Một bé sơ sinh 23 ngày tuổi ở Thành phố Hà Nội bị mẹ bỏ rơi dưới hố ga suốt 40 giờ. Một bé gái ở quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh bị cha dượng đánh đập tàn nhẫn. Hay gần đây nhất (ngày 18/08), sự việc người dân phát hiện một cháu bé sơ sinh bị mắc kẹt tại khe tường giữa 2 ngôi nhà trong ngõ 174 Trâu Quỳ, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm... lại một lần nữa gây nhức nhối trong dư luận.
Việt Nam đã có một hệ thống pháp luật với những quy định chặt chẽ nhằm bảo vệ trẻ em một cách tối ưu. Tuy nhiên, những vụ việc đau lòng gây tổn hại trực tiếp đến sức khỏe, tinh thần thậm chí là cả tính mạng của trẻ sơ sinh nói riêng và trẻ em nói chung vẫn liên tiếp xảy ra. Vậy, đâu là nguyên nhân gốc rễ của vấn đề và cần làm gì để sớm khắc phục triệt để tình trạng này, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích của trẻ em. Cổng Thông tin điện tử đã ghi nhận ý kiến của đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh về vấn đề này.
Đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh
Phóng viên: Thưa đại biểu, thời gian gần đây, liên tiếp nhiều trường hợp trẻ sơ sinh bị bỏ rơi gây nhức nhối trong xã hội. Đại biểu có đánh giá như thế nào về thực trạng này?
Đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: Trong thời gian qua, có thể nhận thấy vấn đề trẻ sơ sinh bị bỏ rơi là thực trạng đáng báo động, gây nhức nhối trong xã hội. Đáng nói hơn, trong những năm gần đây, sự gia tăng của hành vi này đã diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước. Thật đau lòng khi thấy những đứa trẻ đã bị chính từ người mẹ của mình vứt bỏ ngay khi vừa lọt lòng tại các hố ga, bệnh viện, cổng chùa... Các trẻ này chỉ may mắn được sống sót nếu được sự cứu vớt kịp thời của những những người qua đường, của các ni sư, các Trung tâm Công tác xã hội...
Vấn đề trẻ bị bỏ rơi mới đây đã được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) tổ chức Hội thảo "Chia sẻ dự thảo báo cáo nghiên cứu nguyên nhân gốc rễ của việc bỏ rơi và từ bỏ trẻ em tại Việt Nam". Theo đó, nhóm phụ nữ có nguy cơ bỏ rơi con được chỉ ra bao gồm các bà mẹ tuổi vị thành niên, học sinh, sinh viên có thai ngoài ý muốn; phụ nữ trẻ trong khu công nghiệp; phụ nữ có vấn đề về sức khỏe, nhiễm HIV, tâm thần; các bà mẹ đơn thân, gặp khó khăn về kinh tế.
Phóng viên: Theo quan điểm của đại biểu thì đâu là nguyên nhân cơ bản của thực trạng này?
Đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: Nguyên nhân chính là do sự xuống cấp về đạo đức, thiếu kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục của một bộ phận thanh niên mới lớn, chưa ý thức được trách nhiệm và hậu quả nghiêm trọng do mình gây ra, đặc biệt với một số người mẹ lâm cảnh khó khăn, bị bệnh tật, không đủ sức vượt qua hoặc không dám đối mặt với dư luận khi mang thai ngoài ý muốn. Trong số này, không ngoại trừ các bà mẹ có con mắc bệnh hiểm nghèo đòi hỏi chi phí chữa trị cao như ung thư, bệnh tim hoặc bị dị tật nặng nề… khiến họ không đủ sức cứu chữa cho con, đành làm liều, chấp nhận từ bỏ con để hy vọng người hảo tâm, cộng đồng giúp đỡ khi gói con bỏ lại các bệnh viện, các cổng chùa... Bên cạnh đó, một số thanh niên nữ mới lớn vì không được trang bị kiến thức phòng tránh thai, khi có thai ngoài ý muốn đã không vượt được qua những rào cản của hoàn cảnh gia đình, trắc trở trong tình yêu, đổ vỡ trong hôn nhân…
Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của các nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, lực lượng công nhân, người lao động từ nhiều nơi đã tập trung về các thành phố lớn, trong đó khoảng hơn 50% là công nhân lao động nữ đang rất cần có nhà trẻ để gửi con chưa được đáp ứng, đặc biệt trước tình trạng gia tăng những phụ nữ đơn thân muốn có thai, sinh con nhưng không có điều kiện đáp ứng...
Phóng viên: Thời gian tới cần có những giải pháp mạnh mẽ nào để sớm khắc phục thực trạng đau lòng này thưa đại biểu?
Đại biểu Ngô Thị Minh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em và các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính với những vi phạm liên quan đến gia đình và trẻ em đều có đề cập đến nghĩa vụ thương yêu, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp đối với con cái của cha mẹ, cũng như chế tài xử phạt cụ thể nếu cha mẹ cố ý bỏ rơi con ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc con trẻ không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống…
Tuy nhiên, trên thực tế, việc tuyên truyền và thi hành các chế tài này còn chưa được ráo riết khiến nhiều người không biết hoặc không sợ. Chính vì thế, Nhà nước cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc, thực hiện và tuyên truyền mạnh hơn nữa đối với hành vi bỏ rơi con. Đặc biệt cần coi trọng hơn nữa công tác giáo dục cho lớp trẻ kiến thức về sức khỏe tình dục, sức khỏe sinh sản, thấy được trách nhiệm và hậu quả nghiêm trọng của hành vi bỏ rơi con. Đầu tư, phát triển, mở mang các nhà trẻ ở các cơ quan, xí nghiệp, các khu công nghiệp, khu chế xuất, đảm bảo nhu cầu gửi trẻ nhỏ dưới 24 tháng tuổi cho các bà mẹ trẻ. Điều này là thực sự cần thiết và đã được áp dụng khá hiệu quả ở nước ta những giai đoạn trước đây, nhằm góp phần hạn chế và kiểm soát được tình trạng này.
Chúng ta đều biết, gia đình là môi trường tốt nhất cho trẻ em phát triển. Vì thế, việc hỗ trợ các điều kiện cần thiết để các bà mẹ đơn thân, các bà mẹ thuộc các gia đình nghèo đủ sức đương đầu với khó khăn, vượt lên hoàn cảnh để nuôi con, chăm con là giải pháp cần thiết của các cấp chính quyền địa phương để tránh xảy ra những chuyện đau lòng như thời gian vừa qua. Có lẽ xã hội rất mong chính quyền và các đoàn thể cần tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao được tiếp cận thông tin, kiến thức và được thụ hưởng các điều kiện thiết yếu thông qua các mô hình dựa vào cộng đồng đã được nhiều địa phương trên cả nước xây dựng và vận hành có hiệu quả nhưng chưa được nhân rộng.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!