ĐBQH PHẠM THÀNH TÂM GÓP Ý ĐỐI VỚI DỰ ÁN LUẬT CƯ TRÚ (SỬA ĐỔI)

31/07/2020

Bày tỏ thống nhất cao với nhiều nội dung của dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) trình tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, phát biểu tại phiên họp toàn thể tại hội trường đại biểu Phạm Thành Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang cũng đã góp ý nhiều nội dung cụ thể nhằm hoàn thiện dự thảo Luật.

Đại biểu Phạm Thành Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Phạm Thành Tâm nêu rõ, về các trường hợp bị hạn chế quyền tự do cư trú tại Điều 9, dự thảo Luật đã liệt kê cơ bản đầy đủ các trường hợp cần thiết phải hạn chế quyền tự do cư trú của công dân để đảm bảo phục vụ có hiệu quả cho các cơ quan chức năng có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ của từng cơ quan và là căn cứ quan trọng để bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân, tránh bị lạm dụng trong quá trình thực hiện. Tuy nhiên, để các trường hợp quy định về hạn chế quyền tự do cư trú được đầy đủ, chặt chẽ hơn, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung một khoản trong điều này quy định về địa bàn hạn chế quyền tự do cư trú của công dân trong khu vực cấm, khu vực hạn chế hoạt động, vành đai biên giới để đảm bảo thống nhất với Luật Biên giới quốc gia. Đại biểu lý giải, theo khoản 2 Điều 16 Luật Biên giới quốc gia quy định việc ra vào cửa khẩu tạm trú và các hoạt động khác ở khu vực cửa khẩu phải tuân theo quy định của pháp luật và Điều 24 Luật Biên giới quốc gia quy định mọi hoạt động có liên quan đến biên giới quốc gia tại khu du lịch, dịch vụ, thương mại, khu kinh tế cửa khẩu và các khu kinh tế khác trong khu vực biên giới phải tuân theo quy chế khu vực biên giới do Chính phủ quy định. Các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Biên giới quốc gia như Nghị định 34, Nghị định số 71, Nghị định số 112 của Chính phủ đã quy định rất rõ về nội dung này nên đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bổ sung vào dự thảo luật.

Về trách nhiệm của công dân về cư trú ở Điều 10, dự thảo quy định: chấp hành các quy định về đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng và lưu trú theo quy định của luật này; cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, tài liệu về cư trú của mình cho cơ quan, người có thẩm quyền và chịu trách nhiệm về thông tin, tài liệu đã cung cấp; nộp lệ phí đăng ký cư trú. Theo đại biểu dự thảo đã cơ bản đầy đủ và phù hợp đối với trách nhiệm của công dân về cư trú nhằm phục vụ cho công tác quản lý của Nhà nước về cư trú được chặt chẽ, thống nhất. Tuy nhiên, để quy định trên được toàn diện hơn và phù hợp với tình hình thực tiễn, Ban soạn thảo cần nghiên cứu, xem xét bổ sung quy định về trách nhiệm của các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang nhân dân và trình tự, thủ tục khai báo đăng ký thường trú, tạm trú, khai báo tạm vắng và lưu trú theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này để đảm bảo bí mật có tính chất đặc thù hoạt động của lực lượng vũ trang nhân dân.

Về địa điểm không được đăng ký thường trú, tạm trú mới tại Điều 24, dự thảo đã quy định 5 trường hợp không đăng ký thường trú, tạm trú khi công dân chuyển đến chỗ ở mới như trong dự thảo. Cho rằng, quy định này là hết sức cần thiết và phù hợp với các quy định của pháp luật khác có liên quan, song để chặt chẽ hơn và đầy đủ, đồng bộ hơn đại biểu Phạm Thành Tâm cũng đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu xem xét bổ sung một khoản quy định địa điểm không được đăng ký thường trú, tạm trú mới là khu vực biên giới, khu vực hạn chế hoạt động nằm trong khu vực biên giới, vành đai biên giới để đảm bảo thống nhất với Luật Biên giới quốc gia và khoản 2 Điều 5 Nghị định 34 của Chính phủ quy định những người không được cư trú ở khu vực biên giới đất liền.

Về trách nhiệm quản lý cư trú tại Chương VI, đại biểu cho rằng dự thảo đã quy định trách nhiệm của nhiều cơ quan chức năng có liên quan trong việc quản lý cư trú để bảo đảm chặt chẽ, thống nhất và đồng bộ là hết sức cần thiết và phù hợp. Tuy nhiên, để các quy định về trách nhiệm quản lý cư trú được đầy đủ và chặt chẽ hơn, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét bổ sung một điều vào sau Điều 34 với nội dung quy định về trách nhiệm của Bộ Quốc phòng trong việc phối hợp với Bộ Công an thực hiện hoạt động quản lý cư trú, tạm trú, thông báo lưu trú, khai báo tạm vắng ở khu vực biên giới và kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về cư trú ở khu vực biên giới sẽ toàn diện hơn./.

Bảo Yến