GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: TRỪ ĐIỂM GIẤY PHÉP LÁI XE – CẦN CÓ CƠ CHẾ GIÁM SÁT HOẠT ĐỘNG CÔNG VỤ HIỆU QUẢ

18/09/2020

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị quyết số 123 về phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2020 của Chính phủ. Trong đó, một số nội dung được dư luận đặc biệt quan tâm đó là Chính phủ thống nhất hướng quy định giấy phép lái xe được cấp 12 điểm mỗi năm, nếu tài xế không bị trừ hết điểm sẽ được cấp lại điểm, được cộng điểm, nếu bị trừ hết điểm thì phải thi lại giấy phép lái xe.

Giấy phép lái xe được cấp 12 điểm/năm

Đề xuất trừ điểm giấy phép lái xe

Chính phủ thống nhất một số nội dung trong Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, trong đó có quy định về điểm của giấy phép lái xe theo hướng lái xe được cấp 12 điểm/năm. Nếu trong 1 năm mà bị trừ hết điểm thì phải thi lại giấy phép lái xe. Còn nếu không trừ hết điểm thì sau 1 năm lái xe được cấp lại đủ 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp. Điều này đã nhận được nhiều ý kiến đồng tình và cho rằng, áp dụng các quy định mới sẽ xây dựng hành lang pháp lý cho lực lượng chức năng, thực thi công vụ hiệu quả hơn. Đồng thời, góp phần nâng cao ý thức người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Anh Vũ Văn Toản, trú tại huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội cho rằng, việc “cấp vốn” cho mỗi người 12 điểm trên giấy phép lái xe mang tính răn đe cao, từ đó tài xế sẽ phải chú ý hơn khi ra đường để không bị trừ điểm.

Đồng tình với quan điểm này, anh Nguyễn Quang Khánh, trú tại huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội - tài xế một hãng taxi công nghệ, cho rằng trước việc tình hình tai nạn giao thông đang diễn biến phức tạp và gây bức xúc cho người dân thì việc thực hiện chính sách này sẽ giúp cho ý thức của người tham gia giao thông sẽ tốt hơn.

 Anh Vũ Văn Toản, trú tại huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội

Tuy nhiên, quy định trên vẫn nhận được nhiều ý kiến băn khoăn. Một số lái xe cho rằng, việc trừ điểm giấy phép lái xe song song với tước bằng và phạt tiền là chưa phù hợp tại Việt Nam. Với hành vi vi phạm nghiêm trọng về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông tài xế đã phải chịu mức phạt tiền nặng và bị tước giấy phép lái xe cao nhất đến 2 năm theo Nghị định 100, với những hành vi vi phạm nhẹ hơn vừa bị phạt tiền, lại bị trừ điểm giấy phép lái xe sẽ dẫn đến tài xế phải chịu quá nhiều hình thức xử phạt. Không chỉ có vậy, tuy số điểm của giấy phép lái xe được liên thông trên hệ thống, được quản lý bằng máy móc nhưng việc phát hiện, xử lý vi phạm vẫn là do con người trực tiếp đảm nhận, có thể dẫn đến sai sót, thậm chí tiêu cực. 

Đại diện Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, việc trừ điểm giấy phép lái xe đã được các nước thực hiện từ rất lâu, đây là một hệ thống theo dõi song song với việc xử lý vi phạm hành chính. Trong khi đó, 12 điểm nói trên sẽ không hiển thị trực tiếp trên bằng lái mà được mã hoá và lưu trữ trên hệ thống dữ liệu. Khi lái xe vi phạm, cảnh sát giao thông sẽ kiểm tra trên máy để biết tài xế còn bao nhiêu điểm. Khi có quyết định xử phạt, điểm sẽ tự động bị trừ trên hệ thống.

Đại tá Đỗ Thanh Bình – Cục phó Cục CSGT, Bộ Công an

Theo nhiều chuyên gia, quy định về trừ điểm trên giấy phép lái xe về bản chất không phải là mới. Trước đó, từ năm 2003, cơ quan chức năng đã áp dụng biện pháp đánh dấu số lần vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đường bộ của lái xe bằng "bấm lỗ". Tại thời điểm đó, nếu bằng lái bị bấm 2 lỗ, tài xế phải thi lại Luật Giao thông đường bộ khi đổi giấy phép lái xe; nếu bị đánh dấu 3 lỗ, giấy phép lái xe hết giá trị sử dụng, tài xế phải thi lại cả lý thuyết và thực hành để được cấp mới.

TS. Phan Lê Bình, Chuyên gia JICA cho biết, cách làm này đã được một số nước tiên tiến trên thế giới đã áp dụng rồi, tôi nghĩ trong bối cảnh công nghệ thông tin đang phát triển như hiện nay thì chúng ta hoàn toàn có cơ sở có thể thực hiện được.

TS. Phan Lê Bình, Chuyên gia JICA

Dù ủng hộ nhưng các chuyên gia cũng còn không ít băn khoăn nếu đưa quy định này áp dụng vào thực tế bởi nếu hết điểm giấy phép lái xe sẽ tương đương bị tước bằng lái, điều này sẽ dẫn tới việc tài xế đưa tiền để không bị lập biên bản. Thậm chí sẵn sàng đưa nhiều tiền hơn để không bị trừ điểm.

TS.Khương Kim Tạo, Nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, cho rằng quy định như vậy không hẳn là tránh được tiêu cực mà có thể còn tạo cơ hội để tiêu cực mạnh hơn nếu không có cơ chế giám sát hoạt động công vụ hiệu quả.

Trước đó, vào đầu tháng 5/2020, Bộ Công an đã trình Chính phủ cho ý kiến về Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Trong đó, đề xuất mỗi giấy phép lái xe có sẵn 12 điểm, tài xế sẽ bị trừ điểm trên hệ thống quản lý khi vi phạm giao thông. Dự thảo có nêu rõ 28 hành vi bị trừ điểm trên giấy phép lái xe, ví dụ như: Vượt đèn đỏ bị trừ 6 điểm, lấn làn trừ 5 điểm, dừng đỗ xe sai quy định trừ 4 điểm,…Đồng thời, quy định 11 hành vi bị tước giấy phép lái xe ngay lập tức như: Vi phạm về ma tuý, nồng độ cồn; đi ngược chiều trên cao tốc; lạng lách, đánh võng, đua xe trái phép,…

Thực tế, việc trừ điểm trên bằng lái xe không mới. Năm 2003, cơ quan chức năng áp dụng đánh dấu số lần vi phạm giao thông đường bộ bằng cách “bấm lỗ” trên bằng lái. Tuy nhiên, sau 4 năm thực hiện, quy định này đã bị bãi bỏ do thiếu thẩm mỹ và việc bấm lỗ dễ phát sinh tiêu cực trong quá trình xử lý vi phạm.

Để bảo đảm tính chủ động, linh hoạt trong tổ chức thực thi, phù hợp với thực tiễn quản lý, Chính phủ cho rằng, về cơ bản, các vấn đề thuộc nội dung của Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ cần được quy định theo hướng mang tính nguyên tắc, nhất là về phân công trách nhiệm quản lý nhà nước của Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương. Chính phủ giao Bộ Công an tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, khẩn trương chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trình Quốc hội khóa XIV tại Kỳ họp thứ 10 tới đây.

Cần có cơ chế giám sát hoạt động công vụ hiệu quả

Việc Chính phủ thống nhất Giấy phép lái xe được cấp 12 điểm/1 năm, nếu trong 1 năm mà bị trừ hết điểm thì phải thi lại giấy phép lái xe, còn nếu không trừ hết điểm thì phải cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp hiện đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận cũng như các chuyên gia đầu ngành. Về vấn đề này, Cổng thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý kiến của Đại biểu Trần Ngọc Khánh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Đại biểu Trần Ngọc KhánhPhó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An Ninh của Quốc hội

Phóng viên:Thưa Đại biểu, mới đây Chính phủ thống nhất Giấy phép lái xe được cấp 12 điểm/1 năm, nếu trong 1 năm mà bị trừ hết điểm thì phải thi lại giấy phép lái xe, còn nếu không trừ hết điểm thì phải cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp. hiện đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận cũng như các chuyên gia đầu ngành. Quan điểm của Đại biểu như thế nào về vấn đề này ?

Đại biểu Trần Ngọc Khánh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Vấn đề này, hiện nay dư luận đang nhiều ý kiến trái chiều tuy nhiên, đại đa số rất ủng hộ phương án này. Bên cạnh đó, cũng có 1 số vấn đề được đặt ra cần tiếp tục làm rõ: Thứ nhất, hiện nay số lượng người tham gia giao thông là vô cùng lớn, vậy có khi nào cơ quan chức năng, người thi hành công vụ trừ nhầm hay không? Tức là lỗi của người này nhưng trừ nhầm người khác. Vấn đề thứ 2 cũng đang có ý kiến trái chiều, tức là trừ 12 điểm trong bằng lái thì liệu rằng có phát sinh tiêu cực không?

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, nếu không có cơ chế giám sát hoạt động công vụ hiệu quả thì sẽ tạo ra cơ chế xin cho và phát sinh tiêu cực trong quá trình thực thi. Quan điểm của Đại biểu như thế nào trước luồng ý kiến này ?

Đại biểu Trần Ngọc Khánh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Theo tôi thì đúng thôi, đã có hoạt động thực thi công vụ thì phải có cơ chế giám sát quyền lực. Chính vì như thế tôi cho rằng, hiện nay kể cả Chính phủ và Bộ Công an cũng đang nỗ lực xây dựng các cơ chế để giám sát quyền lực của lực lượng cảnh sát giao thông khi mà thực thi nhiệm vụ trên đường bộ để kiểm tra, kiểm soát tình hình giao thông. Tôi tin tưởng rằng việc kiểm soát quyền lực thì chúng ta sẽ làm được. Việc kiểm soát quyền lực thì không phải chỉ là kiểm soát quyền lực của cảnh sát giao thông không đâu mà là chúng ta còn kiểm soát quyền lực của các lực lượng cao hơn lực lượng cảnh sát giao thông. Ngoài ra, cần chú trọng xây dựng quy định việc tính điểm bảo đảm chặt chẽ; dữ liệu về điểm, lịch sử cộng, trừ điểm, thời gian phải công khai và dễ dàng tra cứu từ bất kỳ đâu vào bất kỳ thời gian nào để ngăn chặn sai phạm, phòng ngừa tiêu cực.

Phóng viên: Có thể nói rằng, việc trừ điểm trên Giấy phép lái xe là không mới bởi trước đó cơ quan chức năng áp dụng đánh dấu số lần vi phạm  giao thông bằng cách “ bấm lỗ ” trên bằng lái. Tuy nhiên sau 4 năm thực hiện, quy định này đã bị bãi bỏ do thiếu thẩm mỹ và dễ phát sinh tiêu cực. Theo Đại biểu thì các cơ quan chức năng có liên quan cần phải có giải pháp đồng bộ gì để tránh thực thi được 1 thời gian rồi lại bãi bỏ như đã từng có tiền lệ?

Đại biểu Trần Ngọc Khánh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: Về vấn đề này thì khi chúng ta không tác động vào bằng lái tức là không ghi nhận các lỗi trên bằng lái thì điều quan trọng nhất vẫn là cơ sở dữ liệu. Hiện nay, cơ sở dữ liệu công dân Bộ Công an cũng đang làm quyết liệt và Chính phủ cũng có chỉ đạo mạnh mẽ thực hiện. Tôi cho rằng về cơ sở dữ liệu công dân sẽ sớm hoàn thành và kèm theo cơ sở dữ liệu của công dân thì sẽ có dữ liệu của người tham gia giao thông. Tôi cho rằng sẽ triển khai được trên thực tế. Tuy nhiên, cần lưu ý khi Quốc hội thông qua luật rồi thì chúng ta tổ chức thực hiện như thế nào cho tốt, đừng để tình trạng “đánh trống bỏ dùi”. Vấn đề này cần có thời gian để Chính phủ, Bộ Công an chuẩn bị thật tốt cho việc triển khai trên thực tế.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Qua diễn biến thực tế cũng như ý kiến của Đại biểu Quốc hộị Trần Ngọc Khánh có thể thấy, việc Giấy phép lái xe được cấp 12 điểm/1 năm, nếu trong 1 năm mà bị trừ hết điểm thì phải thi lại giấy phép lái xe, còn nếu không trừ hết điểm thì phải cấp lại 12 điểm để áp dụng cho năm kế tiếp là một chủ trương hoàn toàn đúng đắn. Nếu được thực thi một cách đồng bộ thì có thể khắc phục những bất cập, hạn chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và công tác tổ chức thực thi pháp luật, tạo bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang đặt ra. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng có liên quan nếu không có cơ chế giám sát hoạt động công vụ hiệu quả thì đây cũng sẽ là kẽ hở để tạo ra cơ chế xin cho và phát sinh tiêu cực trong quá trình thực thi công vụ. Cùng với đó, nhiều ý kiến cho rằng, nếu được Quốc hội thông qua thì các cơ quan chức năng cần tổ chức thực hiện cho tốt, tránh tình trạng “ đánh trống bỏ dùi ” như đã từng có tiền lệ./.

Lê Anh - Trần Tiến