Dưới sự chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vừa tổ chức Hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập”.
Tại Hội nghị, Đại biểu Mai Sỹ Diến – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa cho biết: Ngày 18/7/2019, Bộ Công thương có văn bản 5095 đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn một số vấn đề liên quan đến hạ lưu công trình thủy điện cũng như việc điều hành hồ thủy điện để phòng chống hạn hán, thiếu nguồn nước sinh ra xâm nhập mặn.
Đại biểu Mai Sỹ Diến - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa chất vấn lãnh đạo Bộ Công thương tại Hội nghị.
Tuy nhiên, đại biểu Mai Sỹ Diến cho rằng, việc quy hoạch vùng ngập lụt, hạn hán ở vùng hạ du của các công trình thủy điện nên giao cho Ủy ban Nhân dân tỉnh trong tổ chức, quản lý, vận hành và xin ý kiến của các Bộ liên quan còn gặp khó khăn, vướng mắc. Về vấn đề này, Bộ Công thương đã có văn bản chỉ đạo kịp thời nhưng theo đại biểu Mai Sỹ Diến, việc phối hợp để đưa ra nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập, an toàn cho hàng triệu cho hàng triệu hộ dân vùng hạ du cũng rất quan trọng nhằm hạn chế thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Tại Hội nghị, đại biểu Mai Sỹ Diến yêu cầu Bộ Công thương cho biết trách nhiệm của Bộ trong việc phối hợp với các Bộ ngành, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trên như thế nào?
Trả lời câu hỏi của đại biểu Mai Sỹ Diến, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định: Theo Luật Thủy lợi và Nghị định 114 của Chính phủ về an toàn hồ đập quy định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du. Theo đó, 3 cơ quan có trách nhiệm xây dựng và phê duyệt bản đồ. Nếu vùng hạ du bị ảnh hưởng ngập lụt do 1 hồ đập thì chủ hồ đập có trách nhiệm xây dựng bản đồ ngập lụt cho vùng. Trong trường hợp, vùng hạ du bị ảnh hưởng do 2 hồ đập trở lên ở trên địa bàn của 1 tỉnh thì Ủy ban Nhân dân tỉnh có trách nhiệm lập bản đồ. Những trường hợp còn lại, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm lập bản đồ ngập lụt vùng hạ du.
Bộ Công thương là cơ quan chịu trách nhiệm Nhà nước về phát triển các dự án thủy điện đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương, chủ hồ đập trong việc chỉ đạo, phối hợp lập bản đồ ngập lụt vùng hạ du. Tuy nhiên, Luật Thủy lợi mới được ban hành và việc xây dựng bản đồ ngập lụt cũng mới được triển khai nên không phải tất cả các dự án thủy điện đều có bản đồ ngập lụt vùng hạ du. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương để sớm triển khai xây dựng bản đồ ngập lụt vùng hạ du theo quy định của Luật Thủy lợi cũng như Nghị định 114 của Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Về việc an toàn trong công tác xây dựng, vận hành các nhà máy, hồ chứa thủy điện: Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay, trên cả nước có trên 7.000 hồ đập (trong đó, chỉ có 429 công trình thủy điện có hồ chứa). Dung tích các hồ chứa thủy điện chiếm 56 tỷ m3 trên tổng số 70 tỷ m3 nước của các hồ chứa này (chiếm khoảng 86%). Điều đó cho thấy, việc xây dựng, vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu chúng ta vận hành tốt các hồ chứa thủy điện sẽ giúp chúng ta cắt giảm lũ trong mùa mưa và trong mùa hạn hán thì các hồ chứa giúp chúng ta đảm bảo an ninh nguồn nước. Tuy nhiên, nếu chúng ta xây dựng, vận hành không tốt thì các hồ chứa cũng tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho an toàn phía hạ du.
Nhận thức được tầm quan trọng của các hồ chứa thủy điện, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng cho biết: Thời gian qua, Bộ Công thương đã chịu trách nhiệm báo cáo với Thủ tướng Chính phủ xây dựng quy hoạch các dự án thủy điện. Theo đó, chỉ quy hoạch những dự án thủy điện có hiệu quả kinh tế, hạn chế ngập lụt, hạn chế ảnh hưởng môi trường. Ngay trong quá trình chuẩn bị thi công, Bộ Công thương đã chỉ đạo các công trình thủy điện, hồ đập phải được xây dựng an toàn. Trong giai đoạn vận hành các hồ chứa, hồ đập thủy điện cũng phải đảm bảo an toàn, hiệu quả nhất.
Mặc dù đã được sự chỉ đạo, quan tâm nhưng trong thời gian qua, một số hồ thủy điện xả nước trong mùa lũ nên gây ra ngập lụt phía hạ du. Ngoài ra, còn có một số sự cố trong quá trình xây dựng các công trình thủy điện vừa và nhỏ thuộc trách nhiệm quản lý của các địa phương. Tuy nhiên, Bộ Công thương đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các địa phương thực hiện các giải pháp hạn chế tối đa những thiệt hại mà sự cố xảy ra trong quá trình xây dựng như ở Đắk Nông, Hà Giang đối với các dự án thủy điện đang vận hành. Vì vậy, trong thời gian tới, Bộ Công thương tiếp tục hoàn thiện công tác quản lý qua việc xây dựng cơ chế, chính sách để quản lý, khai thác, vận hành các dự án thủy điện, hồ chứa một cách an toàn, hiệu quả nhất./.