ĐBQH VŨ TIẾN LỘC: CẦN CÓ PHƯƠNG ÁN HỖ TRỢ CÁC NGÀNH KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM GẶP KHÓ KHĂN

27/07/2020

Thảo luận hội trường về dự thảo Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình đề nghị ngoài hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ còn cần phải có phương án hỗ trợ cho các ngành kinh tế trọng điểm, có tiềm năng đang gặp khó khăn.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc – Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Vũ Tiến Lộc bày tỏ cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ, đồng thời cho rằng, trong điều kiện ngân sách không thể hỗ trợ được toàn bộ khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhưng ít nhất cũng hỗ trợ cho toàn bộ khu vực doanh nghiệp nhỏ.

Đại biểu Vũ Tiến Lộc nêu rõ, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã xác định doanh nghiệp nhỏ là gì, nếu không mở rộng ra được các doanh nghiệp vừa thì hãy hỗ trợ được đúng đối tượng theo quy định của luật là doanh nghiệp nhỏ. Khi quy định doanh nghiệp nhỏ thì cũng không phải kết hợp 2 tiêu chí về lao động và doanh thu, mà có một tiêu chí. Một trong hai tiêu chí đó đáp ứng, hội đủ các điều kiện để hỗ trợ.

Trong điều kiện kinh tế khó khăn thường bao giờ các nước cũng phải thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng cần phải hiểu hỗ trợ doanh nghiệp không phải hỗ trợ doanh nghiệp hay các doanh nhân mà ở đây là hỗ trợ nền kinh tế, là vấn đề an sinh, là vấn đề xã hội, vấn đề công ăn việc làm. Cho nên hỗ trợ doanh nghiệp về bản chất và mục tiêu cuối cùng là hướng tới hỗ trợ cho công ăn việc làm, cho sinh kế của người dân.

Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa là khu vực tạo ra nhiều việc làm nhất trong đất nước này, cho nên hỗ trợ đây là hỗ trợ cho người lao động chứ không phải chỉ hỗ trợ các doanh nhân. Với quan niệm như vậy thì đây cũng là một giải pháp hỗ trợ cho an sinh chứ không chỉ là hỗ trợ về mặt kinh tế, nếu mà xác định như vậy sẽ quan tâm hơn và sẽ dành nhiều nguồn lực hơn.

Đại biểu cho biết thêm, khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ rất nhạy cảm, rất dễ bị đóng cửa nhưng khôi phục cũng rất nhanh và mở rộng quy mô cũng rất là nhanh. Cho nên kích vào đây là muốn phục hồi kinh tế thì kích vào khu vực này là hiệu quả nhất, bởi vì họ mở rộng rất là nhanh, họ khôi phục rất là nhanh. Nếu xét về quan điểm hiệu quả thì kích vào khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng rất có hiệu quả.

Nghị quyết này tập trung vào hỗ trợ đối tượng doanh nghiệp vừa và nhỏ tức là hỗ trợ theo quy mô nhưng còn một việc hỗ trợ nữa cũng rất quan trọng không kém gì việc hỗ trợ cho quy mô là hỗ trợ theo lĩnh vực, mà vấn đề này theo nghị quyết của Đảng, kết luận của Bộ Chính trị cũng đã nêu là hỗ trợ cho một số ngành và lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của COVID là lĩnh vực có tiềm năng phát triển nhất. Những doanh nghiệp trong lĩnh vực này thì bất kể doanh nghiệp lớn hay vừa và nhỏ đều cần phải được hỗ trợ, tức là lĩnh vực này đã rất có tiềm năng nhưng mà họ chỉ gặp khó khăn tạm thời thôi và nếu giúp họ vượt qua khó khăn tạm thời này thì họ sẽ phát triển. Đại biểu nhấn mạnh, ở đây không chỉ có doanh nghiệp vừa và nhỏ mà còn có của các doanh nghiệp lớn trong nền kinh tế, các dự án trọng điểm, những lĩnh vực cốt lõi của nền kinh tế.

Đại biểu phân tích, khi thúc đẩy phát triển lĩnh vực này thì nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong tương lai và nó sẽ giúp bảo vệ cả chủ quyền của nền kinh tế Việt Nam. Bởi rất nhiều các doanh nghiệp lớn, các lĩnh vực kinh tế trọng điểm, các dự án lớn đang đứng trước nguy cơ rất khó khăn và có thể họ đang đứng trước nguy cơ rình rập của tình trạng mua bán, sáp nhập doanh nghiệp. Mua, bán, sáp nhập doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay không chỉ có việc chính danh mà còn có việc là tiền của nước ngoài qua người Việt Nam, thậm chí qua doanh nghiệp Việt Nam để thâu tóm các doanh nghiệp tiềm năng, các dự án tiềm năng, các lĩnh vực kinh tế cốt lõi thường nằm trong tay các doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp lớn của khu vực tư nhân.

Lưu ý điều này cũng là điều liên quan đến an ninh kinh tế, vấn đề phát triển bền vững của đất nước, đại biểu Vũ Tiến Lộc đặt vấn đề nếu không cứu các doanh nghiệp này, không hỗ trợ cho họ thì trong tương lai nền kinh tế của chúng ta, khu vực doanh nghiệp tư nhân còn nắm được những lĩnh vực kinh tế trọng yếu hay không hay là sẽ nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Đại biểu cho rằng, cần phải ngay lập tức cùng với việc ban hành Nghị quyết này về hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ thì cần phải có ngay một phương án phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính với Ngân hàng Nhà nước để xây dựng một phương án hỗ trợ cho các ngành kinh tế trọng điểm, có tiềm năng và đang gặp khó khăn như du lịch, hàng không. Theo đại biểu ở đây ngoài tính xem những thuế gì có thể giảm được thì quan trọng nhất là giãn, hoãn các khoản phải nộp và đặc biệt là tích hợp giữa thuế với ngân hàng, có thể đưa ra những gói hỗ trợ tín dụng trung và dài hạn cho phát triển các lĩnh vực này.

Đại biểu nhấn mạnh, song hành với Nghị quyết về giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp năm 2020 đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác của Quốc hội thì Chính phủ cần triển khai hỗ trợ cho những ngành kinh tế trọng điểm đang gặp khó khăn và có tiềm năng khi đó sẽ giúp cho cộng đồng doanh nghiệp, cho nền kinh tế phát triển.

Đại biểu chia sẻ thêm rằng bất cứ một sự chi tiêu nào của ngân sách cũng không thể chỉ nghĩ là rút tiền từ túi nhà nước ra để cấp cho doanh nghiệp. Vấn đề là nuôi dưỡng nguồn thu, tạo nên sự phát triển của doanh nghiệp và từ đó sẽ tạo ra nguồn thu cho nhà nước. Không phải chi cho doanh nghiệp là nhà nước mất đi mà chi cho doanh nghiệp là nuôi dưỡng nguồn thu, tạo nguồn thu lớn hơn trong tương lai. Với cách tiếp cận như vậy thì có thể làm được nhiều việc hơn. Nước ta đã qua một thời gian khống chế rất thành công nợ công và đây là thời gian có dư địa để thực hiện chính sách tài khóa ngược để có thể tăng nợ công để phục hồi nền kinh tế./.

Bảo Yến