Tại kỳ họp, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh khẳng định: Việc Quốc hội, Chính phủ tán thành ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, một lần nữa nhằm thể chế hóa các nghị quyết của Đảng và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, luật và các nghị quyết của Quốc hội về công tác dân tộc và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chương trình đã được xây dựng công phu, toàn diện với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Về cơ bản, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh tán thành với các nội dung chủ yếu của chương trình cũng như các dự án thành phần của chương trình. Điều khiến nhiều cử tri còn lo lắng là tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, tục cướp vợ do phong tục lạc hậu vẫn còn rơi rớt lại cho đến hôm nay.
Theo báo cáo của Chính phủ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống là những yếu tố có ảnh hưởng tiêu cực đến tuổi thọ và chất lượng dân số. Tỷ lệ tảo hôn của 53 dân tộc thiểu số là 27% nên rất đáng lo ngại. Tỷ lệ hôn nhân cận huyết thống trong các dân tộc thiểu số trung bình là 6,6 phần nghìn và cá biệt có một số dân tộc tỷ lệ này là trên 15 phần nghìn như: Mơ Nông, Pu Péo, S'tiêng, Mạ, Cơtu. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vấn đề cần đặc biệt chú ý với một số dân tộc có thể gây ra nhiều hậu quả như là tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong cao, tuổi thọ bình quân thấp, sức đề kháng và năng lực trí tuệ kém là một trong những nguyên nhân liên quan trực tiếp đến tình trạng nghèo nàn, lạc hậu trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Đại biểu Tràn Thị Quốc Khánh - Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội.
Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi và 10 dự án thành phần được trình Quốc hội tại kỳ họp này, vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống chưa thực sự được quan tâm đề ra các giải pháp thiết thực thỏa đáng. Trong đó, dự án 8 thực hiện bình đẳng giới và giải quyết vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em hay dự án 9 đầu tư phát triển nhóm dân tộc rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn thì việc giải quyết vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống quy định còn chung chung, mờ nhạt. Với mục tiêu đến năm 2020 là thông qua việc nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật, chuyển đổi hành vi trong hôn nhân của đồng bào dân tộc thiểu số. Trên 90% cán bộ làm công tác dân tộc các cấp, cán bộ văn hóa xã hội xã được tập huấn, nâng cao năng lực, kỹ năng vận động, tư vấn truyền thông, thay đổi hành vi về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Giảm bình quân 2% đến 3%/năm số cặp tảo hôn và 3% đến 5% số cặp kết hôn cận huyết thống đối với địa bàn dân tộc thiểu số có tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cao. Đến năm 2025 mới đề ra phấn đấu ngăn chặn hạn chế tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc miền núi.
Đáng chú ý là nguồn vốn giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong hai giai đoạn là trên 1.300 tỷ đồng chỉ để nhằm tuyên truyền, cung cấp, in ấn tài liệu, tập huấn kỹ năng, hội nghị, hội thảo, tọa đàm, giao lưu văn hóa tuyên truyền về vấn đề này. Đặc biệt, những nội dung này trùng lặp với dự án 10, tiểu dự án 1, mục 2 là phổ biến giáo dục pháp luật, tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số với mục tiêu tạo chuyển biến về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng lối sống, làm việc theo pháp luật, bảo đảm thông tin tuyên truyền, giáo dục pháp luật.
Với những bất cập đó, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề nghị Chính phủ cần rà soát lại các dự án thành phần trên. Cần quy định cụ thể, thiết thực, rõ nét hơn các hoạt động không trùng lặp, cần phải đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội, kể cả các phương tiện điện thoại di động để nâng cao tuyên truyền ý thức chấp hành pháp luật cho người dân. Như dịch bệnh COVID vừa qua, chúng ta đã huy động tất cả toàn bộ mạng xã hội đến tận người dân không cần phải tốn kém tiền vào những hoạt động như vậy trong khi đồng bào dân tộc còn rất khó khăn.
Ngoài ra, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nêu quan điểm, cần phải ứng dụng công nghệ thông tin một cách hiệu quả và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Đặc biệt, phải vận động các gia đình, thanh niên, phụ nữ xóa bỏ phong tục lạc hậu, cướp vợ, vừa vi phạm quyền con người, vừa xâm phạm quyền phụ nữ của trẻ em gái vẫn tồn tại ở một số nơi. Khi cần thiết phải xử lý về mặt hành chính hoặc hình sự, mang tính chất giáo dục, răn đe./.