Dưới sự chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của Quốc hội vừa tổ chức Hội nghị giải trình về “An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập”.
Tại Hội nghị, liên quan đến thực hiện Nghị quyết 120 về phát triển bền vững cho Đồng bằng sông Cửu Long, đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu cho biết: Hiện nay, người dân ở khu vực này rất lo lắng trong việc thiếu nước ngọt phục vụ trong sinh hoạt và đời sống sản xuất. Với bất cập này, đại biểu Trần Thị Hoa Ry chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường là liệu có được khắc phục trong năm tới hay không?
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Hoa Ry, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết: Nguồn nước ngọt tại Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ là thiếu để phục vụ cho người dân ở 13 tỉnh ở khu vực này mà còn ảnh hưởng đến các đối tượng sản xuất trước tác động hạn hán, xâm nhập mặn. Năm vừa qua, các địa phương đã chủ động ứng phó với thực trạng này. Tuy nhiên, năm 2020 là năm cán đích lịch sử về mức độ hạn mặn đã ảnh hưởng lớn đến cả hệ sinh thái nói chung và đời sống của người dân. Năm nay, chúng ta hạn chế chỉ còn 96.000 hộ thiếu nước. Đây chỉ là số liệu ban đầu và còn những nơi thiếu tạm thời. Vì vậy, các địa phương phải lấy đây là dữ liệu mới để tính toán cân đối nguồn nước cho từng tỉnh.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đưa ra dẫn chứng: Tình trạng hạn mặn năm 2016 đã khiến tỉnh Kiên Giang phải mở rộng quy mô nhà máy nước của Rạch Giá. Thế nhưng, năm nay tình trạng hạn mặn khắc nghiệt hơn thì không phải mở rộng nữa. Còn tại tỉnh Tiền Giang, từ tháng 9/2019 đã triển khai 9 nhóm dự án nên đã hạn chế mức thấp nhất hạn mặn. Tỉnh Sóc Trăng triển khai 23 dự án nên cơ bản cũng hạn chế được hạn mặn.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Từ thực tế trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, để giải quyết tình trạng hạn mặn hiệu quả, các địa phương phải có biện pháp cho mình cũng như tổng rà soát lại nguồn nước với mức độ dự báo hạn mặn khắc nghiệt hơn.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang phối hợp với các địa phương huy động, kêu gọi từng hộ gia đình tích nước, xã tích nước, huyện tích nước, tỉnh tích nước, liên vùng phải tính toán nguồn nước. Bên cạnh đó hướng tới tất cả các công trình thủy lợi tích nước để đảm bảo có nước cho mùa khô. Mặt khác, các địa phương phải tuyên truyền cho người dân chăm lo tưới nước cho các khu vực sinh thái, vườn cây trái để vừa chăm sóc cho cây vừa phòng chống xâm nhập mặn.
Bằng giải pháp tổng thể, các thiết chế mới, cả khu vực Nhà nước, doanh nghiệp cũng phải vào cuộc cộng với sự hợp tác của người dân thì các địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ khắc phục được hạn mặn và đảm bảo được nguồn nước ngọt phục vụ đời sống./.