Phiên thảo luận tổ số 03 (gồm đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tỉnh Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Bình Phước, Tp. Hải Phòng)
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ số 03 (gồm đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tỉnh Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Bình Phước, Tp. Hải Phòng), bày tỏ quan tâm đến vấn đề xử lý rác thải của các hộ gia đình ở nông thôn, đại biểu Lê Thị Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc nhất trí về việc cần thiết sửa đổi Dự án Luật một cách toàn diện nhằm thể chế hóa hệ thống các quan điểm, chính sách mới của Đảng, Nhà nước nhằm khắc phục những hạn chế và những bất cập của Luật hiện hành và cũng giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn cuộc sống cũng như là đáp ứng các nhu cầu về hội nhập quốc tế, thúc đẩy phát triển bền vững.
Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo và các cơ quan thẩm tra nghiên cứu để xem xét thêm để kinh nghiệm làm rõ hơn về việc đề xuất việc chuyển đổi từ Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều sang Luật sửa đổi; cũng như phải rà soát và đánh giá lại tính ổn định trong quá trình xây dựng dự án Luật.
Về mục tiêu, quan điểm xây dựng Dự án Luật, đại biểu Lê Thị Nguyệt bày tỏ thống nhất với mục tiêu, quan điểm trong Dự án Luật và đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm một quan điểm bảo vệ môi trường thì phải tính trên yếu tố dài hạn và không đặt lợi ích nhu cầu trước mắt để đánh đổi những vấn đề môi trường.
Góp ý vào các nội dung cụ thể, đại biểu Lê Thị Nguyệt nêu rõ, tại Điều 5 về những hành vi bị nghiêm cấm, đại biểu đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu để bổ sung thêm những quy định cấm, các hành vi phân biệt đối xử trên cơ sở giới để nhằm hạn chế tình trạng phân biệt đối xử về giới trong quá trình cấp phép, trong quá trình thẩm định và lấy ý kiến của nhân dân. Trong quá trình tham vấn và quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường, tại Điều 40, đề nghị cân nhắc thêm là ưu tiên tham vấn ở nhóm mà có ảnh hưởng tác động, chịu nhiều tác động mà dễ bị tổn thương như là trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ trong quá trình đánh giá tác động môi trường.
Về vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu tại Khoản 2, Điều 94, đại biểu đề nghị khi đánh giá tác động thì tình trạng dễ bị tổn thương, rủi ro,tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu, biến đổi về cả khí hậu cũng như là môi trường chung thì cân nhắc thêm đối với các khu vực, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn và đặc biệt khó khăn. Đại biểu cho biết, qua khảo sát về vấn đề sức khỏe và qua báo cáo về tình hình tuổi thọ thì các tỉnh Tây Nguyên tuổi thọ lại thấp hơn cho với các khu vực khác, thậm chí có nơi thì nam giới chỉ hơn 60 tuổi. Ở đây rõ ràng ảnh hưởng tác động môi trường do không phải là chỉ không khí mà có khi cả đất, đá, khí hậu ở vùng đó. Có thể vùng đó, không phải khí hậu rừng đã là tốt, có thể nó còn có những tác động mà chúng ta phải đánh giá rộng rãi hơn về môi trường ở những khu vực nó liên quan, các vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Về vấn đề Chính phủ xin ý kiến về thẩm quyền tổ chức thẩm định Báo cáo đánh giá tác động đến môi trường, đại biểu Lê Thị Nguyệt cho rằng cần cân nhắc để lựa chọn phương án mà kết hợp giữa 2 phương án như đã đề xuất của Chính phủ, tức là giao cho các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định của pháp luật về xây dựng tổ chức thẩm định, báo cáo đánh giá tác động môi trường; tuy nhiên, trong quá trình thẩm định thì phải lấy ý kiến và phải có sự thống nhất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi dự kiến đặt dự án. Theo đại biểu Lê Thị Nguyệt, phương án này phù hợp với quy định hiện hành và bảo đảm vẫn chỉ là một đầu mối xét duyệt nhằm tạo sự thuận lợi và giảm các thủ tục hành chính đối với các doanh nghiệp đồng thời thông qua sự thống nhất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan thẩm định sẽ nắm rõ hơn về các điều kiện tự nhiên trên địa bàn để bảo đảm việc thẩm định và báo cáo đánh giá tác động môi trường có chất lượng cao nhất.
Đại biểu Lê Thị Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc
Ngoài ra về đối tượng phải thực hiện đánh giá tác động môi trường chiến lược, đại biểu cho rằng cũng cần phân tích, đánh giá một cách cụ thể hơn về việc quy định mở rộng các đối tượng phải thực hiện đánh giá môi trường chiến lược tại Điều 33 của Dự thảo Luật so với quy định hiện hành, đặc biệt là việc quy định đánh giá đối với các Dự án Luật và Pháp lệnh.
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung các quy định về chuyên môn, về chứng chỉ hành nghề tại điểm b, Khoản 1, Điều 39, đánh giá tác động môi trường phải được thực hiện bởi các chủ dự án hoặc là tổ chức đáp ứng các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ chuyên môn và được cấp chứng chỉ hành nghề theo quy định của Chính phủ. Đồng thời đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu để đánh giá lại và cân nhắc việc bổ sung các quy định mới này và cho rằng bản chất của việc tổ chức thực hiện đánh giá tác động môi trường vẫn làm việc với các chủ đầu tư. Do đó việc đánh giá tác động môi trường nếu như không cẩn thận sẽ thiếu sự khách quan đồng thời cũng sẽ gây ra sự ỷ lại vào các cá nhân, tổ chức trong việc thẩm định báo cáo này. Trên cơ sở đó cần phải nghiên cứu để nâng cao chất lượng của cán bộ, cơ quan thẩm định để có các dự án đánh giá và rà soát một cách khách quan và có trách nhiệm.
Về Quỹ Bảo vệ môi trường, đại biểu Lê Thị Nguyệt cho biết về cơ bản thống nhất về việc tiếp tục bổ sung các quy định liên quan đến việc thực hiện Quỹ Bảo vệ môi trường để góp phần thúc đẩy xã hội hóa, và huy động được các nguồn lực trong nước, ngoài nước để thực hiện tốt việc bảo vệ thực hiện mục tiêu về môi trường. Đồng thời đề nghị cần phải rà soát, bổ sung quy định về mặt nguyên tắc hoạt động và nội quy chi của Quỹ để tránh sự trùng lặp với các nội dung chi của Ngân sách Nhà nước; giữa việc chi của Quỹ với việc chi ngân sách đầu tư cho bảo vệ môi trường để nhằm thực hiện việc này một cách công khai, minh bạch và đúng với thẩm quyền trong việc quản lý và trong việc sử dụng Quỹ.
Về các thông tin cơ sở dữ liệu về môi trường, đề nghị đưa các quy định như đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình xây dựng, trong quá trình quản lý và sử dụng các thông tin về cơ sở dữ liệu về môi trường nhằm thuận tiện cho việc người sử dụng thông tin cũng phù hợp với các xu thế, đảm bảo tính hội nhập quốc tế.
Trong vấn đề để xử lý rác thải hiện nay, đại biểu Lê Thị Nguyệt cho biết thực tế Vĩnh Phúc tái lập hơn 20 năm nay nhưng đến nay vẫn không thành lập được một nhà máy rác thải mà vẫn phải xử lý rác thải bằng các hệ thống mini, các lò xử lý rác thải ở các địa phương. Trong khi đó, đi đến đâu dân cũng phản đối và cũng không chấp nhận việc xây dựng nhà máy rác thải. Do đó, Chính phủ cần phải có những quy định và có những quan điểm chỉ đạo một cách kiên quyết để các địa phương thực hiện các dự án triển khai được kịp thời, các dự án nhà máy rác thải.
Cuối cùng, đại biểu Lê Thị Nguyệt cho rằng việc rất quan trọng ngay từ trong quá trình sản xuất kinh doanh, từ môi trường nông thôn và trong thực tế cuộc sống hiện nay thì vấn đề công tác tuyên truyền và gắn trách nhiệm vào các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ quan, các cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, trong đó Mặt trận, các đoàn thể cũng như là toàn thể xã hội và tất cả mọi người. Đại biểu nhấn mạnh nếu như đã có rất nhiều giải pháp và rất nhiều biện pháp rồi, thì phải tiếp tục nâng cao công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm./.