Đại biểu Đinh Duy Vượt phát biểu
Đại biểu đánh giá cao các quy định mới tại Điều 58, 60, 62, 63, 64, 66 về bảo vệ môi trường làng nghề, bảo vệ môi trường nông thôn, bảo vệ môi trường đối với hộ gia đình, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường nuôi trồng thủy sản, bảo vệ hoạt động môi trường trong xây dựng. Tuy nhiên, để đảm bảo luật khả thi, đi vào cuộc sống, cơ quan soạn thảo cần rà soát, điều chỉnh phù hợp với thực trạng kinh tế, dân trí, nếu không sẽ cản trở sản xuất, tạo cớ vòi vĩnh, tiêu cực, hành là chính mà vẫn không giải quyết được gì nhiều về môi trường hoặc các khoản có nội hàm trùng lặp có thể tích hợp lại, hoặc xung đột, chồng chéo với các luật khác.
Cụ thể, tại Điều 60 bảo vệ môi trường nông thôn, khoản 1 điểm b, điểm d là khó khả thi trong giai đoạn hiện nay, bởi quy định toàn bộ chất thải phát sinh tại nông thôn được thống kê, quản lý, xử lý đảm bảo quy định về môi trường làng nghề, phải thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường, mà quy chuẩn tiêu chuẩn hiện nay là rất cao, tiệm cận với các nước tiên tiến của thế giới. Có điểm trùng nhau nội hàm nên tích hợp lại, như khoản 4 điểm d, khoản 5 điểm c đều có quy định về tuyên truyền, phổ biến vận động, đặc biệt quan tâm rà soát, loại bỏ chồng chéo, xung đột với các luật.
Theo đó, Luật sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường tích hợp 6 giấy phép, trong đó có 5 giấy phép ngành tài nguyên, môi trường đã và đang cấp và gộp thêm một giấy phép do ngành nông nghiệp phát triển nông thôn cấp.
Đại biểu cũng đồng ý với phân tích của một số đại biểu cho rằng việc tích hợp trên đây sẽ gây xung đột trách nhiệm, quyền anh, quyền tôi, lợi bất cập hại, sẽ gây hậu quả thiệt hại sản xuất, môi trường. Bởi lẽ, Điều 58 sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 73 Luật Tài nguyên nước đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến các đại biểu quy định trường hợp xả thải vào các công trình thủy lợi theo Luật Thủy lợi.
Mặt khác, Luật Thủy lợi mới có hiệu lực từ ngày 1/7/2018 quy định giao cho ngành nông nghiệp phát triển nông thôn chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về thủy lợi, chịu trách nhiệm về chất lượng nước phục vụ tưới tiêu, đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, giám sát, kiểm tra, cấp phép hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi quy định tại Điều 44. Việc tích hợp trên sẽ phải sửa 2 luật liên quan là Luật Thủy lợi và Luật Tài nguyên nước. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định Luật Thủy lợi và Luật Tài nguyên nước.
Về Điều 66 bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng. đại biểu thống nhất với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường bỏ điểm b khoản 9 quy định xác định lộ trình sử dụng amiăng trắng trong sản xuất tấm lợp. Quy định này sẽ cản trở sản xuất, có thể hại người lao động, hại doanh nghiệp, không bị hại bởi tấm lợp có amiăng. Bởi lẽ, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường là cơ quan được pháp luật quy định có trách nhiệm gác cổng về mặt khoa học và pháp lý, thẩm tra, hội thảo nhiều lần với các nhà khoa học chuyên ngành, đi khảo sát thực tiễn nhiều vùng trong và ngoài nước, nhiều gia đình sử dụng 30, 40 năm nay không sao, người trực tiếp sản xuất đều chưa thấy không ảnh hưởng đến sức khỏe.
Đại biểu chỉ rõ, một số nước giàu, khoa học phát triển như Nga, Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan, họ vẫn đang sử dụng và đương nhiên họ cũng lo sức khỏe cho công dân nước họ không thua kém một nước nào. Trong khi đó, những vấn đề hàng ngày, hàng giờ đã và đang gây hại cho sức khỏe con người, cho môi trường, cho mỹ quan đô thị đã rõ mười mươi như ô nhiễm nước trên các dòng sông, trong đó có sông Tô Lịch, ô nhiễm không khí do các loại phương tiện gây ra, đồ nhựa sản xuất sử dụng tràn ngập, bụi, tiếng ồn từ các nhà máy mà người dân phải đóng cửa 24/24, các chất thải nguy hiểm dễ dàng mua được ở các chợ mà truyền thông cũng như nhiều đại biểu đã ý kiến và Tổ chức Y tế cũng khuyến cáo thì chưa thấy đề xuất cấm. Chính vì vậy, việc chăm chăm chỉ đề xuất lộ trình cấm tấm lợp amiăng tại điểm b khoản 9 có dấu hiệu gì đó không khách quan, tường minh là tín hiệu tạo cơ hội cho tấm lợp khác tăng giá hoặc cho tấm lợp nước ngoài tràn vào Việt Nam. Chính vì vậy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị quy định bỏ điểm b khoản 9 Điều 66 là có căn cứ khoa học và thực tiễn.
Theo đại biểu, tại Điều 66 khoản 4 có quy định cần phải xem xét lại, đó là các quy định dự án có quy mô nhỏ phải có công trình, hạng mục công trình, thiết bị xử lý chất thải, công trình phòng ngừa và ứng phó với sự cố môi trường đạt quy chuẩn kỹ thuật và chất thải xây dựng, phá dỡ công trình của gia đình, cá nhân tại đô thị phải được giao cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý theo quy định. Nước thải gom phải xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường./.