có thể giải quyết được những khó khăn phát sinh, thực hiện nghiêm túc Công ước 105 thì cơ quan chức năng cần phải thực hiện những giải pháp nào, thưa đại biểu?

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương- Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình: Khi Công ước 105 được ban hành đã tạo hành lang pháp lý, tạo sự liên kết giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, người lao động với doanh nghiệp.

Để thực hiện tốt Công ước trên, nhiều yếu tố liên quan cần tổ chức thực hiện. Thứ nhất là các cơ quan chức năng cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền sâu rộng cho người dân, doanh nghiệp nắm rõ, tuân thủ thực hiện các điều luật của Công ước 105. Thứ hai là phải tăng cường kiểm tra, giám sát những trường hợp vi phạm Công ước 105 để có biện pháp xử lý nghiêm khắc. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu để các tổ chức, doanh nghiệp, người lao động thực hiện nghiêm và không vi phạm những điều luật đặt ra trong Công ước 105.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Việc gia nhập Công ước số 105 khẳng định Việt Nam là một thành viên nghiêm túc, có trách nhiệm với các cam kết quốc tế; đồng thời cũng yêu cầu các doanh nghiệp tuân thủ các điều luật về về bỏ lao động cưỡng bức và giúp lao động biết cách bảo vệ bản thân khi bị xâm phạm. Đây là cũng là xu thế tất yếu khi lao động của nước ta giao lưu, hội nhập, làm việc ở các nước trên thế giới và ngược lại. Để thực hiện Công ước 105 hiệu quả, các cơ quan chức năng, ban ngành cần có những giải pháp hữu hiệu để lao động và doanh nghiệp thực hiện nghiêm, tránh vi phạm các điều luật. Ngoài ra, cần có sự tăng cường giám sát và xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức vi phạm Công ước 105./.

Bích Lan