Đại biểu Trần Quang Chiểu – Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Trần Quang Chiểu bày tỏ sự nhất trí với việc Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 thông qua nghị quyết để Đà Nẵng thực hiện thí điểm chính quyền đô thị và một số chính sách đặc thù khác. Theo đại biểu, khi nghị quyết này được Quốc hội thông qua sẽ đảm bảo triển khai đồng bộ về cơ chế, chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng. Đại biểu đề nghị Chính phủ sớm triển khai việc sửa đổi Nghị định 144 để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các nội dung về cơ chế, chính sách tài chính đặc thù theo quy định của Điều 74 Luật Ngân sách nhà nước. Như vậy nếu có nghị quyết, nghị định đồng bộ sẽ thực hiện triển khai. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị quyết, đại biểu tham gia một số ý kiến như sau:
Thứ nhất là vấn đề phí, lệ phí. Tại Điều 12 dự thảo nghị quyết, cho Đà Nẵng được “tăng mức hoặc tỷ lệ thu các loại phí, lệ phí trong danh mục phí, lệ phí theo Luật Phí, lệ phí do các cấp có thẩm quyền quyết định”. Nếu chỉ quy định như trên, các khoản thu tăng thêm này sẽ được phân chia theo Luật Ngân sách nhà nước ở trung ương và địa phương. Trong khi đó, đây là nỗ lực của Đà Nẵng và Quốc hội cho cơ chế riêng.
Tại Nghị quyết số 54 về thí điểm cho thành phố Hồ Chí Minh, Quốc hội đã cho ngân sách thành phố Hồ Chí Minh được hưởng 100% các khoản tăng thu về phí, lệ phí mà thành phố Hồ Chí Minh tăng thêm cũng như cho Đà Nẵng. Quốc hội cho thành phố Hồ Chí Minh được hưởng 100% các khoản này để ngân sách thành phố Hồ Chí Minh thực hiện các nhiệm vụ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc nhiệm vụ của thành phố và khoản này không được tính vào tỷ lệ phân chia phần trăm giữa ngân sách trung ương và địa phương. Do vậy đại biểu đề nghị bổ sung nội dung này cho thành phố Đà Nẵng được hưởng 100% các khoản tăng thêm mà Quốc hội cho để thực hiện nhiệm vụ đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng của thành phố và cũng không kể tỷ lệ phân chia.
Thứ hai, về điều chỉnh quy hoạch thành phố. Tờ trình của Chính phủ đề nghị Thủ tướng phân cấp cho chủ tịch thành phố phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thành phố, quy hoạch chung và giao cho Ủy ban nhân dân thành phố điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị. Cơ quan thẩm tra cho rằng, với nội dung điều chỉnh quy hoạch thành phố là quy hoạch chung, không đồng ý với đề nghị của Chính phủ với lý do nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác lập, quản lý, điều chỉnh quy hoạch thời gian vừa qua, tránh tình trạng điều chỉnh quy hoạch, bổ sung quy hoạch tùy tiện, thay đổi quy hoạch theo tư duy nhiệm kỳ, đúng ý kiến thẩm tra. Còn đối với điều chỉnh cục bộ quy hoạch đô thị lại nêu ý kiến “để cụ thể hóa chủ trương thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của địa phương và người đứng đầu nên đồng ý giao cho Thủ tướng Chính phủ trong nhiệm vụ, quyền hạn của mình quyết định việc phân cấp cho thành phố được quyết định phê duyệt quy hoạch cục bộ đô thị, thành phố”. Đại biểu nhận thấy lập luận như trên còn khiên cưỡng, vì cả 2 nội dung đều thuộc thẩm quyền của Thủ tướng và đều khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác lập quy hoạch, quản lý quy hoạch. Song, thẩm tra đặt vấn đề về phân cấp cho rằng nếu tiếp cận theo hướng tư duy tùy tiện và tư duy nhiệm kỳ trong quy hoạch không nên cho phép Chủ tịch thành phố Đà Nẵng được duyệt quy hoạch chung thì tại sao cũng là thẩm quyền của Thủ tướng mà lại không đặt vấn đề cho Đà Nẵng mà lại cho Đà Nẵng được phê duyệt quy hoạch cục bộ đô thị. Đại biểu nêu thắc mắc, phải chăng nếu cho Đà Nẵng được phê duyệt cục bộ đô thị thì sẽ khắc phục được tình trạng tùy tiện và tư duy nhiệm kỳ? Còn nếu tiếp cận theo hướng phù hợp với chủ trương phân cấp, phân quyền, gắn trách nhiệm của người đứng đầu để giao cho Thủ tướng Chính phủ trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình. Quyết định việc phân cấp cho chính quyền thành phố Đà Nẵng được phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cục bộ đô thị thành phố gắn với các điều kiện nhất định, quy định trong nghị quyết này. Đại biểu nêu thắc mắc, tại sao không giao cho thành phố được phê duyệt quy hoạch chung của thành phố? Bởi vì cùng một nội dung nhưng tiếp cận 2 vấn đề khác nhau gây nên sự khiên cưỡng. Đại biểu cho rằng nếu tiếp cận theo hướng quy hoạch thành phố là quy hoạch chung, là quy hoạch bao trùm lên tất cả các loại quy hoạch khác mang tính vĩ mô, nếu có sai sót do bất kỳ nguyên nhân chủ quan hay khách quan nào thì tác động rất lớn, phạm vi rộng, hậu quả nặng nề, khắc phục khó khăn và phức tạp. Do vậy, đại biểu cho rằng chưa nên đặt vấn đề phân cấp cho thành phố. Còn quy hoạch cục bộ đô thị là một nội dung của quy hoạch đô thị. Quy hoạch đô thị lại là một nội dung của quy hoạch chung thành phố. Do vậy có thể nói quy hoạch cục bộ đô thị này ở tầm vĩ mô, nên nếu có sai sót xảy ra thì tác động không nhiều. Theo đại biểu nên đặt vấn đề là trong nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Thủ tướng có thể phân cấp cho thành phố thì cách tiếp cận như thế thuyết phục hơn.