ĐBQH DƯƠNG TRUNG QUỐC CHẤT VẤN BỘ CÔNG THƯƠNG VỀ VẤN ĐỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

13/08/2020

Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về quan niệm của Bộ trưởng trong vấn đề bảo vệ môi trường.

Nhiều khó khăn trong công tác bảo vệ môi trường

- Nước thải đô thị phát sinh ngày càng lớn;

- Khối lượng chất thải rắn phát sinh tiếp tục gia tăng mạnh;

- Ô nhiễm không khí tại đô thị lớn;

- Nguồn thu từ môi trường chưa được sử dụng đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường...

Các vấn đề môi trường cấp bách nêu trên nếu không được giải quyết kịp thời sẽ có những tác động tiêu cực ngày càng lớn đến việc thực hiện các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cũng như tác động trực tiếp tới an toàn sức khỏe và sinh kế người dân.

Bà Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường của Quốc hội cho rằng, bảo vệ môi trường là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển. Hiện nay công tác bảo vệ môi trường đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh mới.  Vì vậy, trách nhiệm bảo vệ môi trường không chỉ thuộc bộ, ngành nào hay một tổ chức nào mà là trách nhiệm của cả cộng đồng, phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, cộng đồng doanh nghiệp và mọi người dân.

Bà Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và môi trường của Quốc hội

Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường. Chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường từng bước được bổ sung và hoàn thiện. Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Đa dạng sinh học năm 2008. Việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật, các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường được đẩy mạnh. Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường. Tuy nhiên, hiện nay môi trường nước ta vẫn đang đứng trước những thách thức to lớn và vấn đề cấp bách cần được tập trung giải quyết, xử lý. 

Theo TS.Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, đối với mỗi quốc gia vấn đề bảo vệ môi trường luôn là vấn đề ưu tiên hàng đầu trong quá trình phát triển. Tại Việt Nam, chính sách về môi trường luôn được quan tâm và triển khai thực hiện, tuy nhiên trước những thách thức mới trong quá trình phát triển cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa quy định pháp luật về bảo vệ môi trường cho phù hợp với thực tiễn hiện nay.

Trách nhiệm của Bộ Công thương trong công tác bảo vệ môi trường

Bộ Công thương là cơ quan thuộc Chính phủ, thực hiện quản lý nhà nước trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu hàng hóa. Đây là những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Nhận thức rõ yêu cầu bảo vệ môi trường, ngay từ tháng 10/2016, Tư lệnh ngành Công Thương đã ban hành Chỉ thị về việc bảo vệ môi trường trong toàn ngành Công Thương. Theo đó, Bộ trưởng đã có từng yêu cầu cụ thể đối với các đơn vị, các Tập đoàn, Tổng công ty và các doanh nghiệp thuộc Bộ. Chỉ thị cũng nêu rõ trách nhiệm đối với các chủ đầu tư dự án nhiệt điện than.

Nhận xét về vai trò, trách nhiệm của Bộ Công thương trong công tác bảo vệ môi trường, Đại biểu Nghiêm Vũ Khải, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng cho rằng, mặc dù Bộ Tài nguyên và Môi trường là bộ đầu mối trực tiếp giúp chính phủ quản lý về lĩnh vực môi trường. Tuy nhiên, tất cả các bộ ngành khác trong đó có Bộ Công thương đều có trách nhiệm. Bộ Công thương quản lý ngành công nghiệp mà đây là một trong những nguồn ô nhiễm rất nghiêm trọng và nguy hại cho nên Bộ Công thương phải nhận thức rất là rõ không phải bằng mọi giá để tăng trưởng về sản lượng mà phải luôn luôn đặt mục tiêu bảo vệ môi trường; kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế. Đây còn là trách nhiệm chính trị của Bộ Công thương.

Cũng về vấn đề này, TS.Lê Đăng Doanh, Chuyên gia kinh tế cho rằng, tất cả các nhà máy công nghiệp đều có tác động đến môi trường như nhà máy nhiệt điện đã có tiêu chuẩn rất rõ ràng về chất thải, khói, khí thải. Để hạn chế tác hại đến môi trường, Bộ Công thương phải đề cao trách nhiệm và kiểm soát tốt hoạt động của các ngành nghề thuộc Bộ quản lý đồng thời phát triển công nghệ xử lý để biến rác thải, phế thải thành tài nguyên.

Bộ Công thương quản lý nhà nước trong các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

Khẳng định quan điểm, phát triển kinh tế phải gắn liền, đi đôi với công tác bảo vệ môi trường, Bộ Công thương đã xây dựng Kế hoạch bảo vệ môi trường ngành công thương. Bên cạnh đó, Bộ tích cực triển khai nhiều giải pháp để giải quyết cũng như bảo vệ môi trường trong lĩnh vực Bộ quản lý như: phát triển năng lượng mặt trời; phối hợp với Bộ Tài nguyên và môi tường và các Bộ, ngành, địa phương xử lý sự cố ô nhiễm môi trường;...

Ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, cho biết vấn đề bảo vệ môi trường trong phát triển năng lượng đã được đặt ra và đã được giải quyết trong tất cả các tổng sơ đồ làm sao cho vừa phù hợp với điều kiện của Việt Nam vừa đáp ứng được nhu cầu điện để phát triển kinh tế. Trong những năm gần đây, các công nghệ về năng lượng tái tạo trên thế giới phát triển rất mạnh và nhờ đó chúng ta cũng phát triển được tiềm năng năng lượng gió, mặt trời ở Việt Nam phù hợp với định hướng chung về chiến lược phát triển năng lượng của chúng ta là phải bảo vệ môi trường, phát triển đi đôi với bảo vệ môi trường. Những dự án năng lượng tái tạo rất phù hợp và phải nói là chúng ta đã tiếp cận nhanh và đã kịp thời hòa chung với chuyển dịch năng lượng sang năng lượng tái tạo của thế giới và đặc biệt gần đây lĩnh vực này phát triển rất mạnh, qua đó góp phần rất tốt bảo vệ môi trường.

Ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo 

Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ trong việc thống nhất quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, các bộ ngành có liên quan trong đó có Bộ Công thương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xử lý các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc thẩm quyền quản lý, phát triển ngành công nghiệp môi trường và tổ chức triển khai thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý.

Nhấn mạnh về vai trò của Bộ trong quản lý môi trường ngành công thương, Đại biểu Mai Sỹ Diến, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa, cho rằng Bộ Công thương là cơ quan phê duyệt chủ trương đầu tư thì điều đầu tiên là phải tuân thủ quy định về pháp luật về bảo vệ môi trường và pháp luật về đầu tư; thứ hai là phải tăng cường trách nhiệm trong vấn đề rà soát để đảm bảo thu hút đầu tư tránh thu hút những ngành, lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; thứ ba là các lĩnh vực thuộc bộ quản lý có nhiều lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao thì trách nhiệm của bộ phải quản lý và đặc biệt phối hợp với các cơ quan khác trong thực hiện nhiệm vụ liên quan đến kiểm tra, xử lý vi phạm về môi trường đặc biệt kiên quyết không tiếp nhận các ngành lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo tinh thần thủ tướng chỉ đạo không đánh đổi môi trường lấy kinh tế.

Vấn đề môi trường là vấn đề toàn cầu, trong đó ngành Công Thương là ngành có nguy cơ phát thải gây ô nhiễm môi trường cao. Thời gian qua, nước ta đã chứng kiến hàng loạt các sự cố môi trường xảy ra liên quan đến nhiều ngành nghề, như: nhiệt điện, khai thác khoáng sản, sản xuất da giày và mới đây nhất là sản xuất nước sạch… Do vậy, các Bộ, ngành liên quan và đặc biệt là Bộ Công thương cần xây dựng và phát triển ngành công nghiệp môi trường.

Theo Đại biểu Nghiêm Vũ Khải, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng, cần xây dựng ngành công nghiệp môi trường. Nếu như không xây dựng được 1 ngành công nghiệp môi trường của Việt Nam thì tất cả những chính sách về môi trường chủ yếu là khẩu hiệu và mong muốn thôi chứ không thể triển khai được.

Thiếu cơ sở pháp lý quản lý môi trường ngành công thương

Hiện nay, hệ thống pháp luật hiện hành, cơ sở pháp lý, công cụ và chế tài quản lý môi trường của Bộ Công thương trong lĩnh vực công thương còn có những vướng mắc.

Tại khoản 3, Điều 142 Luật Bảo vệ môi trường quy định trách nhiệm của các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ về việc chủ trì tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý. Tuy nhiên, trong các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường đều không quy định rõ việc “tổ chức triển khai thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực quản lý”. Đơn cử tại Nghị định số 38 của Chính phủ ban hành ngày 14 tháng 02 năm 2015 quy định về quản lý chất thải và phế liệu; Nghị định số 40 ngày 13 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường không quy định về trách nhiệm của Bộ Công thương trong việc quản lý chất thải công nghiệp, quản lý phế liệu nhập khẩu;...

Trong quy định về thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, Điều 23 Luật Bảo vệ môi trường thì với quy định phân cấp như hiện nay và sự ra đời của Ủy ban quản lý vốn nhà nước, thì hầu hết các dự án trong lĩnh vực thuộc ngành công thương đều do Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố tổ chức thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Do vậy, Bộ Công thương thiếu các cơ sở pháp lý để triển khai công tác bảo vệ môi trường, nhất là chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp vi phạm.

Phát triển kinh tế phải gắn liền, đi đôi với công tác bảo vệ môi trường

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công thương được Chính phủ giao quản lý nhà nước trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và xuất nhập khẩu hàng hóa là những lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Bộ Công thương nhận thức rõ yêu cầu bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đặc biệt trong các lĩnh vực như năng lượng, hóa chất, giày da, chế biến chế tạo, cơ khí,... và đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo vệ môi trường ngành công thương. Tuy nhiên, trên thực tế hệ thống pháp luật hiện hành, cơ sở pháp lý, công cụ và chế tài quản lý môi trường của Bộ Công thương trong lĩnh vực công thương cũng còn có những hạn chế.

Bộ trưởng cũng cho biết, mặc dù có nhiều khó khăn, Bộ Công thương đã chủ động thực hiện các biện pháp quyết liệt, thể hiện rõ quan điểm khẳng định phát triển kinh tế phải gắn liền, đi đôi với công tác bảo vệ môi trường. Điều này được thể hiện rõ trong các hoạt động mà ngành Công thương đã thực hiện thời gian vừa qua như:

- Xử lý nhanh và kịp thời các vấn đề môi trường phát sinh trong quá trình quản lý, vận hành các nhà máy nhiệt điện;

- Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ ngành, địa phương xử lý sự cố ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung;

- Ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT ngày 19 tháng 10 năm 2016 về việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường ngành công thương;

- Tổ chức hoạt động kiểm tra đối với cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm;

- Ký kết các chương trình phối hợp công tác về ứng phó với biến đổi khí hậu;

- Xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường ngành công thương trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

Cuối cùng, Bộ trưởng nhấn mạnh, thời gian tới, Bộ Công thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để thể chế hóa và nâng cao vai trò, trách nhiệm của Bộ Công thương trong công tác bảo vệ môi trường.

Cụ thể hóa vai trò, trách nhiệm của Bộ Công thương trong công tác bảo vệ môi trường

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhiều lần khẳng định: Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Điều đó có nghĩa, một mặt vẫn phải phát triển nhanh kinh tế - xã hội, song phải đảm bảo phát triển bền vững, gìn giữ môi trường. Để thực hiện được mục tiêu này thì vai trò của Bộ Công thương là vô cùng quan trọng.  Vậy thời gian qua Bộ Công thương đã làm tốt vai trò của mình trong vấn đề bảo vệ môi trường hay chưa? Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 cần quy định như thế nào về vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành trong công tác bảo vệ môi trường? Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai về vấn đề này,

Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai

Phóng viên: Xuất phát từ thực trạng nào đại biểu lại chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương về vấn đề bảo vệ môi trường?

Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Môi trường là vấn đề bao trùm toàn bộ đời sống xã hội và nếu như dùng hình tượng là bao trùm toàn cầu. Đây không phải là vấn đề của một quốc gia nữa mà đó là vấn đề cả thế giới phải chung tay giải quyết nhất là song hành với quá trình phát triển của khoa học công nghệ, kinh tế và của dân số,... Chúng ta thấy rất rõ tác động của môi trường ngày càng lớn đi cùng với thời kỳ chúng ta mở cửa phát triển nền kinh tế trong bối cảnh nước ta chịu tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trong cơ cấu Chính phủ thì giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường, hai yếu tố tài nguyên và môi trường cũng là hai yếu tố vừa đồng hành với nhau vừa xung đột với nhau; khai thác tài nguyên như thế nào để bảo vệ môi trường và ngược lại gìn giữ môi trường thế nào thì tài nguyên nó được bảo tồn tốt. Thực tế, bản thân môi trường cũng là 1 thứ tài nguyên. Vì thế, trong vấn đề bảo vệ môi trường khi nhắc đến Bộ Công thương là bởi vì Bộ Công thương quản lý 1 lĩnh vực hết sức quan trọng là sản xuất ra giá trị gia tăng, sản xuất ra của cải, vật chất và là thước đo hiệu quả nền kinh tế. Tuy nhiên, sản phẩm này cũng là kết quả của quá trình tích tụ các yếu tố về khoa học công nghệ và nếu như chúng ta không quan tâm đến từ sự lựa chọn các lĩnh vực sản phẩm đến xử lý rác thải thì rõ ràng sẽ để lại hệ quả rất xấu đối với môi trường.

Phóng viên: Ngay sau khi nhận được nội dung chất vấn, Bộ trưởng đã có văn bản số 9346/BCT-KH trả lời chất vấn. Đại biểu có đồng tình với nội dung trả lời tại văn bản?

Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Tôi đánh giá cao Bộ công thương đã trả lời rất kịp thời và rất chân tình về nội dung chất vấn. Trước hết, bộ nhận thấy sự chưa đồng bộ trong hệ thống pháp luật nhất là sự phân công và phối hợp giữa các bộ, ngành hầu như dồn tất cả cho Bộ Tài nguyên và Môi trường và các ủy ban hành chính cũng như các tổ chức khác. Bộ công thương chỉ triển khai các lĩnh vực là thực hiện những thành phần đã có về mặt kinh tế và khai thác để tạo ra hiệu quả. Vì vậy, Bộ cho rằng trong bối cảnh đó bộ cũng hết sức hy vọng sẽ được cải thiện từ nhận thức đi vào sự thay đổi pháp luật và lần này với sự sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường mà Quốc hội đang thảo luận cũng đã đề cập và phần nào đã giải quyết được vấn đề này, để có sự đồng bộ hơn trong cơ cấu quản lý nhà nước chứ không chỉ dành riêng cho lĩnh vực tài nguyên môi trường.

Phóng viên: Theo quan điểm của đại biểu vai trò, trách nhiệm của Bộ Công thương trong công tác bảo vệ môi trường cần được nhìn nhận như thế nào?

Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Bộ Công thương với chức năng chính của mình sẽ có tác động rất tích cực đối với lĩnh vực do bộ quản lý đặc biệt là các ngành tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Ví dụ: tại sao trong khi phát triển nguồn năng lượng lại tập trung quá nhiều vào nhiệt điện trong khi nhiệt điện để lại những chất thải rất khó xử lý và gây ô nhiễm. Do đó, bên cạnh việc cải tạo khai thác công nghệ hiện đại nhất trong việc xử lý môi trường cho loại hình này thì các nhà khoa học cũng nói rằng, trên thế giới họ coi xỉ than, chất thải là tài nguyên nếu chúng ta tiếp tục đưa vào vận hành để biến thành sản phẩm khác như vật liệu xây dựng thì sẽ giảm thiểu ảnh hưởng đến môi trường. Điều đó có nghĩa là Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ là quản lý hậu quả của vấn đề nhưng quản lý để giảm nhẹ nhất hậu quả có thể xảy ra thì Bộ Công thương phải giải quyết tốt bài toán phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. 

Hay vấn đề rác thải đặc biệt liên quan đến rác thải nhựa là một loại hình vật liệu hết sức khó tiêu hủy cũng như trước đây câu chuyện liên quan đến vật liệu xây dựng có amiăng thì chúng ta giải quyết như thế nào? Vấn đề ở đây, chính là Bộ Công thương đương nhiên phải kết hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, đặc biệt với Bộ kế hoạch đầu tư để khi nhập vào phải cố gắng nhập công nghệ tốt nhất nhập lĩnh vực mà hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường. Tôi cho rằng, nếu mà nhận thức được như thế thì bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hơn nữa hệ thống pháp luật trong đó có vai trò của Bộ Công thương thì việc lựa chọn tổ chức thực hiện giám sát của Bộ Công thương với chính đối tượng mình quản lý cũng sẽ đóng góp rất nhiều vào việc thay đổi cải thiện môi trường của đất nước.

Phóng viên: Quốc hội đang cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) vậy theo ý kiến của đại biểu quy định tại dự thảo luật về vai trò, trách nhiệm của các Bộ, ngành đã phù hợp hay chưa?

Đại biểu Dương Trung Quốc, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai: Tại kỳ họp thứ 9, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Dự thảo luật lần này đã sửa đổi khá toàn diện các vấn đề về bảo vệ môi trường trong đó có đề cập đến vai trò, trách nhiệm của các bộ, ngành cũng như chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, có thể thể hiện trên giấy tờ như vậy nhưng cái khó nhất là thể hiện trong sự vận hành. Bời vì, theo lẽ thường tình cái khó thì dành cho người khác cái lợi, cái dễ thì kéo về mình thì đây là vấn đề lợi ích nhóm, lợi ích lĩnh vực, lợi ích ngành nên vai trò điều hành của Chính phủ là rất lớn và vô cùng quan trọng. Các vị Phó Thủ tướng phụ trách từng mảng một kết hợp với nhau và các bộ kết hợp với nhau nhưng điều quan trọng nhất là nằm trong ý thức của các bộ là các cỗ máy hoàn thiện chứ không phải là rời rạc và hiệu quả cuối cùng đưa ra xã hội phải là hiệu quả chung. 

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Cơ bản đồng tình với nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công thương, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng, Bộ Công thương có vai trò hết sức quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường. Các lĩnh vực như năng lượng, nhiệt điện, hóa chát, giày da, chê biến chế tạo, khai khoáng, cơ khí... đều ẩn chứa yêu cầu và thách thức đặt ra trong việc đảm bảo môi trường, hướng tới phát triển bền vững. Việc chúng ta lựa chọn những ngành nghề phát triển sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường về sau. Đại biểu nhấn mạnh, phát triển kinh tế phải gắn liền, đi đôi với công tác bảo vệ môi trường. Vì vậy, công tác bảo vệ môi trường phải được coi là nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong suốt quá trình phát triển./.

Lê Anh

Các bài viết khác