ĐBQH MAI SỸ DIẾN THẢO LUẬN 8 VẤN ĐỀ VỀ QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

18/09/2020

Thảo luận ở Hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, đại biểu Mai Sỹ Diến - đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa nêu 8 vấn đề đáng lưu tâm về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018.

Cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách và Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, đại biểu Mai Sỹ Diến nêu thêm một số ý kiến kiến nghị như sau:

Thứ nhất, thu nội địa Chính phủ lập và giao tăng 8,73%, tổng số thu nội địa do các địa phương lập tăng 8,9% so với ước thực hiện năm 2017 là thấp hơn mức tăng tối thiểu bình quân 12-14%, trong đó 10 địa phương lập dự toán thu nội địa năm 2018 thấp hơn ước thực hiện năm 2017. Theo đại biểu Mai Sỹ Diến, điều này cho thấy cách lập dự toán thu ngân sách nhà nước như trên là chưa có cơ sở chắc chắn và chưa có tiêu chí thống nhất, sẽ làm mất đi tính tích cực và khả năng phấn đấu phát triển kinh tế của đất nước nói chung, làm ảnh hưởng đến nhiều chỉ tiêu, mục tiêu phát triển kinh tế của đất nước.

Thứ hai, trong thu ngân sách nhà nước còn phổ biến tình trạng nhiều đơn vị hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí. Thông qua đó, tính thiếu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và lợi nhuận còn lại phải nộp ngân sách nhà nước. Thông qua kiểm toán đã xác định số phải nộp ngân sách nhà nước tăng thêm hơn 8.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy số đơn vị, số những doanh nghiệp chưa được đối chiếu, chưa kiểm toán đang tiềm ẩn, nguồn thu ngân sách nhà nước chưa được thu đúng, thu đủ là rất lớn. Số nợ thuế đến hết năm 2018 bằng 8% số thực thu ngân sách nhà nước năm 2018, chưa đạt mức phấn đấu dưới 5%, trong đó nợ khó thu tăng 17%. Đại biểu Mai Sỹ Diến đề nghị Chính phủ phải có giải pháp tích cực trong xử lý và thu hồi nhằm tăng nguồn thu ngân sách nhà nước, bảo đảm sự công bằng, bình đẳng.

Đại biểu Mai Sỹ Diến – đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá phát biểu trước Quốc hội.

Thứ ba, các khoản dự toán thu tiền sử dụng đất chưa sát với thực tế, dẫn đến chênh lệch lớn giữa dự toán và thực hiện, đã vượt 72% so với dự toán là biểu hiện của hạn chế trong tầm nhìn của việc lập dự toán về các khoản thu này. “Vấn đề đặt ra đây là nguồn thu được đánh giá trong các báo cáo trình Quốc hội ở nhiều kỳ họp, còn nhiều bất cập trong quản lý, là lĩnh vực dễ xảy ra thất thoát, lãng phí và có nhiều vi phạm, là nguồn thu từ tài nguyên cần tiết kiệm thì lại tăng thu rất nhiều. Đây không phải hoàn toàn là thành tích mà cần phải xem xét thận trọng để có chủ trương đúng đắn về khai thác nguồn thu này, tránh tình trạng về lâu dài sẽ làm cạn kiệt nguồn thu ngân sách từ đất”, đại biểu Mai Sỹ Diến kiến nghị.

Thứ tư, theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước, một số bộ, ngành, cơ quan Trung ương, địa phương được kiểm toán đã lập dự toán chi không sát thực tế, khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước lập dự toán khoản chi chưa đúng nguồn kinh phí, không có trong quy định. Những tồn tại này, đại biểu đề nghị cần xem xét trách nhiệm việc quản lý, điều hành, tham mưu của các đơn vị chuyên môn để điều chỉnh và có giải pháp cụ thể. “Thực tiễn cho thấy, cấp trên quản lý ngân sách có chức năng kiểm tra, hướng dẫn, xét duyệt cho cấp dưới còn vi phạm và hạn chế kéo dài, chậm khắc phục thì việc kiểm tra, hướng dẫn và quản lý cấp dưới sẽ không còn nghiêm minh và tồn tại vẫn được tiếp tục kéo dài”, đại biểu Mai Sỹ Diến khẳng định.

Một số địa phương phân bổ vốn năm 2018 cho một số dự án còn những vi phạm quy định của pháp luật hiện hành như: phân bổ cho dự án không thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn, không có kế hoạch đầu tư năm 2018, không đúng tính chất nguồn vốn, bố trí vốn không đúng thứ tự ưu tiên, phân bổ vượt mức quy định, vượt khả năng thực hiện. “Tình trạng này cứ kéo dài năm này qua năm khác mà không được xử lý dứt điểm là chúng ta chưa làm tròn trách nhiệm với những đồng tiền thuế của dân đóng góp và khoản nợ vay đã sát trần mà nhiều thế hệ sau phải có trách nhiệm trả nợ với gần 3 triệu tỷ đồng”, đại biểu Mai Sỹ Diến nói.

Thứ năm, số chuyển nguồn năm 2018 tăng thêm gần 108.000 tỷ đồng, dẫn đến tổng số chi chuyển nguồn năm 2018 chiếm 23,2% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng cao so với 3 năm liền kề, trong điều kiện ngân sách nhà nước năm 2018 phải đi vay để bù đắp bội chi gần 154.000 tỷ đồng.  Điều này cho thấy, trong việc điều hành NSNN năm 2018 chưa thực hiện đúng NQ 07/2016 của Bộ Chính trị.

Thứ sáu, theo báo cáo về kết quả kiểm toán niên độ năm 2018 của Kiểm toán nhà nước cho thấy, số liệu tổng hợp nợ đọng xây dựng cơ bản đến hết năm 2018 của 45 địa phương là hơn 33.000 tỷ đồng. Vấn đề này đòi hỏi phải được ưu tiên nguồn vốn ngân sách hàng năm để trả nợ xây dựng cơ bản và phải được chỉ đạo quyết liệt, tránh tình trạng bất cập do chuyển giao thế hệ và chuyển giao nhiệm kỳ. Năm 2018, có 70% tổng số dự án hoàn thành được phê duyệt quyết toán, giá trị quyết toán giảm gần 5,9 nghìn tỷ đồng, giảm hơn 1% giá trị đề nghị quyết toán. Tuy nhiên, có đến 10,8% dự án hoàn thành đang vi phạm thời gian quyết toán. Điều này cho thấy, việc quyết toán dự án hoàn thành không được doanh nghiệp, nhà đầu tư tự giác chấp hành nếu thiếu sự quyết liệt và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước.

Thứ bảy, qua kết quả kiểm toán về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018 cho thấy sự vi phạm về quản lý ngân sách còn rất nhiều, kiến nghị xử lý của Kiểm toán nhà nước là hơn 81.000 tỷ đồng và tình hình thực hiện kiến nghị của Kiểm toán nhà nước cũng chưa nghiêm, mới đạt 71,8%. “Số liệu này cho thấy sự vi phạm lớn, tính chất phổ biến kéo dài, có tính chất cố ý vi phạm, sự vi phạm này nguyên nhân cơ bản là vì lợi ích cá nhân và lợi ích nhóm. Đây là căn bệnh cần được kiểm soát, xử lý quyết liệt, mạnh mẽ và công khai mới hy vọng đẩy lùi”, đại biểu Mai Sỹ Diến nhận định.

Thứ tám, từ những tồn tại trong quản lý, điều hành ngân sách nhà nước năm 2018 và những năm vừa qua, đại biểu Mai Sỹ Diến đề nghị trong Nghị quyết về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2018, Quốc hội giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát việc thực hiện quy trình lập dự toán thu ngân sách nhà nước, chi ngân ngân sách trung ương, địa phương, thực hiện kiến nghị của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và kiến nghị của Kiểm toán nhà nước, thông qua đó kiến nghị khắc phục những tồn tại, hạn chế trong tổ chức thực hiện, tăng cường quản lý, kiểm soát cam kết chi, quy định trách nhiệm bắt buộc giải trình về những tồn tại trong điều hành ngân sách nhà nước.

Đại biểu Mai Sỹ Diến đánh giá, báo cáo kiểm toán đã rất công phu, chỉ ra rất nhiều tồn tại, thất thoát và những kiến nghị. Đại biểu đề nghị khi trình Quốc hội thì phải có một báo cáo giải trình kèm theo của các cơ quan có trách nhiệm, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp khắc phục. 

Hồ Hương