ĐBQH BÙI THỊ QUỲNH THƠ: TĂNG CHI NGÂN SÁCH CHO GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO, KHOA HỌC - CÔNG NGHỆ

29/07/2020

Trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng ngày 13/6 về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh góp ý một số nội dung liên quan đến vấn đề chi ngân sách nhà nước cho hoạt động giáo dục đào tạo, dạy nghề và khoa học công nghệ.

Đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh.

Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nhận định, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 cho thấy một bức tranh rất đẹp với tỷ lệ GDP 7,08%, cao nhất 10 năm trở lại đây; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước năm 2018 là 2,8%, thấp hơn rất nhiều so với mức 3,7% dự toán đề ra và cũng thấp hơn mức 3,5% năm 2017; với mức chi đầu tư giảm trên 8.000 tỷ đồng, chi thường xuyên giảm trên 42.665 tỷ đồng, chi dự phòng ngân sách giảm trên 32.000 tỷ đồng. Đây là năm thứ 3 liên tiếp chi ngân sách thường xuyên giảm và tỷ lệ giảm ngày càng tăng, năm 2017 giảm 2,3% và năm 2018 giảm 4,4%. Điều này thể hiện sự điều hành quyết liệt của Chính phủ trong việc cắt giảm đầu tư công, tinh gọn bộ máy và tiết kiệm chi. Tuy nhiên theo đại biểu, việc giảm chi xét về mặt nào đó lại ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động của một số lĩnh vực quan trọng. 

Cụ thể đối với hoạt động giáo dục đào tạo, dạy nghề và khoa học công nghệ. Đại biểu chỉ rõ, giáo dục đào tạo được coi là quốc sách hàng đầu, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố tiên quyết cho một đất nước phát triển, cường thịnh và trong kỷ nguyên số như hiện nay khoa học công nghệ cũng là yếu tố cấp thiết hơn bao giờ hết. Sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ sẽ là nền tảng cho tất cả các hoạt động khác trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân. Sau đại dịch COVID vừa qua, việc áp dụng khoa học công nghệ trên tất cả các mặt trận đã chứng minh điều đó và việc ứng dụng công nghệ trong dạy học trực tuyến của ngành giáo dục đào tạo như là một điểm sáng cho sự thích nghi nhanh chóng của ngành giáo dục đào tạo với tiến bộ khoa học công nghệ.

Nghị quyết số 25 năm 2016 định hướng về mức chi ngân sách nhà nước là phấn đấu đảm bảo 20% tổng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo và 2% chi ngân sách nhà nước cho khoa học công nghệ và Nghị quyết số 266 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ ra 6 nguyên tắc lớn. Trong đó, nguyên tắc thứ nhất là ưu tiên bố trí kinh phí cho lĩnh vực xã hội gồm: giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, môi trường, y tế và một số lĩnh vực khác. Tuy nhiên, theo báo cáo của Chính phủ, tỷ trọng chi cho giáo dục đào tạo và dạy nghề trên tổng chi ngân sách năm 2018 là 14,2%, năm 2019 giảm xuống còn 14,03%, quyết toán chi giáo dục đào tạo dạy nghề chỉ đạt 96,2% dự toán, chi khoa học công nghệ trên tổng chi ngân sách nhà nước năm 2018 cũng chỉ là 0,76%, đạt 91% dự toán. Tình trạng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ hàng năm không đạt dự toán đã diễn ra nhiều năm. Đại biểu cho rằng cần thiết phải xác định nguyên nhân và có giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Việc phân bổ ngân sách nhà nước cho lĩnh vực giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ cần phải được xem xét lại một cách tổng thể và thấu đáo hơn, phù hợp với chiến lược phát triển các nhiệm vụ này trong từng thời kỳ.

Liên quan đến chi ngân sách nhà nước cho giáo dục, đào tạo, báo cáo Kiểm toán nhà nước và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã chỉ ra một số bất cập trong việc triển khai Quyết định số 46 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ ngày 19/10/2016 ở một số địa phương liên quan đến định mức phân bổ ngân sách. Thực tiễn cho thấy, các địa phương có dân số ít, số lượng học sinh đi học cao thì việc phân bổ kinh phí cho giáo dục, đào tạo tính theo dân số địa phương sẽ bị thiếu hụt. Các địa phương này phải tính bổ sung chi sự nghiệp giáo dục theo quỹ lương, đảm bảo tỷ lệ chi lương, các khoản có tính chất lương và các khoản khác theo tỷ lệ là 82,18%. Tuy nhiên theo đại biểu, khi thực hiện định mức chi theo tỷ lệ ở địa phương gặp một số khó khăn, vướng mắc như sau:

Do bị khống chế về định mức biên chế nên số lượng giáo viên trường thừa, trường thiếu. Trong khi các hoạt động chuyên môn, giảng dạy và học tập không đổi dẫn đến các trường có số biên chế giáo viên thiếu, kinh phí phục vụ cho hoạt động giảng dạy, học tập 18% sẽ là không đủ. Kết quả là các địa phương không những phải bù kinh phí hoạt động thường xuyên mà còn phải bù kinh phí giảng dạy cho các trường thiếu giáo viên. Cũng theo Quyết định 46 định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước áp dụng cho năm 2017 là năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020, các năm còn lại thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và các quy định áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách nhà nước 2017-2020. Quy định này dẫn đến các khoản chi thường xuyên cho hoạt động giảng dạy, học tập năm đầu 2017 có thể đạt được mức tuyệt đối tương đương với tỷ lệ 18%, nhưng càng về những năm sau thì tỷ lệ này sẽ giảm do mức lương cơ sở trong những năm qua diễn biến tăng hàng năm, trong khi các hoạt động chuyên môn ổn định không đổi làm cho tỷ lệ của các khoản chi cho giảng dạy, học tập bị giảm. Điều này không đúng với tinh thần của Quyết định số 46. Do vậy, đại biểu đề nghị năm nay cũng là năm kết thúc của giai đoạn ổn định ngân sách nhà nước 2017-2020, Bộ Tài chính cần tham mưu cho Chính phủ ban hành quyết định thay thế Quyết định số 46, trong đó đối với lĩnh vực giáo dục, đào tạo, dạy nghề, bên cạnh tiêu chí xác định mức dân số làm cơ sở để tính toán, cần bổ sung thêm các tiêu chí khác như số học sinh đi học ở từng địa phương và tỷ lệ chi cho công tác giảng dạy, học tập chuyên môn khác đề nghị tăng ở mức 18% lên 25% thì mới đảm bảo mức chi đúng và chi đủ.

Đối với dạy nghề, đại biểu chỉ rõ, trong những năm qua rất nhiều chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với hoạt động này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của nhà nước với đào tạo nghề. Thực tiễn thời gian ở nhiều địa phương cho thấy thay vì đăng ký học ở các trường đại học, nhiều học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học đã đăng ký học tại các trường nghề. Tuy nhiên, thực tiễn ở các địa phương cho thấy cơ cấu ngành đào tạo chưa thật phù hợp với thị trường lao động, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu, đội ngũ giáo viên dạy nghề còn thiếu kinh nghiệm và kỹ năng nghề. Bên cạnh đó, hạn chế lớn nhất của các cơ sở đào tạo nghề hiện nay là cơ sở vật chất, hệ thống máy móc, thiết bị quá cũ và lạc hậu không đảm bảo cho việc đào tạo học viên thành thục kỹ năng nghề cũng như tiếp cận ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. Vì vậy, để chính sách đào tạo nghề thực sự có hiệu quả và đi vào cuộc sống, đại biểu Bùi Thị Quỳnh Thơ nêu ra một số đề xuất như sau:

Thứ nhất, Bộ Lao động - Thương binh Xã hội cần có sự rà soát, ban hành văn bản tham mưu, bỏ những ngành đào tạo không cần thiết, đặc biệt là một số ngành trong danh mục đào tạo sơ cấp, tập trung vào chính sách đào tạo trung cấp và cao đẳng.

Thứ hai, Chính phủ cần có sự quan tâm hơn đến việc đầu tư kinh phí cho hoạt động này, trước hết là chi đúng, chi đủ, sau đó cần thiết phải đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị và có chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đào tạo nghề.