Xử lý nghiêm minh các đối tượng gian lận thi cử
Tháng 07/2018, dư luận dậy sóng và bất bình bởi hành vi cố tình can thiệp vào kết quả thi THPT của một cán bộ giáo dục tại tỉnh Hà Giang. 114 thí sinh với 330 bài thi đã được nâng điểm ít nhất từ 1 đến 8,75 điểm/môn. Sai phạm chấm thi ở Hà Giang được coi là vụ tiêu cực nghiêm trọng nhất trong lịch sử ngành giáo dục trong nhiều năm qua. Phụ huynh thì bức xúc, còn các em học sinh thì lo lắng cho tương lai của mình.
Hơn 1 năm xác minh, điều tra, sáng ngày 25/10/2019, Hội đồng xét xử (HĐXX) TAND tỉnh Hà Giang tuyên án sơ thẩm đối với 5 bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi trong kỳ thi THPT năm 2018 ở tỉnh này sau 4 ngày nghị án. Kết thúc xét xử vụ gian lận điểm thi ở Hà Giang, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài (cựu Trưởng phòng Khảo thí, Sở Giáo dục Đào tạo (GD-ĐT) Hà Giang bị tuyên phạt mức án cao nhất là 8 năm tù về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", bị cáo Vũ Trọng Lương 7 năm tù, bị cáo Triệu Thị Chính 2 năm tù, bị cáo Lê Thị Dung 2 năm tù; cấm đảm nhiệm chức vụ quản lý trong ngành giáo dục 1 năm; bị cáo Phạm Văn Khuông 1 năm tù, cho hưởng án treo, thời gian thử thách 2 năm.
Ngoài 5 bị cáo nêu trên, ngay sau đó, Ủy ban Kiểm tra tỉnh ủy Hà Giang đã có thông báo về việc xem xét xử lý kỷ luật 151 cán bộ, đảng viên liên quan tới nâng điểm thi cho con em mình trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang. Trong số này có bà Nguyễn Thị Nga (chuyên viên Sở Tài chính Hà Giang, vợ ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang) đã bị Đảng ủy khối cơ quan - doanh nghiệp tỉnh Hà Giang kỷ luật khiển trách.
Phiên tòa xét xử gian lận thi cử tại Hà Giang
Ngày 11/5/2020, TAND tỉnh Hòa Bình đã đưa 15 bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi THPT năm 2018 ra xét xử sơ thẩm về các tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, đưa hối lộ và nhận hối lộ. Phiên tòa diễn ra trong một tuần.
Ngày 21/5/2020, sau 06 ngày xét xử, 04 ngày nghị án, Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình đã tuyên án đối với 15 bị cáo liên quan đến vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia 2018 tại Hòa Bình. 15 bị cáo gồm: Nguyễn Quang Vinh (trưởng phòng khảo thí, phó trưởng ban chấm thi) 8 năm tù; Đỗ Mạnh Tuấn 10 năm tù; Khương Ngọc Chất, 6 năm tù; Phùng Văn Thụ 15 tháng tù treo; Diệp Thị Hồng Liên 3 năm tù; Nguyễn Khắc Tuấn 5 năm tù; Nguyễn Đức Hoàng 2 năm tù treo; Nguyễn Tân Hưng 18 tháng tù treo; Quách Thanh Phúc 18 tháng tù treo; Lê Thị Hồng 30 tháng tù treo và 4 cựu giáo viên Nguyễn Thị Thu Loan 2 năm tù; Nguyễn Thị Hồng Chung 21 tháng tù; Bùi Thanh Trà 18 tháng tù treo và Đào Ngọc Thuật 30 tháng tù bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015. Đỗ Mạnh Tuấn là bị cáo duy nhất bị xét xử thêm tội nhận hối lộ theo điều 354. Bị cáo Hồ Chúc 30 tháng tù bị xét xử tội đưa hối lộ theo điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Các bị cáo được dẫn giải ra tòa
Ngày 29/5/2020, sau 06 ngày xét xử và hai ngày nghị án, Tòa án nhân dân tỉnh Sơn La đã kết thúc phiên tòa, tuyên án đối với 12 bị cáo trong vụ án gian lận thi THPT quốc gia 2018 tại Sơn La. Bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga, 19 năm 6 tháng tù; Lò Văn Huynh, 21 năm tù; Cầm Thị Bun Sọn, 10 năm tù; Trần Xuân Yến, 9 năm tù, cấm đảm nhiệm chức vụ 5 năm và phạt tiền 50 triệu đồng; Đặng Hữu Thủy, 8 năm tù, phạt 20 triệu đồng; Đỗ Khắc Hưng, 3 năm tù; Nguyễn Thanh Nhàn, 30 tháng tù, phạt tiền 20 triệu đồng; Đinh Hải Sơn, 24 tháng tù, hưởng án treo; Nguyễn Minh Khoa, 8 năm tù; Trần Văn Điện, 9 năm tù, phạt 10 triệu đồng; Hoàng Thị Thành, 36 tháng tù, hưởng án treo và Lò Thị Trường, 30 tháng tù, hưởng án treo. Hai bị cáo Thành và Trường đã được trả tự do ngay tại tòa.
Phiên tòa xét xử gian lận thi cử tại Sơn La
Khắc phục lỗ hổng trong quy trình thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia
Ngay sau khi thông tin bất thường trong điểm thi xảy ra tại Hà Giang, Sơn La, Hoà Bình, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo giao Bộ Công an chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra xử lý nghiêm những sai phạm theo đúng quy định của pháp luật. Thủ tướng đã giao ngành giáo dục đào tạo rà soát lại quy trình tổ chức kỳ thi; khẩn trương tìm cách khắc phục những lỗ hổng trong quy trình tổ chức thi tốt nghiệp; tổ chức chấm thẩm và định ở những địa phương có dấu hiệu bất thường. Và thực tế thời gian qua cho thấy công tác xét xử cũng đã được thực hiện kịp thời, lấy lại niềm tin của xã hội.
Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh: Cần xem quy định về sự phối hợp giữa các bộ phận trong Sở Giáo dục và Đào tạo ở các địa phương đã đủ chặt chẽ chưa. Nếu có sự quản lý không chặt chẽ của lãnh đạo ngành giáo dục đào tạo các địa phương trong yêu cầu đảm bảo khách quan, chính xác trong kỳ thi này thì cần kiểm điểm lại. Trách nhiệm của ngành giáo dục phải kiểm tra xác suất ở một số địa phương, chỉ đạo của ngành giáo dục đối với công tác tổ chức thi tốt nghiệp ở các địa phương đã hợp lý hay chưa? Quá trình triển khai tổ chức thi tốt nghiệp ở các địa phương đã được tổ chức bài bản như thế nào?
Ông Nguyễn Minh Thuyết, Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII cho rằng biện pháp gì thì cũng có cả nhưng vấn đề chính là con người. Phải chọn được những con người đáng tin cậy và phải chống được những hành vi vi phạm có tổ chức. Đấy là điều sợ nhất, cùng với đó phải có biện pháp mạnh mẽ để những kỳ thi sau nghiêm túc hơn; xử lý kỷ luật thật nghiêm thì tự khắc mọi việc sẽ đi vào nề nếp.
Đánh gía cao công tác xét xử với bản án nghiêm minh dành cho các đối tượng vi phạm gian lận thi cử năm 2018 thời gian qua, cử tri cho rằng hành vi của các bị cáo là nguy hiểm và ảnh hưởng đặc biệt xấu cho xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành giáo dục. Cử tri mong muốn kỳ thi trung học phổ thông tới đây, ngành giáo dục cần có những giải pháp quyết liệt, thận trọng; tăng cường giám sát và lựa chọn đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, có năng lực đảm nhiệm, công tâm thực hiện nhiệm vụ cao cả, lấy lại niềm tin cho các em học sinh và nhân dân.
Bà Vũ Phương Liên, cử tri phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội bày tỏ: "Tôi thấy rằng vụ tiêu cực xảy ra năm 2018 là quá nghiêm trọng để lại những tổn thất, thiệt hại nặng nề cho ngành giao dục. 3 vụ án về gian lận thi cử, sửa chữa điểm của 3 tỉnh Hoà Bình, Hà Giang và Sơn La và tới nay Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với Bộ Công an cũng đã xử lý làm triệt để. Chúng tôi thấy rằng đó là một sự giảỉ quyết, xử lý thích đáng. Đó là sự đau lòng, là bài học xương máu cho ngành giáo dục".
Bà Nguyễn Xuân Dung, cử tri quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội cho rằng: Tôi thấy rằng ngành giáo dục cần tăng cường công tác coi chấm thi, đẩy mạnh công tác giám sát để không xảy ra những hiện tượng gian lận và phòng chống hơn là xảy ra làm mất đảng viên, mất cán bộ và mất chính tương lai của các em học sinh. Vừa rồi, tôi thấy như thế là đã xét xử rất nghiêm minh và rất tiếc vì để đào tạo nên những cán bộ trong ngành giáo dục là rất khó khăn. Tôi mong muốn ngành giáo dục nên là quan tâm tới công tác phòng bị hơn là để đến lúc xảy ra.
Như khẳng định của Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, những bất thường về điểm thi đã được Bộ nghiêm túc lắng nghe, cầu thị và khẩn trương chỉ đạo giải quyết sai phạm của cá nhân, đơn vị liên quan tại Hà Giang, Hoà Bình, Sơn La. Bản án cho các đối tượng sai phạm điểm thi tại ba địa phương tới nay cũng đã được xét xử nghiêm minh, thấu đáo. Điều này cho thấy quyết tâm của ngành giáo dục lập lại kỷ cương, tạo công bằng, minh bạch cho kỳ thi. Tuy nhiên, qua vụ việc này cho thấy mặc dù quy trình tổ chức thi tương đối chặt chẽ nhưng người thực thi lại có vấn đề.
Năm 2018 xảy ra vụ việc gian lận thi cử lớn nhất trong lịch sử ngành giáo dục nước nhà, gây mất lòng tin của nhân dân và học sinh vào chất lượng đổi mới giáo dục. Sau Hà Giang, mới đây, tháng 5 năm 2020, vụ án gian lận thi cử năm 2018 được tiếp tục được xét xử tại hai tỉnh Hoà Bình và Sơn La để lại nhiều xót xa trong nhân dân và toàn xã hội. Người trong cuộc, những đối tượng nâng điểm, gian lận đã nhận bản án thích đáng. Nhưng có một điều, xã hội và cộng đồng không khỏi chua xót trước thực trạng suy thoái đạo đức đã và đang diễn ra hàng ngày.
Trước thực trạng đó, tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá 14, Đại biểu Thái Trường Giang đã có chất vấn Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề tiêu cực trong thi cử năm 2018, đồng thời đề nghị xem xét, đánh giá lại hiệu quả thực chất của việc nhập hai kỳ thi THPT và tuyển sinh đại học cao đẳng … nhằm hạn chế thấp nhất tiêu cực trong thi cử. Nội dung chất vấn của đại biểu nêu rõ: Một vấn đề mà toàn xã hội quan tâm, đó là giáo dục và đào tạo. Những gì đang diễn ra trong thời gian gần đây buộc tất cả chúng ta không khỏi lo lắng, đôi khi còn nghi ngờ vai trò là quốc sách hàng đầu của giáo dục đào tạo. Tiêu cực trong thi cử năm 2018 là giọt nước làm tràn ly buộc ngành giáo dục phải xem xét và đánh gía lại hiệu quả thực chất của việc nhập hai kỳ thi phổ thông trung học và tuyển sinh đại học. Phải xem lại phương pháp coi thi, phương pháp chấm thi nhằm hạn chế thấp nhất tiêu cực trong thi cử. Nếu như trước đây tiêu cực trong thi cử chỉ diễn ra nhỏ lẻ thì ngày nay lại chuyển thành gian lận có tổ chức, có quy mô lớn hơn, tinh vi hơn, diễn ra ở nhiều địa phương do những người có chức, có quyền, có tiền, có thế lực trong và ngoài ngành giáo dục thực hiện. Tôi có thể gọi hành động gian lận thi cử năm 2018 là hành vi ăn cướp, là vô liêm sỉ vì đã đánh mất cơ hội, đánh mất tương lai của các cháu học thật và thi thật. Hành động gian lận thi cử đang làm băng hoại nền tảng xã hội, nền giáo dục của nước nhà. Tôi đề nghị Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng, đánh giá trúng thực chất những tồn tại của ngành giáo dục để có những giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để cứu vãn nền giáo dục nước nhà.
Ngay sau khi đại biểu chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã có phần giải trình trước Quốc hội. Bộ trưởng khẳng định: Đổi mới thi, kiểm tra, đánh gía chất lượng giáo dục là một trong 9 nhóm nhiệm vụ quan trọng để thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, khắc phục tình trạng một năm có 3 kỳ thi liền kề Đại học, Cao đẳng và tốt nghiệp rất nặng nề. Tuy nhiên, năm 2018 xảy ra tình trạng gian lận tại một số địa phương. Đặc biệt là khâu chấm thi gây bức xúc trong dư luận xã hội. Rà soát lại toàn bộ quy trình thi: Trước hết về nguyên nhân, trách nhiệm của Bộ cũng như cá nhân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phụ trách ngành xin nhận trách nhiệm: Thứ nhất là phần mềm thi trắc nghiệm vẫn còn lỗ hổng kỹ thuật dẫn tới kết quả là một số người xấu lợi dụng làm sai lệch kết quả thi; thứ hai là công tác quán triệt quy chế thi và các hướng dẫn nghiệp vụ chưa được chi tiết ở một số địa phương về khâu chấm thi; thứ ba là công tác thanh kiểm tra chưa thực sự sâu xát trong các khâu, đặc biệt là khâu chấm thi ở một số địa phương. Về phía địa phương, Ban chỉ đạo thi cũng như Hội đồng thi cấp địa phương theo phân cấp cũng chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình. Đặc biệt là công tác chọn cán bộ tham gia thi chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu dẫn đến chủ động thông đồng và kết nối với nhau để làm gian lận này.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ
Bộ trưởng cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh về gian lận năm 2018, Bộ Giáo dục và đào tạo đã cử đoàn thanh tra để kiểm tra và đã có văn bản đề nghị Bộ công an phối hợp và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo hết sức quyết liệt phải làm nghiêm. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an đã phối hợp kịp thời, điều tra, xác minh và bước đầu đã có những kết quả, những em được nâng điểm đã chấm đưa về điểm thật, các em không đủ điểm thi đã bị trả lại về địa phương. Bộ đã tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm trong toàn ngành qua cuộc họp trực tuyến, Bộ Công an đã rất tích cực trong việc khởi tố bị can và những đối tượng liên quan, sẽ nghiêm khắc xử lý các đối tượng gian lận. Bộ cũng đề nghị các địa phương xem xét đưa ra khỏi ngành những cá nhân, những đối tượng vi phạm, những học sinh có dấu hiệu vi phạm đã bị cơ quan điều tra xác minh".
Qua phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo có thể thấy Chính phủ, Bộ đã nhìn nhận được vấn đề và có những giải trình cụ thể để khắc phục. Đặc biệt, ngành Giáo dục và Đào tạo đã kịp thời triển khai những giải pháp như tăng cường quán triệt quy chế thi và tâp huấn kỹ; điều các cán bộ coi thi có năng lực đạo đức và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt với công tác chấm thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trực tiếp chỉ đạo và giao cho các trường đại học đứng ra phụ trách. Đặc biệt là phần mềm, nâng cấp và mã hoá toàn bộ dữ liệu và đánh fax, cũng như lắp camera để giám sát chặt chẽ kỳ thi. Đối với bài thi tự luận, Bộ quy định sẽ chấm thành hai vòng, 5% chấm thử nghiệm và những bài điểm cao sẽ chấm lại để kỳ thi đảm bảo chính xác an toàn.
Vậy giải pháp cụ thể, sự vào cuộc của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ được thực hiện như thế nào? Đại biểu kỳ vọng gì vào những giải pháp thực tế của ngành giáo dục đưa ra trong thời gian tới? Phóng viên Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Truyền hình Quốc hội Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Thái Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau về vấn đề này.
Đại biểu Thái Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau
Phóng viên: Thưa Đại biểu, xuất phát từ thực tế nào, đại biểu có phần nội dung chất vấn với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV?
Đại biểu Thái Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Tôi có chất vấn và tranh luận với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ ở nội dung là gian lận kỳ thi năm 2018 diễn ra ở các địa phương. Việc gian lận đó làm cướp mất cơ hội của những em học sinh cùng thi vào năm 2018, ngay sau đó như bạn đã biết kết quả đã xử lý hình sự ở các tỉnh, các địa phương quy trách nhiệm cho những cá nhân và tổ chức liên quan và các em học sinh sai lệch điểm thi đã được chấm lại trở về điểm thật. Tôi đánh giá cao sự phối hợp của ngành giáo dục và đào tạo, của các đơn vị có chức năng, đặc biệt là Bộ Công an sớm điều tra, vào cuộc, xác minh và đưa vụ án ra ánh sáng.
Phóng viên: Ngay sau chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Giáo dục và đào tạo đã trực tiếp trả lời đại biểu tại nghị trường, đánh giá của đại biểu về phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo?
Đại biểu Thái Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Ở lần đó, Bộ trưởng có nói rằng là sẽ rà roát, phối hợp cùng các ngành chức năng kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật, không có vùng cấm. Những người vi phạm pháp luật trong kỳ thi đó đã được xét xử nghiêm minh. Từ bài học vụ việc gian lận điểm thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018, nhiều nội dung, vấn đề trong hoạt động thi cử được thảo luận, phân tích dưới nhiều góc độ. Và có một điều phải thừa nhận rằng: Nếu những sai sót từ phía cán bộ giáo dục thì ngành giáo dục cần nghiêm túc xem xét trách nhiệm của cá nhân, đơn vị liên quan xảy ra sai phạm; đồng thời thanh tra toàn diện, tiến hành thẩm định, lấy lại niềm tin của xã hội với ngành giáo dục.
Phóng viên: Đánh giá của đại biểu về những giải pháp mà ngành giáo dục và đào tạo đưa ra trong công tác xử lý những vụ việc vi phạm đặc biệt là vụ gian lận thi cử năm 2018?
Đại biểu Thái Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Theo phân cấp thì phải xử lý nghiêm minh những người có quyền và nghĩa vụ liên quan, những người quản lý. Việc này do cơ quan điều tra ở các địa phương sẽ làm nhưng tôi hy vọng cần phải minh bạch, công khai, làm rõ, xử lý tới nơi tới chốn những người có quyền và nghĩa vụ liên quan tới vấn đề đó. Xử lý như vậy mới mang lại sự đồng thuận cao của xã hội. Theo tôi kết quả xét xử vừa rồi thể hiện sự phối hợp tốt giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với các cơ quan chức năng kịp thời xử lý vấn đề vi phạm rất lớn đã xảy ra trong ngành giáo dục.
Phóng viên: Được biết, tới nay công tác xử lý các vụ vi phạm đã và đang được thực hiện, đánh giá của đại biểu về sự vào cuộc kịp thời của Bộ công an cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xử lý đối tượng vi phạm trong vụ gian lận thi cử năm 2018 ?
Đại biểu Thái Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Hành vi gian lận đó đã được đưa ra xét xử kịp thời. Tuy nhiên, cần công tâm, khách quan, xử lý đúng người, đúng tội, đúng hành vi vi phạm của họ. Chứ không phải xử lý một vài người cầm đầu trong vụ án đó. Trong khi đó, cơ sở để họ cầm đầu, họ gian lận xuất phát từ sự gửi gắm con em của người này, người khác. Tôi đề nghị cần thiết phải làm rõ vấn đề. Tôi hy vọng là các cơ quan chức năng, bảo vệ pháp luật và cơ quan công an, ngành tư pháp tiếp tục thực hiện tốt để đem lại công bằng, minh bạch, rõ ràng và xử lý tất cả những người có liên quan theo quy định của pháp luật.
Phóng viên: Theo đại biểu thời gian tới, ngành giáo dục và đào tạo cần có những giải pháp gì để hạn chế tối đa nhưng vụ gian lận thị cử?
Đại biểu Thái Trường Giang, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau: Qua vụ việc năm 2018, kỳ thi năm 2019 và tới đây là năm 2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có nhiều thay đổi, phối hợp với địa phương, có những quy đinh rất cụ thể về cán bộ nào không được coi thi, chấm thi. Phối hợp giữa các lực lượng với nhau trong vấn đề coi thi, chấm thi, sử dụng các camera giám sát, khắc phục lỗi những cá nhân phối hợp với nhau vi phạm như kỳ thi năm 2018. Tôi hy vọng thời gian tới, việc gian lận thi cử sẽ chấm dứt. Tất nhiên là trong sự phối hợp đó, cần phải nghiêm túc ở các địa phương, vì có thể lần này vi phạm theo kiểu như vậy nhưng lần khác, khả năng gian lận ở mức độ khác hoặc chuyển sang hình thái khác thì cũng cần phải xem xét và rút kinh nghiệm để xử lý cho tốt.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!
Nhìn lại vụ việc gian lận điểm thi năm 2018 tại Hà Giang, Hoà Bình, Sơn La thời gian qua, nhân dân không khỏi băn khoăn: Nếu vụ việc không được phanh phui và xử lý thì sẽ gây hệ quả lớn cho xã hội như thế nào? Vì vụ lợi cá nhân, hay vì bệnh thành tích mà những người đã từng là cán bộ trong hội đồng thi tại địa phương đó lại tự cho mình cái quyền đổi trắng thay đen, quyền tước đi tương lai, tước đi cơ hội vào đại học của hàng trăm học sinh có thực lực thật sự. Theo các Đại biểu Quốc hội, mất cơ hội học tập đã là thiệt thòi, nhưng có lẽ mất mát lớn hơn chính là mất lòng tin của thế hệ trẻ, của xã hội vào sự thiếu trung thực của những người làm công tác giáo dục, những người đang giữ sứ mệnh cao quý - sự nghiệp trồng người, gây mất uy tín, công bằng trong xã hội./.