Tham gia ý kiến đóng góp với dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Minh Hoàng – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh bày tỏ nhất trí rất cao sự cần thiết phải sửa đổi toàn diện Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và cũng đồng tình với nhiều nội dung trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng cho biết, thực tế người dân Việt Nam đến giai đoạn phát triển kinh tế xã hội này hết sức coi trọng vấn đề môi trường, bởi đó là cuộc sống, đó là giống nòi, sự phát triển bền vững của đất nước Việt Nam trong thời kỳ hội nhập sâu và toàn diện. Cùng với sự tiến bộ chung của cả thế giới không thể để tình trạng môi trường bị xâm hại một cách ghê gớm như trong thời gian vừa qua.
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng – Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh
Đại biểu Nguyễn Minh Hoàng cho biết qua nghiên cứu dự thảo nhận thấy sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của Ban soạn thảo, thấy được sự chuẩn bị theo hướng tiến bộ, chặt chẽ và cụ thể, chi tiết hơn so với Luật năm 2014 đang áp dụng. Các điều quy định trong đây nghiêm ngặt hơn để cho người dân được hưởng chất lượng theo hướng người dân Việt Nam được hưởng chất lượng môi trường sống tốt hơn, như các nước tiên tiến trên thế giới.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của một số điều luật trong dự án này rất khó. Đại biểu chỉ rõ, trong các điều khoản quy định về trách nhiệm bảo vệ môi trường ở đô thị và nông thôn của khu đô thị và khu dân cư tập trung ở Chương 13 có quy định từ Điều 169 đến Điều 173. Đây là những vấn đề hết sức quan tâm, rất chi tiết, rất cụ thể, nhưng về mặt ý thức của người dân hiện nay chưa đáp ứng được. Ngay cả những việc lớn nhất ở đây là khói bụi, tiếng ồn còn chưa làm được thì những việc nhỏ như thế này liệu rằng có khả thi.
Về quản lý chất thải ở đô thị và nông thôn, đại biểu cho rằng cần cân nhắc về bảo đảm tính thực tiễn bởi cơ sở xử lý chất thải nguy hại trong liên tỉnh, liên vùng, liên xã rất khó trong quá trình tổ chức thực hiện, trong cơ sở vật chất, cơ sở để tổ chức làm việc này và người thực thi, cộng đồng dân cư tham gia.
Đại biểu chỉ rõ, từ Điều 79 đến Điều 83, Khoản 1, Điều 79 nói đến việc người dân phải phân loại chất thải rắn thành 5 loại. Hiện nay chỉ phân thành 3 loại mà người dân còn chưa làm được mà bây giờ tăng lên 5 loại, người dân học thuộc được là cũng khó rồi, chưa nói đến các chất khác phải phân loại nữa như chất nguy hại, chất dễ bốc hơi. Đại biểu đặt vấn đề đưa vào luật nhưng có làm được không? Phải quy định luôn cơ quan nào xử lý loại chất rắn nào trong 5 loại này chứ không phải một xe chở chung 5 loại này.
Nhấn mạnh rằng chi tiết là tốt nhưng có thể thực hiện được không là vấn đề hết sức quan trọng và tiến bộ là có, nhưng để thực hiện để đi vào cuộc sống là vấn đề hết sức quan tâm, theo đại biểu Nguyễn Minh Hoàng, phải có yêu cầu thực tiễn và phù hợp với ý thức, phù hợp với cơ sở hạ tầng, phù hợp với khả năng điều hành, quản lý của địa phương.
Đối với quy định Ủy ban nhân dân xã phải có trách nhiệm thống kê toàn bộ tất cả mọi việc tác động đến môi trường là đương nhiên nhưng chi tiết đến từng việc như quét rác, chất thải thì hết sức khó. Cán bộ bảo vệ môi trường của xã là không chuyên trách mà bắt quản lý việc này trong toàn xã thì hơi khó. Ví dụ quy định ở nông thôn có mặt nước, có hàng cây, có vườn hoa, có cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp thì quy chuẩn như thế nào và xã sẽ phải làm như thế nào? Đại biểu đề nghị nên nghe ý kiến của các đại biểu và nên xin ý kiến của cộng đồng dân cư, kể cả đối với người thực thi liên quan lớn nhất từ chính quyền cấp xã, chính quyền cấp phường để họ tham gia vào Luật Bảo vệ môi trường này, nếu không trách nhiệm tất cả lại thuộc về cơ quan hành chính ở địa phương và như vậy đến khi Luật này ban hành không đi vào được cuộc sống./.