Đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu cho ý kiến
Phát biểu tại Phiên họp, đại biểu đánh giá cao Ban soạn thảo đã chuẩn bị dự thảo Luật rất kỹ lưỡng và công phu. Để hoàn thiện Luật, đại biểu góp ý một số vấn đề sau:
Trước hết, đại biểu thống nhất với quan điểm về tính nguyên tắc bảo vệ môi trường, được quy định ở 7 luật khác và được tập hợp ở luật này nhưng không quy định lặp lại, chồng lấn với các luật khác, như Luật Đa dạng sinh học, Luật Tài nguyên nước, Luật Tài nguyên môi trường biển và hải đảo. Với nguyên tắc này, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại một số các điều khoản sau:
Thứ nhất, đề nghị sửa điểm c khoản 1 Điều 20, các vùng đất ngập nước quan trọng, hành lang đa dạng sinh học, các khu vực có đa dạng sinh học cao nằm ngoài phạm vi diện tích các khu thuộc quy định tại điểm a, b khoản này và bỏ toàn bộ các nội dung khác liên quan đến Luật Đa dạng sinh học, Luật Lâm nghiệp và các quy định pháp luật liên quan khác.
Thứ hai, đề nghị là sửa điểm b khoản 2 Điều 23 như sau:“Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức thực hiện và công bố kết quả điều tra, kiểm kê, đánh giá nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của loài thủy sản theo Luật Thủy sản là Luật Đa dạng sinh học”,vấn đề này liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Thứ ba, đề nghị sửa điểm a khoản 2 Điều 24, đó là“Vườn quốc gia, khu dự trữ thiên nhiên, khu bảo vệ cảnh quan, khu bảo tồn sinh cảnh, khu bảo tồn biển, các vùng đất ngập nước quan trọng”.Bỏ điểm b khoản 2 Điều 24, đó là các loài hoang dã nguy cấp, quý hiếm, các loài đặc hữu, vì quy định này đã có ở Luật Thủy sản và Luật Lâm nghiệp. Điểm b ghi lại là:“Khu vực có đa dạng sinh học cao, trừ trường hợp đã quy định điểm a khoản 2”.
Thứ tư, đề nghị sửa đổi khoản 5, khoản 6 Điều 24 như sau: Khoản 5 “Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định các thông số chỉ thị quan trắc, đa dạng sinh học và việc tổ chức thực hiện quan trắc đa dạng sinh học. Kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện quan trắc đa dạng sinh học trên cả nước”. Khoản 6 “Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện quan trắc, đa dạng sinh học trong môi trường và vùng nước tự nhiên thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 điều này”. Lý do là thể hiện rõ trách nhiệm và vai trò quản lý của từng bộ đối với lĩnh vực quản lý được giao, không chồng lấn về mặt trách nhiệm.
Thứ năm, ở Điều 62 quy định bảo vệ môi trường tại hộ gia đình, theo đó các hộ gia đình có trách nhiệm phải giảm thiểu phân loại rác thải tại nguồn, thu gom, chuyển rác thải sinh học đã phân loại ở khu dân cư, nông thôn thì khó thực hiện được. Vì vậy, đề nghị Luật nên ghi rõ là hộ gia đình sống ở khu vực đô thị, thành phố và có một quy định cho những hộ gia đình sống ở các khu vực nông thôn.
Đại biểu cũng thống nhất với nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội rằng đây là một Luật lớn cần phải xem xét, phân tích kỹ lưỡng hơn, do đó thống nhất nên trình ở 3 kỳ họp và thông qua vào kỳ đầu của nhiệm kỳ khóaXV./.