ĐBQH ĐINH DUY VƯỢT CHẤT VẤN VỀ GIẢI PHÁP CẤP THIẾT ĐỂ GIẢI QUYẾT HẠN HÁN Ở TÂY NGUYÊN

20/08/2020

Đại biểu Đinh Duy Vượt - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu rõ định hướng chiến lược và các giải pháp tổng thể, khả thi, cấp thiết cũng như nguồn lực để giải quyết hạn hán ở khu vực Tây Nguyên.

Dưới sự chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vừa tổ chức Hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập”.

Tại Hội nghị, đại biểu Đinh Duy Vượt - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường về các giải pháp để giải quyết hạn hán ở khu vực Tây Nguyên.


Đại biểu Đinh Duy Vượt - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai đặt câu hỏi về các giải pháp để giải quyết hạn hán ở khu vực Tây Nguyên.

Đại biểu Đinh Duy Vượt - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: Tây nguyên là khu vực có tiềm năng vượt trội về đất đai, phát triển năng lượng tái tạo; là đầu nguồn của các sông lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long, các tỉnh miền Trung... Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã quan tâm đầu tư toàn diện cho Tây Nguyên phát triển như đầu tư 2.261 công trình thủy lợi, 1.150 hồ (số liệu từ năm 2014). Tuy nhiên, việc cấp nước cho khu vực nông thôn hiện chỉ đạt 40% và nước hợp vệ sinh theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế còn thấp vì chủ yếu nước ở khu vực Tây Nguyên là nước ngầm và nước mạch.

Theo Viện Quy hoạch thủy lợi, căn cứ tiêu chuẩn cấp cho nước sinh hoạt, nước cho lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, duy trì dòng chảy thì nguồn nước thiếu hụt toàn vùng Tây Nguyên từ năm 2020 đến năm 2030 là khoảng 4.980 triệu m3 cho đến 5.587m3. Thực tế cho thấy, năm nào Tây Nguyên cũng bị hạn hán khốc liệt và ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội, đời sống của nhân dân. Với bất cập trên, đại biểu Đinh Duy Vượt đề nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết định hướng chiến lược và các giải pháp tổng thể, khả thi, cấp thiết cũng như nguồn lực để giải quyết hạn hán ở khu vực Tây Nguyên.


Bộ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời câu hỏi của đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt.

Trả lời trực tiếp câu hỏi của đại biểu Đinh Duy Vượt, Bộ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: Khu vực Tây Nguyên có tài nguyên về đất đỏ ba gian, tài nguyên rừng trù phú như nơi đây cũng đang bị tác động rất lớn của biến đổi khí hậu. Đặc biệt, lũ lụt cũng tác động rất lớn đến khu vực này nên Tây Nguyên phải chuẩn bị tinh thần khắc phục cả ngập úng và hạn hán. Bởi lẽ, những năm gần đây, dân số ở khu vực Tây Nguyên tăng quá nhanh. Bên cạnh đó, việc phát triển diện tích lâm nghiệp, đặc biệt là nhóm các cây công nghiệp cũng phát triển nhanh.

Trước những bất cập trên, Bộ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, đã đến lúc khu vực Tây Nguyên cần giảm dân số; tập trung phát triển chiều sâu hơn là bề rộng, sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng thì mới đảm bảo được nguồn tài nguyên nước. Việc thiết kế công trình, ở khu vực Tây Nguyên có hơn 1.000 hồ nhưng rất nhỏ, không đủ dự trữ nước so với nhu cầu. Nhằm giải quyết việc trữ nước để chống hạn hán, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường đưa ra 2 phương án. Thứ nhất là nâng cao công suất của hơn 1.000 hồ chứa nước này. Thứ hai, về nguồn lực, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tính toán đưa vào kế hoạch trung hạn hơn 9.000 tỷ đồng và đã trình Chính phủ để bổ sung một số hồ.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, điều quan trọng là phải tập trung khai thác những thế mạnh của các đập thủy lợi mới là các hồ ao, đập, hồ chứa nhỏ. Ngoài ra, Bộ cũng đã xây dựng đề án phát triển rừng Tây Nguyên để từ nay đến năm 2030 nâng độ che phủ ở khu vực này từ 46% lên 50%./.

Bích Lan