ĐBQH ĐINH CÔNG SỸ GÓP Ý ĐỐI VỚI DỰ ÁN LUẬT CƯ TRÚ (SỬA ĐỔI)

30/07/2020

Trong phiên thảo luận toàn thể hội trường về dự án Luật Cư trú (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Đinh Công Sỹ – Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La đã góp ý về một số nội dung cụ thể nhằm hoàn thiện dự thảo Luật.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể hội trường, đại biểu Đinh Công Sỹ - Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La bày tỏ tán thành việc sửa đổi Luật Cư trú cũng như thống nhất với nhiều nội dung của dự thảo luật.

Đại biểu Đinh Công Sỹ - Đoàn ĐBQH tỉnh Sơn La

Cần có các giải pháp sử dụng dữ liệu dân cư

Tham gia góp ý về những nội dung cụ thể, đại biểu Đinh Công Sỹ nêu rõ, điểm mới căn bản của dự thảo luật là chủ trương bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân. Đại biểu cho rằng quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân sẽ đem lại rất nhiều lợi ích. Thông tin cá nhân trong cơ sở dữ liệu chuyên ngành được cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ làm tăng khả năng khai thác về thông tin dân cư, hạn chế tình trạng trùng lặp thông tin và đặc biệt là giảm chi phí xã hội.

Đại biểu dẫn chứng, trong báo cáo đánh giá tác động của chính sách được Chính phủ đưa ra, đó là mỗi năm có 1 triệu trẻ em được sinh ra, cơ quan Bảo hiểm xã hội Việt Nam chi đến 10 tỉ đồng để cấp thẻ Bảo hiểm y tế mới và chi phí cho tờ khai bảo hiểm xã hội mới cũng đến 10 tỉ đồng. Nếu 30 triệu người cấp mới thì con số lên tới 300 tỷ đồng. Khi thực hiện phương thức quản lý dân cư mới, cơ quan Bảo hiểm xã hội sử dụng dữ liệu dân cư quốc gia, cụ thể là số định danh cá nhân thì chi phí này sẽ không còn nữa.

Về mặt thủ tục hành chính, theo báo cáo của Bộ Công an, trong quản lý cư trú của ngành công an có đến 13 thủ tục hành chính được bãi bỏ và cũng sẽ cắt giảm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra có đến 27 thủ tục hành chính khác đòi hỏi phải có sổ hộ khẩu, sổ tạm trú tác động đến hàng triệu công dân cũng sẽ được bãi bỏ, trong đó có rất nhiều thủ tục đòi hỏi có chứng thực bản sao hoặc kèm theo bản chính để đối chiếu thì những chi phí và tiền bạc và thời gian của công dân khó có thể định lượng được hết trong những trường hợp này. Những thủ tục này khi được bãi bỏ đồng nghĩa với việc Chính phủ sẽ phải sửa đổi, bổ sung thay thế đến 178 văn bản có liên quan, trong đó có 10 luật, 35 nghị quyết, 119 thông tư, thông tư liên tịch và 16 quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Đại biểu cho rằng đây là khối lượng công việc rất lớn. Như vậy ngay khi luật có hiệu lực nhưng với số lượng đồ sộ văn bản dưới luật đang có hiệu lực thi hành thì công dân vẫn chưa được thụ hưởng các chính sách mới có liên quan tới việc đơn giản hóa thủ tục hành chính. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ cần đưa ra lộ trình cho việc sửa đổi này.

Đại biểu Đinh Công Sỹ nêu rõ, từ những phân tích trên cho thấy lợi ích tích cực về mặt kinh tế cũng như lợi ích về sự thuận tiện cho công dân có thể thấy được. Để làm được điều này cần có sự đồng bộ về cơ sở dữ liệu dân cư trên toàn quốc. Chính phủ khẳng định đã tổ chức triển khai dự án về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đã hoàn thiện khung pháp lý xây dựng hạ tầng trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư và nhất là đã cấp được 18 triệu số định danh cá nhân cho công dân theo quy định của Luật Căn cước công dân. Theo đó, còn trên 80 triệu công dân nữa cần được cấp số định danh cá nhân trong thời gian tới. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có báo cáo rõ hơn về tiến độ và khả năng cấp số định danh cá nhân trong thời gian tới, để bảo đảm khi luật có hiệu lực thi hành thì việc quản lý cư trú toàn bộ dân cư sẽ hoàn tất theo như đúng tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết số 112 năm 2017 là dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cơ bản hoàn thành và vận hành trong năm 2020.

Đại biểu cho biết thêm, Bộ Công an đang có đề xuất lùi thời gian triển khai cấp Căn cước công dân thống nhất trên toàn quốc tại mục 4 Công văn số 253 ngày 25/3/2020 của Bộ Công an báo cáo Quốc hội xin lùi thời gian triển khai cấp Căn cước công dân theo quy định của Luật Căn cước công dân. Trong khi đó, thời điểm có hiệu lực của Luật Cư trú (sửa đổi) theo dự thảo thì từ tháng 7/2021 và Văn bản số 1543 tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu, cho đến nay thì Bộ Công an đã thu thập được trên 80 triệu phiếu thông tin dân cư. Đại biểu cho rằng việc thu thập thông tin dân cư để cấp số định danh cá nhân có lẽ cũng sẽ mất rất nhiều thời gian. Theo đó, một bộ phận khá lớn người dân chưa thể nhận được thụ hưởng từ sự đơn giản hóa thủ tục ngay sau khi luật này có hiệu lực vào tháng 7/2021 và khi cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đi vào hoạt động từ tháng 6/2021, vì họ chưa được cấp mã số định danh cá nhân được thể hiện trên thẻ Căn cước công dân.

Ngoài ra, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về vấn đề khai thác, sử dụng chung dữ liệu về dân cư giữa các cơ quan, tổ chức trong việc chứng minh nơi thường trú, tạm trú của công dân trong những giao dịch theo quy định của pháp luật. Đại biểu đặt vấn đề làm sao vừa bảo đảm tính bảo mật của cơ sở dữ liệu dân cư nhưng lại bảo đảm tính thuận tiện cho các cá nhân tham gia vào các quan hệ xã hội do pháp luật điều chỉnh như hôn nhân và gia đình, đăng ký tài sản, v.v.. hay ngay cả một số thủ tục không có quy định cụ thể về việc bắt buộc phải có sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú. Tuy nhiên, trong một số quan hệ dân sự sẽ phát sinh lấy sổ hộ khẩu, sổ tạm trú làm căn cứ bảo đảm cho các quan hệ dân sự này. Vậy việc khoanh vùng chủ thể nào được truy cập, khai thác dữ liệu dân cư này phải được chỉ rõ. Đại biểu cho rằng, Chính phủ cũng cần tính đến các giải pháp cho những trường hợp nêu trên để bảo đảm quyền lợi của công dân.

Cung cấp thêm các thông tin về tình hình thực tế

Ngoài ra, đai biểu Đinh Công Sỹ cũng bày tỏ tán thành với nhiều nội dung sửa đổi của dự thảo Luật như về điều kiện đăng ký thường trú vào các thành phố trực thuộc Trung ương, đại biểu Đinh Công Sỹ bày tỏ đồng tình với lý giải tại Tờ trình của Chính phủ, bỏ các điều kiện về tạm trú và thường trú ở thành phố trực thuộc Trung ương so với các tỉnh, thành khác để bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân, nhất là các thành phố lớn hiện nay như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Về xóa đăng ký thường trú theo Điều 25 của dự thảo luật, đại biểu cũng đồng tình với đề xuất của Chính phủ là đối với công dân vắng mặt tại nơi thường trú từ 12 tháng trở liên tục lên mà không đăng ký tạm trú ở nơi nào hoặc không khai báo tạm vắng với công an cấp xã nơi thường trú, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài thì Tờ trình của Chính phủ có lý giải làm việc này là để nâng cao ý thức, trách nhiệm của công dân và hộ gia đình trong đăng ký quản lý cư trú. Để có nhìn toàn diện hơn về vấn đề này, đại biểu cũng kiến nghị Chính phủ cần cung cấp thêm các thông tin về tình hình thực tế hiện nay về các trường hợp này về tính phổ biến của tình trạng không khai báo này như thế nào. Đồng thời, cũng lý giải thêm việc tăng thời gian từ 6 tháng như hiện hành lên 12 tháng như dự thảo và tác động đến việc thực hiện chính sách an sinh xã hội khác. Đại biểu cũng cho biết, việc xoá đăng ký thường trú sẽ làm quan hệ phát sinh từ nơi thường trú có thể không có hướng xử lý.

Liên quan đến quản lý cư trú cho các trường hợp người cư trú không đủ điều kiện đăng ký thường trú và tạm trú, đại biểu kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ có liên quan cần rà soát lại hệ thống pháp luật có liên quan tới ngành mình để sửa đổi kịp thời cho phù hợp với Luật Cư trú (sửa đổi), thống nhất bảo đảm thực hiện các chính sách an sinh, bảo đảm cho trẻ em có quyền được đi học trong những trường hợp khi không có nơi thường trú và tạm trú hợp pháp mà chỉ có giấy khai báo cư trú./.

Bảo Yến