Khó tìm lời giải cho bài toán thịt lợn giá cao
Năm 2019 cả nước đối mặt với nhiều khó khăn do dịch tả lợn Châu Phi đã khiến phải tiêu huỷ hơn 20% tổng đàn lợn. Tuy nhiên ngay tại thời điểm dịch bệnh hoành hành, mức giá lợn hơi cũng chỉ duy trì ở mức 45-47.000 đồng/kg lợn hơi. Tháng 4 đến tháng 7/2019 đỉnh điểm của dịch, giá lợn giảm xuống chỉ còn 35.000 đồng/kg. Tháng 8 đến 12/2019 khi dịch tả lợn châu Phi tạm thời được kiểm soát thì giá lợn hơi bỗng chốc tăng vọt từ 42.000 đồng lên 86.000 đồng/kg. Sang đầu năm 2020, khi nguồn cung ứng tăng khá thì giá lợn hơi có giảm nhẹ từ 84 xuống 78.000 đồng/kg nhưng vẫn gấp đôi mức giá thời điểm trước khi có dịch.
Theo Tổng cục Thống kê, bình quân quý 1/2020, giá thị lợn tăng 58,8% so với cùng kỳ 2019; góp 2,47% trong mức lạm phát 5,6% của quý I/2020. Các chuyên gia lo ngại, giá thịt lợn có thể là “ngòi nổ” của lạm phát năm 2020 nếu không có giải pháp đồng bộ, hiệu quả từ phía cơ quan quản lí nhà nước.
Biến động giá thịt lợn đã đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 6 tháng đầu năm 2020 so cùng kỳ năm trước lên mức 4,19%. Lạm phát cơ bản bình quân sáu tháng đầu năm tăng 2,81% so bình quân cùng kỳ năm 2019, chủ yếu do ảnh hưởng từ tăng giá thịt lợn. Đây là một thách thức lớn cho công tác điều hành kinh tế-xã hội năm 2020. Một trong những nguyên nhân khiến thịt lợn hơi khó giảm giá chính là việc tái đàn hiện nay vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Dù tại nhiều địa phương đã được công bố hết dịch nhưng người dân vẫn lo ngại việc tái đàn lợn. Không chỉ bởi nguồn giống khan hiến mà vấn để về đảm bảo an toàn sinh học trong chuồng trại vẫn là một nỗi lo lớn. Đa số người chăn nuôi nhỏ đang bỏ trống chuồng hoặc chuyển sang nuôi các con vật khác dù rất mong muốn tái đàn. Cùng với đó, con đường để đưa thịt lợn từ cửa chuồng tới bàn ăn phải trải qua 5 bước trung gian, từ trang trại qua đại lý cấp 1, rồi đại lý cấp 2, tới lò mổ, lại qua bán buôn, bán lẻ mới tới tay người tiêu dùng. Mỗi khâu trung gian chồng chất thêm 8-10% giá bán. Điều đáng nói là đối với những nông hộ nhỏ thì khâu trung gian đại lý nhiều cấp không xuất hiện, thịt lợn trước nay vẫn đi thẳng từ trang trại, qua lò mổ rồi tới chợ.
Giảm giá thịt lợn, ổn định kinh tế vĩ mô
Giá thịt lợn hơi tuy có nhiều biến động trong thời gian qua nhưng đến nay vẫn ở mức cao. Bất cập nằm ở khâu trung gian khi con đường để đưa thịt lợn lên đến bàn ăn phải qua đến 5,6 bước. Vậy giải pháp nào để giải bài toán này?Cần làm gì để khuyến khích người chăn nuôi tái đàn nhằm bình ổn giá, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, người chăn nuôi và doanh nghiệp? Phóng viên Cổng thông tin Điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh để làm rõ hơn về vấn đề này
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh
Phóng viên: Giá lợn hơi có nhiều biến động trong thời gian qua, đến nay vẫn giữ ở mức cao so với trước đây, quyền lợi của người tiêu dùng bị ảnh hưởng. Nhiều nguyên nhân và những khó khăn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ ra, tuy nhiên, theo đại biểu, đâu là nguyên nhân chính dẫn đến giá lợn cao như hiện nay?
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh: Tôi cho rằng về chủ quan việc dự báo đánh giá tình hình của cơ quan chủ quản chưa sát với thực tế. Chúng ta biết là trong những tháng đầu năm chúng ta bị dịch tả lợn Châu Phi, chúng ta cũng đã có những đánh giá toàn cảnh của dịch vậy thì bước chuẩn bị của chúng ta để thực hiện các bước tiếp theo trong việc bình ổn giá heo phục vụ người tiêu dùng như thế nào thì tôi cho rằng chúng ta hơi chủ quan và chưa sát với thực tế. Thứ 2 là chỉ đạo của ngành chuyên môn về tái đàn của chúng ta diễn ra vẫn còn chậm. Chậm ở đây có nhiều nguyên nhân, trong đó có tâm lý của người dân chưa dám tái đàn vì dịch tả lợn Châu phi vẫn chưa chấm dứt hoàn toàn và nhiều nơi vẫn còn là điểm nóng. Một điều nữa là giá của lợn giống hiện nay cao, người dân sẽ phải bỏ ra số tiền rất lớn để đầu tư con giống, và không phải có tiền là đã mua được giống. Một điều nữa là chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với người dân, doanh nghiệp chưa đủ để kích thích người dân và doanh nghiệp tập trung tái đàn để đảm bảo nguồn cung so với nhu cầu hiện nay. Thứ 4 là việc nhập khẩu thịt heo, trong thời gian qua chúng ta đã tổ chức thực hiện nhưng lại có quá nhiều thận trọng. Thận trọng là đúng nhưng tôi nghĩ để giải quyết tình trạng cấp bách thì nên đẩy nhanh và nhà nước phải có sự điều tiết ở đây để đảm bảo hạ nhiệt giá thịt heo trong nước, không ảnh hướng tới các doanh nghiệp khác. Cuối cùng tôi cho rằng thói quen của người dân vẫn tập trung dùng thịt heo thay vì thịt đông lạnh, chúng ta phải làm sao để thay đổi thói quen này thì khi cung đã đảm bảo được cầu thì giá thịt heo sẽ hạ nhiệt
Phóng viên: Có một thực tế xảy ra khi người chăn nuôi bán ra với giá thấp nhưng người mua lại bị mua giá cao. Bất cập nằm ở khâu trung gian khi mà buộc phải mua qua thương lái càng lớn càng làm phát sinh thêm nhiều tầng nấc trung gian, làm tăng thêm giá dịch vụ, trong đó còn có cả hiện tượng đầu cơ thổi giá lên cao. Đại biểu đáng giá như thế nào về thực trạng này? Giải bài toán này như thế nào, thưa đại biểu?
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh: Đây là một trong những vấn đề rất bức bách. Khi trả lời Bộ trưởng cũng có nói đến vấn đề này, người dân và doanh nghiệp họ cũng nói nhiều về điều này. Mấu chốt nằm ở chỗ là làm sao chúng ta giảm được các tầng nấc trung gian. Từ khâu chăn nuôi, giết mổ đến cung ứng ra thị trường giảm càng nhiều càng tốt, đưa đến tay người dân, người tiêu dùng càng nhanh càng tốt thì giá sẽ giảm. Vấn đề hiện nay là thị phần thịt heo hơi trong nước hơn 65% nằm trong những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Khi thịt heo khan hiếm thì những hộ chăn nuôi này khó tiếp cận những tập đoàn lớn cho nên họ phải thu mua qua thương lái. Do vậy qua nhiều lớp trung gian sẽ đẩy giá lên cao. Vấn đề đặt ra là làm sao trong thời gian tới đây chúng ta phải thay đổi phương thức sản xuất chăn nuôi này của người dân. Làm thế nào để tiết giảm khâu trung gian càng ít càng tốt để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân
Phóng viên: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có cả việc khuyến khích người chăn nuôi tái đàn, nhập khẩu thịt lợn nhằm bình ổn giá, đảm bảo lợi ích của người tiêu dùng, người chăn nuôi và doanh nghiệp. Theo đại biểu, những giải pháp Bộ đưa ra liệu đã thực sự có hiệu quả? Cần làm gì để đảm bảo lợi ích cho các bên?
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh: Tôi cho rằng giải pháp mà Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đưa ra là hoàn toàn hợp lý trong thời điểm hiện nay, trong bối cảnh chúng ta đang khán hiếm và giá thịt heo hơi đang tăng cao ý của tôi là trong thời gian ngắn hạn. Về lâu về dài tôi nghĩ Bộ nên có đánh giá toàn diện lại và có giải pháp thật sự căn cơ. Phải tính đến việc khép kín chuỗi chăn nuôi cho đến tiêu thụ sản phẩm. Chất lượng sản phẩm phải được tăng cao, chính khi chất lượng sản phẩm tăng cao người tiêu dùng sẽ tin tưởng, đánh giá cao thì lúc bấy giờ người dân sẽ tin dùng. Từ đó người dân sẽ tin dùng sản phẩm trong nước nhiều hơn. Một vấn đề nữa tôi đã nói, đó là làm sao thay đổi được phương thức chăn nuôi của người dân. Hay nói cách khác, chăn nuôi phải tập trung, giết mổ phải tập trung. Phải kiểm tra xuất xứ hàng hoá, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng ngày càng lớn của người dân. Tôi nghĩ việc chăn nuôi tập trung, giết mổ tập trung là cần thiết. Và hạn chế thấp nhất đến việc chăn nuôi nhỏ lẻ, đặc biệt là chăn nuôi trong khu dân cư. Điều cuối cùng theo tôi là khi thị trường trong nước không đủ yêu cầu thì chúng ta cần tính toán đến nhập khẩu. Nhập khẩu thịt heo nhưng vẫn có chọn lọc. Chúng ta nên tuyên truyền cho người dân để chia sẻ trong thời điểm thiếu cung thịt heo hơi như hiện nay thì tôi nghĩ chúng ta cũng nên có những chia sẻ đến các loại thực phẩm khác. Tôi nghĩ những giải pháp đó sẽ góp phần định hướng căn cơ lâu dài để bình ổn giá thịt heo hơi trong nước.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu.
Sau hai năm giải cứu thịt lợn do dư cầu, đất nước lại đối mặt với nhiệm vụ giảm giá thịt lợn do thiếu nguồn cung. Các chuyên gia cho rằng, thay bằng phương pháp xử lý vụ việc như vẫn làm trước đây, cần những giải pháp đột phá, cải tổ thị trường chăn nuôi một cách hệ thống trên cơ sở thiết lập các cơ sở đầu mối giết mổ, trung tâm giao dịch hàng hoá tươi sống tập trung song song với việc công khai minh bạch thông tin chăn nuôi của các đơn vị tham gia thị trường.. Đồng thời nâng cao năng lực quản lý, điều tiết thị trường giá cả của nhà nước; phân công, phân nhiệm, quy trách nhiệm giữa các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước về điều tiết thị trường, giá cả, xuất, nhập khẩu, dự trữ, cung ứng nông sản thực phẩm, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia; bổ sung ngành hàng thịt lợn vào danh mục mặt hàng cần được bình ổn, dự trữ quốc gia. Có như vậy, thị trường chăn nuôi mới phát triển ổn định bền vững, tối ưu hoá nguồn lực./.