Tràn lan hàng giả, hàng nhái thương hiệu
Dạo quanh một vòng các chợ tại Hà Nội như chợ Hà Đông, Phùng Khoang, chợ Xanh, chợ Đồng Xuân, Cầu Giấy, Ngã Tư Sở….rất dễ dàng thấy những quầy mỹ phẩm với hàng trăm loại mang những thương hiệu nổi tiếng khác nhau với giá chỉ bằng 1/3, thậm chí 1/10 giá trị sản phẩm chính hãng. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm mỹ phẩm tại các chợ này là hàng giả, hàng nhái. Theo số liệu khảo sát của cơ quan sở hữu trí tuệ Việt Nam, đối với mặt hàng mỹ phẩm có tới hơn 50% sản phẩm đang bị làm giả, làm nhái các thương hiệu nổi tiếng.
,Lực lượng chức năng kiểm tra hàng hóa tại Sài Gòn Square
Sài Gòn Square dù là trung tâm mua sắm nổi tiếng tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng qua kiểm tra mới đây,lực lượng chức năng phát hiện phần lớn sản phẩm thời trang như: giày dép, túi xách, đồng hồ,... có dấu hiệu giả mạo các thương hiệu nổi tiếng như: Gucci, Dior, LV... Các lô hàng đều vi phạm không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ông Nguyễn Kỳ Minh: Nhiều người lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh bất hợp pháp
Bên cạnh phương thức kinh doanh truyền thống, sự phát triển của các loại hình kinh doanh thông qua Internet càng khiến cho công tác quản lý kiểm soát và phòng chống hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ càng thêm khó khan trong thời gian gần đây. Ông Nguyễn Kỳ Minh, phó chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, hiện nhiều người lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh bất hợp pháp, buôn bán hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại. Điển hình 7-7, Tổng cục Quản lý thị trường đã chủ trì bắt kho hàng rộng hơn 10.000m2 tại Lào Cai, thu giữ 160.000 sản phẩm không có hóa đơn, chứng từ, với hình thức chủ yếu bán hàng qua mạng, livestream trên Facebook, …
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương
Theo ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, những xâm phạm chủ yếu trên môi trường thương mại điện tử về hàng giả, hàng nhái thông thường dưới hình thức nhái tên, nhãn hiệu nổi tiếng. Nhiều đối tượng bán hàng giả qua mạng còn đưa ra thông tin, hình ảnh về cách phân biệt giữa hàng thật và hàng giả nhằm đánh lừa người tiêu dùng, tuy nhiên lúc giao hàng thì lại đưa hàng giả.
Tính riêng trong tháng 6, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý gần 100 vụ vi phạm trên môi trường thương mại điện tử. Các mặt hàng trang sức, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, rượu, quần áo, giày dép là những mặt hàng mà người tiêu dùng dễ bị mắc lừa nhất khi mua qua mạng.
Về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, 6 tháng qua, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 75.200 vụ vi phạm (giảm 12% so với cùng kỳ 2019), thu nộp ngân sách Nhà nước 11.300 tỷ đồng (tăng 83% so với cùng kỳ 2019), khởi tố hơn 1.100 vụ (giảm 14% so với cùng kỳ), 1.346 đối tượng (giảm 13% so với cùng kỳ 2019).
Các chuyên gia nhận định, bên cạnh tâm lý ham rẻ, sự dễ dãi của người tiêu dùng đã “thêm dầu” cho “ngọn lửa” hàng giả, hàng nhái bùng cháy thì sự đa dạng cả về mẫu mã, giá cả và sự phong phú về chủng loại khiến người tiêu dùng khó lòng nhận biết được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả.
Ông Trần Hữu Linh: Nhiều gian lận gắn nhãn mác hàng hóa
Ông Trần Hữu Linh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công thương cho rằng, khi Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới thì vấn đề gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không còn là cá biệt ở các địa phương. Đặc biệt lợi dụng chính sách thuế gần như về 0% trong các Hiệp định thương mại tự do, tình trạng hàng hoá sản xuất tại nước ngoài vận chuyển về Việt Nam gắn nhãn mác Việt Nam nhằm mục đích xuất sang nước thứ 3 ngày càng tinh vi và phức tạp.
Trong khi tình trạng gian lận thương mại, cạnh tranh không lành mạnh, kinh doanh hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng phổ biến và diễn biến phức tạp thì các chế tài xử lý vi phạm vẫn còn chưa đủ sức răn đe, chủ yếu thông qua biện pháp hành chính. Cụ thể, với các hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ, mức xử phạt cao nhất cũng không quá 250 triệu đồng đối với giá trị hàng hóa vi phạm trên 300 triệu đồng, không có quy định về xử lý hình sự… Đây là kẽ hở khiến tình trạng vi phạm ngày càng gia tăng. Ngoài ra, quy chế phối hợp của các lực lượng ở một số nơi nhằm ngăn chặn đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái hàng kém chất lượng còn mang tính hình thức, chưa chặt chẽ. Nhiều trường hợp cán bộ thực thi pháp luật có dấu hiệu bảo kê, dung túng, tiếp tay cho những hành vi bất chính.
Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời chất vấn
Trước thực trạng hàng giả, hàng nhái ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, đại biểu Phan Thị Bình Thuân, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương. Nội dung nêu rõ: “Hiện nay có nhiều loại hàng hoá nhất là mỹ phẩm, quần áo, thực phẩm chức năng, hàng gia dụng …không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, không nhãn tem được bày bán công khai và tràn lan trong các cửa hàng cũng như rao bán qua mạng khiến người tiêu dùng như rơi vào một mê hồn trận. Đề nghị Bộ trưởng cho biết việc quản lý, kiểm tra, kiểm soát cũng như xử lý tình trạng này như thế nào?”
Sau khi nhận được văn bản chất vấn, ngày 6/12/2019, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh có văn bản số 9357 trả lời chất vấn của đại biểu Phan Thị Bình Thuận.
Văn bản nêu rõ: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, lực lượng Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng đã tổ chức triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là tập trung nguồn lực triển khai các chuyên đề nổi cộm, gây bức xúc cho xã hội. Công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả được tăng cường đã góp phần kiềm chế sự gia tăng của buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Những nỗ lực cố gắng của lực lượng Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng đã mang lại hiệu ứng tích cực trên thị trường, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Mặc dù lực lượng Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng đã có rất nhiều cố gắng trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm, tuy nhiên kết quả đạt được vẫn chưa tương xứng với diễn biến phức tạp trên thị trường.
Dự báo thời gian tới tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm an toàn thực phẩm liên quan đến sức khỏe người dân.
Để quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, Bộ Công Thương cùng các Bộ ngành, địa phương tiếp tục duy trì thường xuyên việc kiểm tra, đôn đốc lực lượng chức năng thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra:
- Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
- Chủ động nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý.
- Xây dựng, triển khai đồng bộ các phương án, chuyên đề, kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đặc biệt là Bộ đội biên phòng, Hải quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng ngay từ tuyến biên giới đường biển và đường bộ; chú trọng kiểm tra, ngăn chặn, xử lý việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường nội địa, nhất là tại các địa bàn trọng điểm như thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...; Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
- Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bảo đảm tính khả thi và theo sát với tình hình thực tế; tạo thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ.
- Tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của công chức thực thi; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, bao che, tiếp tay cho buôn lậu. Đồng thời khen thưởng, động viên, nêu gương kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích.
-Đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông để nâng cao ý thức người dân về tác hại của hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đối với xã hội. Phát động toàn dân tham gia tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
-Tăng cường hợp tác với các Hiệp hội ngành nghề, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong công tác chia sẻ, cung cấp thông tin và hỗ trợ kiểm tra, xử lý vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ chính mình
Như vậy, trong công văn trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, tình trạng hàng giả, hàng nhái vẫn còn diễn biến phức tạp và ngày càng tinh vi. Chỉ trong 6 tháng, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý hơn 75.200 vụ vi phạm, khởi tố 1.346 đối tượng cho thấy, vì siêu lợi nhuận, nhiều đối tượng đã bất chấp luật pháp lựa chọn con đường gian thương. Tuy nhiên, hệ lụy tác động vào xã hội là không nhỏ, bên cạnh việc gây thiệt hại về kinh tế cho “khổ chủ”, hang giả hàng nhái còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người sử dụng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và sức cạnh tranh của các doanh nghiệp có mặt hàng chân chính và gây thất thu lớn cho ngân sách nhà nước. Phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Phan Thị Bình Thuận về nội dung này.
Đại biểu Phan Thị Bình Thuận: Người tiêu dùng sử dụng hàng giả, hàng nhái vô tình tiếp tay cho vấn nạn này
Phóng viên: Thưa đại biểu, xuất phát từ thực tiễn nào tại phiên chất vấn ngày 7/11/2019, (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV), đại biểu đã có văn bản chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công thương về vấn đề hàng hóa lưu thông trên thị trường nước ta?
Đại biểu Phan Thị Bình Thuận, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: Xuất phát từ thực tiễn các loại hàng hoá tiêu dùng như quần áo, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng v.v…được bày bán và rao bán công khai trên thị trường cũng như trên mạng xã hội không đảm bảo chất lương; Qua quá trình tiếp xúc cử tri, người dân cũng phản ánh về tình trạng này và cũng đã có không ít người là nạn nhân của tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng…Chính vì những lý do này tôi đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về giải pháp cho vấn đề này.
Phóng viên: Với vai trò là đại biểu dân cử, quan điểm của đại biểu về nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương xung quanh vấn đề đại biểu đã chất vấn?
Đại biểu Phan Thị Bình Thuận, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: Tôi đánh giá cao và đồng tình với nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. Trong văn bản trả lời chất vấn, Bộ trưởng đã thừa nhận trách nhiệm của mình là chưa bảo đảm hết những yêu cầu trong đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng. Dù Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, lực lượng Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng song tình trạng hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt Bộ trưởng đã khái quát nhấn định về tình hình này trong thời gian tới, nêu rõ khó khăn, thách thức và đưa ra những giải pháp cụ thể cho vấn đề này nhằm tiến tới đẩy lùi, ngăn chặn vấn nạn hàng hoá không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường nước ta.
Phóng viên: Dù công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái đã thu được những kết quả tích cực nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Theo đại biểu, nguyên nhân tồn tại và phát triển của tình trạng này là gì?
Đại biểu Phan Thị Bình Thuận, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: Theo tôi, do lợi nhuận thu về từ sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng quá lớn. Bên cạnh đó chế tài xử phạt vẫn còn chưa đủ sức răn đe nên nhiều tổ chức, cá nhân bất chấp mọi thủ đoạn để đưa những sản phẩm kém chất lượng đến được với người tiêu dùng. Đặc biệt, với sự phát triển mạnh mẽ của của internet, hàng giả hàng nhái hàng kém chất lượng có cơ hội đến với người tiêu dùng nhanh và rộng rãi hơn, trong khí đó việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý trên không gian mạng hiện còn nhiều khó khăn.
Đối với người tiêu dùng, bên cạnh việc không có nhiều thông tin về sản phẩm mà chỉ dựa vào những gì được in trên bao bì hoặc nhận thông tin từ người bán hàng nên dễ dàng mua phải hàng hoá không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó vẫn còn có người tiêu dùng dễ dãi trong việc mua các sản phẩm, thậm chí chấp nhận mua hàng kém chất lượng để sử dụng, vô hình chung đã tiếp tay cho vấn nạn hàng giả, hàng nhái có cơ hội phát triển mạnh mẽ.
Trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng đâu đó lực lượng chức năng vẫn còn chưa thực sự vào cuộc quyết liệt và cũng chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng chức năng.
Nước ta có nhiều đường biên giới tiếp giáp với các nước, không ít đối tượng đã lợi dụng đường mòn, lối mở buôn bán vận chuyển hàng hoá từ nước ngoài về nước ta. Nhất là khi nước ta tham gia vào các Hiệp định thương mại thế giới, nhiều mặt hàng có thuế suất bằng không, các đối tượng đã lợi dụng chính sách này vận chuyển hàng hoá từ nước ngoài về nước ta thay đổi nhãn mác rồi chung chuyển sang nước thứ 3 nhằm tránh thuế để trục lợi.
Phóng viên: Đại biểu có đề xuất kiến nghị gì để đẩy lùi tiến tới ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng?
Đại biểu Phan Thị Bình Thuận, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh: Trong văn bản trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã đưa ra rất nhiều giải pháp và tôi đánh giá cao với những giải pháp Bộ đã và đang triển khai thực hiện. Và những con số thống kê mà lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 75.200 vụ vi phạm, khởi tố gần 1.400 đối tượng vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong 6 tháng qua cho thấy ngành chức năng đã và đang vào cuộc quyết liệt trong công tác này.
Tuy nhiên, để tiến tới ngăn chặn vấn nạn này, tôi cũng mong muốn ngành chức năng sớm rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái bảo đảm đáp ứng yêu cầu thực tiễn, để các các đối tượng không thể lợi dụng và không dám lợi dụng sản xuất, kinh doanh, buôn bán vận chuyển, tàng trữ hàng hoá không đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó có chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn, tạo sức răn đe, nghiêm trị những đối tượng sản xuất, kinh doanh và buôn bán vận chuyển hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Cùng với đó tăng cường tuyên truyền để toàn xã hội nâng cao nhận thức tiêu dùng, có đạo đức trong sản xuất, kinh doanh hàng hoá. Trên hết, người tiêu dùng phải biết tự bảo vệ chính mình nâng cao nhận thức để tránh “chiêu trò” của các gian thương.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!
Cuối năm 2019, Tổng cục Quản lý thị trường phê duyệt Kế hoạch đấu tranh phòng ngừa, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các địa bàn, tụ điểm nổi cộm về hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đến hết năm 2020. Theo đó, mục tiêu đến hết tháng 12 năm 2020: 90% đến 100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm không còn kinh doanh hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. 90% đến 100% số cơ sở kinh doanh tại các địa bàn nổi cộm đã bị xử phạt vi phạm hành chính không tái phạm. Theo đại biểu Phan Thị Bình Thuận, để đạt được mục tiêu này, đòi hỏi không chỉ cơ quan quản lý Nhà nước thực sự vào cuộc mà chính các doanh nghiệp và người tiêu dùng phải cùng phối hợp kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn vấn nạn này. Trước hết, sự lựa chọn thông minh, cẩn trọng của người tiêu dùng không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe trước vấn nạn hàng giả, hàng nhái mà còn giúp nâng cao vị thế hàng Việt tại thị trường trong nước và quốc tế./.