Đại biểu Nguyễn Phi Thường – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội tại phiên thảo luận Tổ
Phát biểu tại phiên thảo luận Tổ, góp ý về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Phi Thường – Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội bày tỏ thống nhất về quan điểm phải sửa đổi mặc dù Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 cũng đã rất là tiến bộ, nhưng trước những thực tiễn phát sinh thì điều chỉnh của Luật là không theo kịp. Chính vì thế mà việc sửa đổi rất là cần thiết và mục tiêu cao nhất của sửa đổi lần này là cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân. Đại biểu chỉ rõ, những yếu tố mới như cân bằng sinh thái và phát triển kinh tế bền vững, trong đó có cả những yếu tố liên quan đến biến đổi khí hậu, đồng bằng sông Cửu Long...
Làm rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ quan trong công tác bảo vệ các loại môi trường
Góp ý vào quy định về bảo vệ môi trường nước, đại biểu Nguyễn Phi Thường đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bố cục trình bày mục bảo vệ môi trường nước bảo đảm tách bạch rõ ràng quy định trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Tài nguyên môi trường thành những điều khoản độc lập và không lồng ghép vào những điều khoản liên quan khác. Cụ thể là bổ sung Điều 12, trách nhiệm Bộ Tài nguyên Môi trường, Điều 13 là trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và mỗi điều thì phải bao gồm các điều khoản tương ứng với mục bảo vệ môi trường nước (lượng nước mặn, nước dưới đất và nước biển)
Đồng thời đề nghị quy định Bộ Tài nguyên Môi trường phải có trách nhiệm chính trong việc đánh giá khả năng chịu tải môi trong nước đối với lưu vực sông Hồng liên tỉnh; bổ sung trách nhiệm Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc hướng dẫn, hỗ trợ Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đánh giá khả năng chịu tải, ban hành hạn ngạch xả khi các Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nhu cầu. Trong những trường hợp đặc biệt phức tạp mà đòi hỏi phải có chuyên môn cao mà khả năng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chưa đáp ứng được thì Bộ phải có trách nhiệm hướng dẫn, phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh để thực hiện.
Về bảo vệ môi trường nước dưới đất được quy định gọn ở trong Điều 10 của dự thảo, quy định 6 nội dung liên quan đến bảo vệ nước dưới đất, đại biểu Nguyễn Phi Thường chi rõ, Khoản 7 Điều 10 quy định việc bảo vệ môi trường nước dưới đất phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước và pháp luật có liên quan. Tuy nhiên, Luật Tài nguyên nước thì chỉ tập trung chủ yếu quy định về vấn đề khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên, chống suy thoái, cạn kiệt cho nên việc bảo vệ môi trường nước dưới đất chỉ quy định 6 nguyên tắc cơ bản và viện dẫn trong Luật Tài nguyên nước và luật pháp luật có liên quan làm quy định. Đại biểu cho rằng quy định này còn mù mờ và còn khiếm khuyết. Do đó, đại biểu đề nghị là bổ sung quy định cụ thể chi tiết hơn về bảo vệ môi trường nước dưới đất, bổ sung trách nhiệm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, của Bộ Tài nguyên môi trường trong việc bảo vệ môi trường nước dưới đất. Quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc cấp phép, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động khoan giếng, thăm dò, các cơ sở sử dụng chất độc hại, chất phóng xạ, các kho chứa hóa chất…
Về bảo vệ môi trường không khí, cho biết hiện nay trong dự thảo chỉ quy định liên quan đến khí thải, đại biểu Nguyễn Phi Thường đặt câu hỏi những yếu tố như bụi mịn, trường hợp đốt rơm rạ, sử dụng than tổ ong trong sinh hoạt thì xếp trường hợp nào trong dự thảo. Nhấn mạnh chất lượng không khí hiện nay đang là một trong mối quan tâm hàng đầu của người dân, tuy nhiên, dự thảo chưa đưa ra được một biện pháp cụ thể nào để cải thiện chất lượng không khí trong tương lai, còn quy định chung và nội dung mù mờ trách nhiệm giữa Bộ ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Bộ Tài nguyên Môi trường chưa có vai trò nổi bật, chủ trì trong công tác quản lý để đảm bảo chất lượng không khí. Trách nhiệm quản lý môi trường không khí lại được trải đều cho các bộ, các cơ quan ngang bộ trong lĩnh vực phạm vi quản lý trong Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Do đó, đại biểu đề nghị dự thảo Luật sửa đổi theo hướng làm rõ vai trò, trách nhiệm Bộ Tài nguyên môi trường trong công tác bảo vệ môi trường không khí. Quy định rõ cụ thể trách nhiệm Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có nguồn gây ô nhiễm không khí trong việc phối hợp xử lý thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bị gây ô nhiễm. Quy định cụ thể hơn về việc kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm không khí.
Tạo cơ chế thực thi hiệu quả trên thực tế
Về quản lý chất thải, đại biểu Nguyễn Phi Thường cho rằng dự thảo Luật lần này đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định trong những tiến bộ hơn, chi tiết hơn, chặt chẽ hơn; đánh giá đây là một trong những chương quy định chi tiết nhất, cụ thể nhất là trong dự thảo trình lên Quốc hội lần này. Song đại biểu cũng cho rằng để bảo đảm hiệu quả thực thi của các quy định quản lý chất thải thì không chỉ là chi tiết chặt chẽ mà còn phải tạo cơ chế để thực thi được.
Đại biểu chỉ rõ: Một là việc quy định các cơ sở sản xuất nhập khẩu các sản phẩm nhựa hoặc sản phẩm có bao bì nhựa có trách nhiệm thu hồi, tái chế sản phẩm nhựa bao bì nhựa phát sinh từ sản phẩm tại khoản 5 Điều 77 của dự thảo Luật cần được xem xét lại. Nhiều cơ sở nhập khẩu chỉ có hoạt động thương mại, mua đi bán lại không phải là cơ sở sản xuất thì liệu có đủ khả năng để thu hồi, để tái chế sản phẩm nhựa, bao bì nhựa. Ngoài ra, quy định đồng nghĩa với việc các cơ sở phải tự tổ chức việc thu hồi. Trong trường hợp các cơ sở tự thu hồi có bố trí được địa điểm để thu hồi nhưng người dân không thực hiện thì các sản phẩm nhựa, bao bì nhựa đó sẽ được xử lý thế nào. Vì vậy, đại biểu cho rằng cần có cơ chế để đảm bảo quy định trên không gây khó khăn cho doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có thể tự tổ chức các điểm thu gom, đồng thời có thể thông qua dịch vụ công của Nhà nước và đặc biệt làm sao đó để tạo ra đóng góp chi phí phục vụ cho việc thu hồi và tái chế.
Hai là, toàn bộ nội dung liên quan đến phân loại chất thải rắn sinh hoạt được mở đầu bằng cụm từ khuyến khích, như vậy đến bao giờ chúng ta mới thực sự làm được vấn đề này. Trong khi việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn là vấn đề có tầm quan trọng lớn, nói cách khác là quan trọng nhất ở trong việc xử lý vấn đề bảo vệ môi trường có liên quan đến chất thải rắn. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất và quy định cụ thể lộ trình thực hiện bắt buộc việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt đầu nguồn, không thể duy trì chủ trương khuyến khích một cách vô thời hạn như vậy được.
Về kinh phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân, đại biểu nêu rõ quy định về nguyên tắc xác định kinh phí được tính dựa trên khối lượng phát sinh và loại chất thải nghe thì có vẻ rất là khoa học, hợp lý nhưng việc thực hiện không hề đơn giản. Đại biểu cho biết, hiện nay, việc thu phí rác thải đang thực hiện theo số nhân khẩu, một cách tính ước chừng nhưng dễ thực hiện. Khi luật có hiệu lực, việc tính toán khối lượng phát sinh, từng loại chất thải của từng hộ dân sẽ là một vấn đề khó. Khi mỗi ngày lượng phát sinh một loại chất thải lại khác nhau. Vấn đề này cũng gây khó cho cơ quan quản lý nhà nước khi đặt hàng dịch vụ công thu gom với các tổ chức cung ứng dịch vụ, các tổ chức thực hiện dịch vụ thu gom sẽ vô cùng khó khăn khi xác định khối lượng, loại chất thải với từng hộ dân. Vì vậy, đối với phí thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải của các hộ dân, đề nghị nghiên cứu, xem xét tính theo mức phần trăm trên mức lương tối thiểu vùng hoặc thu tại nguồn như nhà sản xuất thì sẽ dễ triển khai thì liệu phương án này có khả thi hơn không.
Tiêu chí phân loại sự cố môi trường cần xác định trên cả mức độ ảnh hưởng
Về phân loại sự cố môi trường, đại biểu cho rằng Điều 129 dự thảo quy định tiêu chí phân loại sự cố môi trường còn quá chung và cũng hơi khó hiểu và việc dựa trên phạm vi địa giới hành chính là không phù hợp. Theo đại biểu Nguyễn Phi Thường, nếu sự cố môi trường có phạm vi ảnh hưởng trong địa giới hành chính của một huyện nhưng có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của toàn dân trong huyện có được xem là sự cố môi trường có mức độ thấp hay không. Việc khắc phục sự cố phải mất một thời gian dài, chi phí cao có được xem là thấp không. Đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo xem xét và đưa ra tiêu chí phân loại sự cố môi trường một cách rõ ràng cụ thể, cần có tiêu chí xác định trên mức độ ảnh hưởng không chỉ là phạm vi địa giới hành chính mà còn liên quan đến nguy cơ ảnh hưởng tác động sức khỏe người dân đến các biện pháp phải thực hiện để khôi phục lại môi trường. Đại biểu nhấn mạnh, việc phân loại này hết sức quan trọng vì có giá trị trong việc quy định thẩm quyền xử lý sự cố, trong việc xác định trách nhiệm các bên gây ra sự cố./.