ĐBQH TRẦN VĂN TIẾN THẢO LUẬN VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

27/08/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đã đóng góp một số ý kiến liên quan đến nội dung về Báo cáo về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trần Văn Tiến bày tỏ sự tán thành với các Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội về đánh giá, bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm; nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm.

Bên cạnh 12 chỉ tiêu Quốc hội giao đều đạt và vượt, đại biểu Trần Văn Tiến cho biết, vẫn còn nhiều chỉ tiêu hoặc kết quả thực hiện đạt được tích cực hơn đã báo cáo tại kỳ họp thứ 8, như thu chi ngân sách nhà nước, tỷ lệ nợ xấu và nợ xấu tiềm ẩn giảm nhiều, tăng năng suất lao động, đóng góp các nhân tố tổng hợp trong tăng trưởng đạt cao hơn. Doanh nghiệp phát triển tăng cả về số lượng và số vốn đăng ký. Số xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới tăng thêm nhiều, bội chi ngân sách và các khoản nợ đều giảm. Tuy nhiên, vẫn còn một số chỉ tiêu, kết quả đạt thấp hơn số đã báo cáo, như tổng GDP thu từ 3 khu vực kinh tế, thu nhập cá nhân, thuế bảo vệ môi trường, chi đầu tư phát triển, chi trả nợ lãi, chi thường xuyên và giải ngân vốn đầu tư, v.v..

Đại biểu Trần Văn Tiến -  đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc phát biểu trước Quốc hội.

Từ kết quả phân tích trên, đại biểu Trần Văn Tiến nhận định, năm 2019 nước ta rất thành công trong mọi lĩnh vực kinh tế. Kinh tế phát triển và tăng trưởng cao, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước cơ bản đạt và vượt, quốc phòng an ninh được giữ vững, đời sống nhân dân được cải thiện, quan hệ quốc tế được mở rộng và uy tín ngày càng được nâng lên.

Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách những tháng đầu năm 2020. Khi bước vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020 gặp khó khăn, thách thức hơn dự báo ban đầu như tình hình biển Đông diễn biến phức tạp, đại dịch Covid-19 làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất, kinh doanh của tất cả các ngành, lĩnh vực, đến đời sống nhân dân. Nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ của nhân dân nên những tháng đầu năm đã đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ.

Đại biểu Trần Văn Tiến nhận định, đại dịch Covid-19 và sự suy giảm kinh tế thế giới đã ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và ngân sách nhà nước. Năm 2020, 4 tháng đầu năm tăng trưởng GDP đạt 3,8%. Theo đại biểu Trần Văn Tiến, đây là mức tăng trưởng thấp trong 10 năm trở lại đây, nhưng vẫn thuộc nhóm có mức tăng trưởng cao nhất trong khu vực. Nhiều nước trong khu vực có mức tăng trưởng âm. Hầu hết các khoản thu đều giảm và không đạt tiến độ. Việc phân bổ vốn đầu tư còn chậm đến hết tháng 2 đạt khoảng 80% kế hoạch. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, trong đó có 32 bộ, ngành trung ương và địa phương đạt dưới 10% dự toán. Số doanh nghiệp thành lập mới quay trở lại hoạt động giảm nhiều về số lượng và số vốn đăng ký. Số doanh nghiệp đóng băng tăng cao, tỷ lệ lao động thiếu việc làm, thất nghiệp tăng cao so với nhiều năm trở lại đây. Một bộ phận người dân không có thu nhập nên đời sống gặp nhiều khó khăn, v.v..

Tuy mức tăng trưởng thấp, còn nhiều hạn chế nhưng cũng xuất hiện nhiều điểm sáng như kinh tế vĩ mô giữ được ổn định, lạm phát được kiểm soát và xu hướng giảm dần, tháng sau thấp hơn tháng trước. Chính sách tiền tệ được điều hành linh hoạt đã tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phục hồi, phát triển và ổn định đời sống cho người dân trước diễn biến đại dịch Covid-19. Một số khoản thu tăng như thu từ dầu thô, 6/12 khoản thu nội địa và 32 địa phương có số thu đảm bảo tiến độ. Một số khoản chi tăng như chi thường xuyên, chi dự chi đầu tư phát triển, chi trả nợ lãi, v.v… Xuất khẩu khu vực trong nước tăng cao 12,1%, thặng dư thương mại xuất siêu ước khoảng 3 tỷ USD, cùng thời kỳ xuất siêu 0,9 tỷ USD. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công và tỷ trọng vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước tăng cao so với cùng kỳ. Ngành giáo dục thực hiện nhiệm vụ kép, phòng, chống dịch an toàn, tổ chức dạy và học trực tuyến, đã thực hiện tốt phương châm "tạm dừng đến trường, không việc dừng học". Theo đại biểu, đây là nỗ lực rất lớn của ngành giáo dục. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và đời sống cho nhân dân trước diễn biến đại dịch Covid-19, v.v.. “Đây chính là động lực, là niềm tin để chúng ta vượt qua khó khăn, thách thức trong thời gian tới”, đại biểu Trần Văn Tiến nhấn mạnh.

Bày tỏ sự đồng tình với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nêu trong Báo cáo số 234 của Chính phủ về dự toán ngân sách nhà nước, Báo cáo số 214 và số 237 của Chính phủ về kinh tế - xã hội năm 2020, đại biểu Trần Văn Tiến đề cập tới một số vấn đề như sau:

Do đại dịch Covid-19, tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống của bộ phận người dân đang gặp nhiều khó khăn, do vậy việc thực hiện các chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội và ngân sách theo nghị quyết của Quốc hội cho năm 2020 là thách thức rất lớn và rất khó đạt. Đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị Chính phủ sớm báo cáo Quốc hội xem xét, điều chỉnh một số chỉ tiêu chủ yếu của năm 2020 cho phù hợp với thực tiễn.

Đại biểu Trần Văn Tiến cũng đề nghị Chính phủ nhanh chóng triển khai các gói hỗ trợ nhằm phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, đồng thời khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống cho bộ phận người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp công lập sang hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, đồng thời đẩy nhanh tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa và xử lý dứt điểm các doanh nghiệp nhà nước thua lỗ theo kế hoạch để không làm ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2020.

Hồ Hương