ĐBQH NGUYỄN THỊ XUÂN: THÁCH THỨC VỀ NGUỒN NƯỚC ĐANG TRỞ NÊN PHỨC TẠP VÀ KHÓ LƯỜNG

29/07/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, góp ý vào Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, đại biểu Nguyễn Thị Xuân - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Tài nguyên tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân -  Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Lắk

Cơ bản nhất trí với Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm của Chính phủ, Đại biểu Nguyễn Thị Xuân nhấn mạnh thêm 3 nội dung sau:

Thứ nhất, về công tác phòng, chống dịch. Đại biểu nhận định, báo cáo của Chính phủ đã phản ánh toàn diện, đầy đủ. Với những kết quả thành tích của Việt Nam, đại biểu đề nghị Đảng, Quốc hội, Chính phủ cần tuyên dương, khen thưởng phù hợp, kịp thời đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trên mặt trận chống dịch.

Thứ hai, đại biểu đánh giá cao việc Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã sử dụng linh hoạt, kịp thời, có hiệu quả các công cụ, chính sách kinh tế vĩ mô, như chính sách tài chính, chính sách tiền tệ, tín dụng, chính sách đầu tư, chính sách lao động việc làm, chính sách an sinh xã hội và chính sách thương mại quốc tế, v.v. đã duy trì được trạng thái kinh tế vĩ mô không bị biến động, phát triển kinh tế không bị suy giảm nhanh và trong tầm kiểm soát, đồng thời duy trì được an sinh xã hội. Tuy nhiên, với việc mất cân đối cung, cầu thịt lợn để đẩy giá lợn lên cao trong gần 1 năm qua cùng với đó là việc lúng túng, thiếu nhất quán trong việc đề xuất ngừng xuất khẩu gạo, Đại biểu cho rằng các bộ có chức năng giúp Chính phủ, giúp Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh tế như nông nghiệp, công thương phải chịu trách nhiệm về việc này.

Cũng liên quan đến lĩnh vực kinh tế và an sinh xã hội, đại biểu bày tỏ sự chia sẻ và nhất trí với đề xuất của Chính phủ tạm dừng tăng lương cơ bản đối với khối cán bộ công chức. Tuy vậy đại biểu cho rằng đây chỉ nên là giải pháp tình thế, không phải là giải pháp căn cơ. Về tâm lý, đa số người công chức hưởng lương từ ngân sách không hào hứng và chưa thật sự yên tâm về việc này. Trong khi lạm phát tăng chỉ số tiêu dùng tăng làm giảm sức mua của đồng lương, việc giữ nguyên lương thực chất đã làm giảm giá trị của đồng lương, giá trị đồng lương danh nghĩa bị thấp xuống. Đồng thời, đa số công chức viên chức làm công ăn lương sẽ khó khăn hơn, tính dưỡng liêm bị giảm sút. Đại biểu cho rằng giải pháp căn cơ, thắt lưng buộc bụng trong tình hình hiện nay phải thực sự là tiết kiệm chi tiêu, chống lãng phí và đầu tư công phải thật sự là thiết thực, có trọng điểm, có hiệu quả và đặc biệt là phải chống thất thu, chống thất thoát trong mọi lĩnh vực.

Nội dung thứ ba là an ninh nguồn nước. Đại biểu phản ánh, mặc dù đang là mùa mưa ở Tây Nguyên nhưng tại đây đã diễn ra tình trạng thiếu nước trầm trọng, khiến cho những vườn rẫy, nương, cà phê, tiêu của người dân Tây Nguyên đang xơ xác vì đói nước. Bên cạnh đó là hàng loạt những vùng miền lâm vào tình trạng thiếu nước triền miên như vùng cao nguyên Hà Giang, các tỉnh  cực Nam Trung Bộ như Ninh Thuận, Bình Thuận cùng tình trạng khô hạn, xâm nhập mặn của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đại biểu chỉ rõ, nước là sự sống, là tài nguyên đặc biệt, có vai trò thiết yếu không thể thiếu đối với đời sống của con người, thừa và thiếu nước đều là thảm họa nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sự sinh tồn, đến sự phát triển từ bình thường đến bền vững của xã hội, là vấn đề mang tính toàn cầu. An ninh nguồn nước là một trong những nội dung quan trọng nhất trong an ninh môi trường. An ninh nguồn nước liên quan đến phát triển bền vững và ổn định chính trị, đến chủ quyền quốc gia, quyền quyết định đến an ninh lương thực. Các quốc gia trên thế giới luôn coi trọng việc bảo vệ nguồn nước sạch, nước ngầm, là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu không kém an ninh quốc gia và đều có những phương án ứng phó khẩn cấp khi nguồn nước gặp sự cố. Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường hiện nay, vấn đề an ninh nguồn nước đang ngày càng trở nên cấp bách, mang tính chiến lược và mang tính toàn cầu hơn lúc nào hết. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu gia tăng, các mâu thuẫn trong khai thác, sử dụng nguồn nước, đặc biệt biến đổi khí hậu đang làm cho các thách thức về nguồn nước trở nên phức tạp và rất khó lường.

Nước ta hiện nay do tác động của biến đổi khí hậu, mực nước biển có xu hướng dâng cao, triều cường và xâm nhập mặn ngày càng gia tăng. Cùng với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, rừng ngày càng bị tàn phá, thu hẹp, sự gia tăng của dân số và nhu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất, đời sống ngày càng tăng nhanh, trong khi việc sử dụng, quản lý nguồn nước và xử lý ô nhiễm chưa được coi trọng. Mặt khác, với khoảng 63% trong tổng số trữ lượng khoảng từ 830 đến 840 tỷ mét khối nguồn nước từ bên ngoài lãnh thổ, an ninh nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào những động thái phát triển trên các con sông quốc tế như sông Hồng, sông Mê Kông. Trên thực tế, Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, cấp bách về an ninh nguồn nước với tình trạng suy giảm nguồn nước mạch cũng như nước ngầm ngày một gia tăng và khó lường. Với tính cấp thiết và cấp bách như trên, để đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia, đại biểu đề xuất Chính phủ cần khẩn trương tổ chức điều tra, khảo sát lại việc quản lý, sử dụng tài nguyên nước quốc gia, trên cơ sở đó xây dựng đề án chiến lược hoặc là một chương trình đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia thế kỷ XXI để trình Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Xuân đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc Luật Tài nguyên tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường, đồng thời đề xuất Chính phủ một số nhóm giải pháp để tăng cường đảm bảo an ninh nguồn nước như sau:

Thứ nhất, cần đẩy mạnh công tác bảo vệ tài nguyên nước trên cơ sở thiết lập, quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ nguồn nước.

Thứ hai, cần quản lý tài nguyên nước giống như một tài nguyên giá trị và hạn chế. Quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn nước. Sử dụng tối ưu nguồn nước bằng việc đầu tư ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, khuyến khích phát triển hệ thống giảm thiểu tái sử dụng và tái tạo.

Thứ ba, tăng cường sử dụng các mô hình liên kết giữa nguồn nước, năng lượng và lương thực trong phát triển kinh tế.

Thứ tư, tăng cường khả năng trữ nước thông qua các giải pháp phi công trình trong quản lý nguồn nước dựa trên xu thế của tự nhiên, trên cơ sở dự báo dài hạn về khí hậu, thủy văn, nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách về tài nguyên nước nhằm thúc đẩy sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên nước.

Bích Lan