ĐBQH LEO THỊ LỊCH: CÓ LỘ TRÌNH THỰC HIỆN QUY ĐỊNH ĐỊNH MỚI ĐỂ BẢO ĐẢM TÍNH KHẢ THI CỦA LUẬT CƯ TRÚ (SỬA ĐỔI)

27/07/2020

Thảo luận hội trường về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Leo Thị Lịch – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang bày tỏ băn khoăn với tính khả thi của việc bỏ sổ hộ khẩu giấy để chuyển sang quản lý cư trú bằng số định danh cá nhân. Do đó đại biểu đề nghị Chính phủ cần xem xét thêm lộ trình thực hiện những quy định này để đảm bảo tính khả thi của luật.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Leo Thị Lịch – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi Luật Cư trú nêu trong Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và cho biết, những năm qua dịch chuyển dân cư do tác động của quá trình đô thị hóa cũng như quy luật cung cầu về lao động cho các khu công nghiệp, dịch vụ tập trung và chính sách mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta là một thực tế đã và đang diễn ra ngày càng lớn. Theo đó, vấn đề đảm bảo quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 gắn với chiến lược bố trí sử dụng dân cư quốc gia sao cho phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước là sự cần thiết.

Đại biểu Leo Thị Lịch – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang 

Đại biểu cho rằng, với một trong những nội dung lớn của dự án Luật Cư trú (sửa đổi) là việc bỏ sổ hộ khẩu giấy để chuyển sang quản lý cư trú bằng khoa học, công nghệ nhằm giảm phiền hà và chi phí cho người dân là một đề xuất thay đổi có tính đột phá của Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý cư trú đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội.

Tuy nhiên, đại biểu Leo Thị Lịch bày tỏ còn có một số băn khoăn về tính khả thi của quy định này bởi nhiều lý do như trong báo cáo thẩm tra đã đề cập; đồng thời làm rõ hơn một số vấn đề có thể ảnh hưởng đến tính khả thi của việc bỏ sổ hộ khẩu. Đại biểu nêu rõ, trên thực tế, hộ khẩu là điều kiện không thể thiếu đối với nhiều nhu cầu của người dân khi giao dịch với cơ quan, tổ chức trong các lĩnh vực chính trị, hành chính, dân sự và nhiều lĩnh vực khác. Theo Báo cáo bổ sung của Chính phủ số 3137 đến tháng 6/2021 cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mới hoàn thành và vận hành bình thường. Trong khi đó, cấp số định danh cá nhân dự kiến kết thúc vào tháng 12/2020. Việc cấp căn cước công dân vẫn song hành với cấp chứng minh thư nhân dân 9 số ở 47 tỉnh, thành. Như vậy, không chỉ có sự vênh nhau về thời gian mà còn chưa đồng bộ về các cơ sở dữ liệu. Điều này cho thấy trong nửa năm đó quy định tại Điều 10 của Luật Căn cước công dân khi công dân đã sử dụng thẻ căn cước công dân của mình, cơ quan tổ chức không được yêu cầu công dân xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã có trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư ở khoản 3 Điều 10 khó có thể thực thi suôn sẻ được vì khi đó cơ quan tổ chức chưa có cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để đối chiếu nhằm xác định thông tin trên căn cước công dân, chứng minh nhân dân.

Mặt khác trong quá trình xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, việc phải xử lý một khối lượng thông tin rất lớn cũng khó đảm bảo sự chính xác tuyệt đối thông tin của từng cá nhân sẽ dẫn đến phát sinh khó khăn cho người dân khi thực hiện các giao dịch với cơ quan tổ chức. Việc khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của cơ quan, tổ chức cũng có thể gặp khó khăn nếu xảy ra sự cố về hệ thống máy tính, đường truyền.

Về cơ chế quy định tại điểm c khoản 2 Điều 10 của Luật Căn cước công dân, sự thiếu đồng bộ giữa việc bỏ sổ hộ khẩu giấy với bãi bỏ những quy định liên quan đến hộ khẩu xét thấy cần thiết ở các văn bản quy phạm pháp luật khác cũng cần phải tính đến không để không gây ra xung đột pháp luật ở 27 thủ tục hành chính có liên quan đến sổ hộ khẩu. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần xem xét thêm lộ trình thực hiện những quy định này để đảm bảo tính khả thi của luật.

Ngoài ra, góp ý đối với điểm b, điểm c, khoản 1 Điều 21 dự thảo Luật, đại biểu bày tỏ nhất trí cần quy định việc công dân phải khai báo tạm vắng giúp cho cơ quan quản lý về cư trú nắm được tình hình di biến động về dân cư. Tuy nhiên, số quy định trong dự thảo còn theo tư duy cũ, chưa phù hợp với vận động của cuộc sống. Đại biểu cho biết dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đang được Quốc hội cho ý kiến đã mở rộng đối tượng điều chỉnh đến trường hợp lao động Việt Nam thỏa thuận được hợp đồng làm việc ở nước ngoài trong thời gian đi du lịch nếu buộc phải về nước thực hiện khai báo tạm vắng sẽ gây khó khăn cho người dân. Do đó, đại biểu đề nghị quy định rõ hơn về một số hình thức khai báo tạm vắng như trực tiếp đến Công an xã hay là khai báo qua điện thoại, thư điện tử để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân./.

Bảo Yến