ĐBQH NGUYỄN VĂN CẢNH GÓP Ý VỀ DỰ ÁN LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

18/08/2020

Tại kỳ họp 9 Quốc hội khóa XIV, thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng, việc đưa hình thức xử phạt lao động công ích vào Luật sẽ giảm đáng kể hành vi vi phạm pháp luật hành chính của thanh niên.

 

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định góp ý hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật xử lý vi phạm hành chính

Tại phiên thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh tham gia đóng góp một số nội dung sau:

Liên quan đến quy định ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh bày tỏ sự ủng hộ với các quan điểm là vi phạm hành chính cần được ngăn chặn kịp thời, tuy nhiên, quy định ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình sản xuất, kinh doanh dịch vụ mà không cụ thể được cho từng vụ việc sẽ khó khả thi.

Theo đó, đại biểu cho rằng việc cắt điện, nước trong xây dựng công trình sản xuất, kinh doanh dịch vụ có thể sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của bên không liên quan đến hành vi vi phạm và cần tránh việc bổ sung quy định để giải quyết một sự việc trái pháp luật nhưng lại gây ra thiệt hại lớn hơn. Do đó, nếu luật bổ sung nội dung ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất kinh doanh dịch vụ như một biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm thì luật cần bổ sung một số nội dung kèm theo như việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước không làm ảnh hưởng đến lợi ích, hoạt động bình thường của các cá nhân, tổ chức không liên quan đến hành vi vi phạm.

Liên quan đến các hình thức xử lý vi phạm hành chính, đại biểu bày tỏ sự ủng hộ đối với đề xuất bổ sung một hình thức xử lý vi phạm hành chính là hình phạt lao động công ích. Theo đại biểu, hình thức xử lý vi phạm bằng hình phạt lao động công ích đã được đưa ra thảo luận tại Quốc hội khi hoàn thiện dự thảo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, nếu hoàn cảnh và đối tượng áp dụng phù hợp thì hình thức này cùng với 5 hình thức hiện có sẽ góp phần nâng cao hơn hiệu lực, hiệu quả của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Ngoài ra, để phù hợp với điều kiện hạ tầng, nhân lực, văn hóa của Việt Nam, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, chỉ áp dụng hình thức xử phạt lao động công ích đối với người vi phạm có độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi do đây là độ tuổi quy định trong Luật Thanh niên, Quốc hội vừa thông qua. Theo đó, Luật Thanh niên có quy định: “Trách nhiệm của thanh niên đối với nhà nước và xã hội là gương mẫu chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện nghĩa vụ công dân, tham gia giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng, an ninh quốc gia”, vì vậy, thanh niên vi phạm cần được xử phạt, giáo dục kịp thời. Hình thức phạt tiền sẽ không đạt hiệu quả cao khi nhiều người ở độ tuổi này được hỗ trợ tài chính từ người thân và chưa bị áp lực cao về tài chính từ người lệ thuộc, những vi phạm hành chính cần được áp dụng hình thức xử phạt lao động công ích là những trường hợp thực hiện vi phạm được quy định tình tiết tăng nặng trong luật này. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định không áp dụng hình thức này đối với người vi phạm đã thực hiện các hành vi được quy định là tình tiết giảm nhẹ tại khoản 1, khoản 2, khoản 5 của Điều 9 vì họ đã nhận thức được rõ hành vi vi phạm của mình hoặc những người vi phạm không đủ sức khỏe, nhận thức để thực hiện lao động công ích. Nơi thực hiện lao động công ích có thể là nơi vi phạm, nơi cư trú hoặc nơi học tập, làm việ; tổ chức giám sát là chính quyền nơi vi phạm, nơi cư trú, nơi học tập và nơi làm việc.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cho rằng, việc đưa ra hình thức xử phạt lao động công ích vào luật sẽ giảm đáng kể hành vi vi phạm pháp luật hành chính của thanh niên. Nếu Quốc hội thông qua việc đưa hình thức xử phạt lao động công ích vào luật thì cần giao Chính phủ quy định cụ thể về đối tượng áp dụng, loại hình công việc, nơi thực hiện, thời gian thực hiện, tổ chức giám sát và các nội dung có liên quan.

Theo đại biểu, tại Điều 11 quy định về những trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính gồm: thực hiện hành vi vi phạm hành chính trong tình thế cấp thiết, do phòng vệ chính đáng, do sự kiện bất ngờ, do sự kiện bất khả kháng, do không có năng lực trách nhiệm hành chính và người thực hiện vi phạm hành chính chưa đủ tuổi xử phạt vi phạm hành chính. Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị luật cũng cần diễn giải cụ thể hơn các trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính, vì đây là quyền lợi chính đáng của công dân, chính phủ cần cụ thể hơn đối với từng ngành, lĩnh vực để khi áp dụng trong thực tiễn sẽ giảm thiểu được những trường hợp bị oan do công dân được liệt kê vào các hành vi vi phạm nhưng không bị xử lý. 

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cũng đề nghị ngoài 6 trường hợp người vi phạm pháp luật hành chính không chịu xử phạt vi phạm hành chính, cần bổ sung thêm một trường hợp không xử phạt vi phạm hành chính là khi hành vi vi phạm pháp luật hành chính đó được thực hiện vì thiện chí. Ngoài ra, những trường hợp công dân hành động thiện chí thì trong quá trình xử lý vi phạm, nếu cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu họ làm việc để giải quyết các vấn đề liên quan tới vi phạm hành chính thì phải ưu tiên giải quyết công việc mà họ liên quan tại nơi họ sinh sống hoặc nơi họ làm việc, chứ không phải theo yêu cầu của cơ quan nhà nước, như vậy mới khuyến khích công dân thực hiện nhiều hành vi đạo đức trong xã hội./.

Minh Thành