ĐBQH HOÀNG VĂN LIÊN THẢO LUẬN VỀ BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2019

28/07/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Hoàng Văn Liên - Long An đã nêu một số kiến nghị của cử tri vùng Đồng Tháp Mười tại phiên thảo luận của Quốc hội về Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Hoàng Văn Liên phản ánh, qua nhiều cuộc tiếp xúc cử tri vùng Đồng Tháp Mười, cử tri quan tâm và kiến nghị Quốc hội và Chính phủ về nhiều nội dung, trong đó tập trung vào 2 nội dung sau đây:

Nội dung thứ nhất, về hạ tầng giao thông cho vùng, cử tri quan tâm 3 tuyến quốc lộ rất quan trọng trong vùng như sau:

Một, về Quốc lộ 62 kết nối giữa trung tâm hành chính tỉnh Long An với 6 huyện vùng đất đồng Tháp Mười và các tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp, đồng thời kết nối với tuyến giao thông đường bộ với Vương quốc Campuchia thông qua cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp. Đại biểu chỉ rõ, đây là quốc lộ cực kỳ quan trọng, tuyến giao thông huyết mạch của nhân dân trong vùng và có ý nghĩa rất lớn về an ninh, quốc phòng. Tuy nhiên, tuyến đường này đã hình thành từ lâu (thập niên 80 của thế kỷ trước). Chiều rộng mặt đường rải nhựa hẹp 6m đã xuống cấp trầm trọng, hiện nay mật độ tham gia giao thông rất đông, thường xuyên kẹt xe và xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, ảnh hưởng rất lớn đến lưu thông hàng hóa trong cả vùng. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ và bộ, ngành sớm quan tâm đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 62 nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế của cả vùng đồng Tháp Mười và kết nối giao thông đường bộ giữa Việt Nam và Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, đáp ứng nguyện vọng của cả triệu người dân trong vùng Đồng Tháp Mười.

Đại biểu Hoàng Văn Liên - Đoàn ĐBQH tỉnh Long An

Thứ hai, về Quốc lộ N2 dài 81km: Quốc lộ N2 kết nối giữa các vùng đồng bằng sông Cửu Long với các tỉnh Đông Nam Bộ và Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là quốc lộ kết nối liên vùng. Hiện nay tuyến đường từ cầu Vàm Cống (An Giang), cầu Cao Lãn (Đồng Tháp) đã được đầu tư 4 làn xe, giao thông rất thuận lợi nhưng từ đường Mỹ An- Đồng Tháp đến Đức Hòa - Long An, trong đó có một phần đi qua một số huyện Đồng Tháp Mười thì chỉ có 2 làn xe, đường thì rất hẹp, chật chội, xuống cấp nghiêm trọng, trong khi đó lưu lượng tham gia giao thông rất đông, nguy cơ cao mất an toàn giao thông và thường xuyên có tình trạng kẹt xe. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ N2 đoạn Đức Hòa - Mỹ An lên 4 làn xe và mở rộng tuyến Cao Lãnh - Mỹ An kết nối với hệ thống cầu đường Cao Lãnh - Vàm Cống, qua đó sẽ rút ngắn được cự ly giữa các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long với Thành phố Hồ Chí Minh và vùng miền Đông Nam Bộ, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương có tuyến đường đi qua.

Thứ ba, dự án đường Hồ Chí Minh. Tuyến đường này đi qua các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Long An. Dự án này được triển khai xây dựng từ năm 2007 nhưng thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải đã tạm dừng triển khai và dừng chi trả bồi thường cho người dân. Hiện nay một số đoạn tuyến thuộc địa phận các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Long An đã được đầu tư phần nền nhưng đã xuống cấp và hư hỏng nhiều do dừng thi công gần 10 năm nay. Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện dự án đoạn Châu Thành - Tây Ninh đến Đức Hòa - Long An nhằm kết nối các tỉnh Tây Nguyên với vùng đồng bằng sông Cửu Long tránh gây lãng phí đoạn tuyến đã được đầu tư dở dang gần 10 năm trước.

Nội dung thứ hai, vướng mắc liên quan đến kêu gọi đầu tư và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

Tại Nghị quyết số 13NQ-TW khóa XI chỉ rõ thu hút mạnh các thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, bảo đảm lợi ích thỏa đáng của nhà đầu tư; mở rộng các hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm, có cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng.

Trong thời gian qua, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhiều địa phương đã kêu gọi một số doanh nghiệp tham gia đầu tư làm đường giao thông vào các khu đô thị, khu cụm công nghiệp, nơi doanh nghiệp cũng có dự án đầu tư cùng với ngân sách của địa phương, dự án hoàn thành thì đường giao thông này được sử dụng vào mục đích công cộng. Tuy nhiên theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Nghị định số 218 của Chính phủ năm 2013, khoản chi đóng góp của doanh nghiệp ủng hộ địa phương xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nói trên lại không thuộc các khoản chi phí được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp. Điều này gây khó khăn trong việc huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp để cùng địa phương đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kỹ thuật để phát triển kinh tế và góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng cho phép doanh nghiệp được hạch toán khoản chi nói trên của doanh nghiệp vào chi phí khấu trừ trước khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp để tháo gỡ điểm nghẽn trong việc huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp cùng với các địa phương đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.

Bích Lan