ĐBQH VŨ THỊ LƯU MAI ĐỀ XUẤT CÁC GIẢI PHÁP PHỤC HỒI NỀN KINH TẾ SAU ĐẠI DỊCH

19/09/2020

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2020, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội đã đề xuất thêm một số giải pháp phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.

Theo đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, năm 2020 là năm cuối cùng của kế hoạch trung hạn 2021-2025 và những nhiệm vụ mà 4 năm trước chưa thực hiện được, đây sẽ là áp lực rất lớn đối với 6 tháng còn lại. Tiến độ giải ngân đã có chuyển biến nhưng cũng chưa đạt yêu cầu. Đến hết Quý I vẫn còn 29 bộ, ngành, địa phương có số giải ngân dưới 5%. Theo đại biểu, có rất nhiều ý kiến cho rằng đẩy nhanh tiến độ giải ngân là yếu tố quan trọng. Quan điểm đó hoàn toàn đúng, nhưng theo đại biểu là chưa đủ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, nếu như giải ngân tăng 1% thì GDP tăng 0,06%. Nếu hạ một lần chỉ số ICOR thì GDP tăng 1,42%. Như vậy, giải pháp phải theo đuổi lâu dài là nâng cao hiệu quả vốn đầu tư chứ không phải giải ngân bằng mọi giá.

Liên quan đến đường cao tốc Bắc – Nam, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai phản ánh, tại Tờ trình số 290 có điểm mới liên quan đến đường cao tốc Bắc - Nam. Tại Tờ trình số 282, Chính phủ đề nghị đối với 5 dự án thành phần còn lại sẽ đầu tư theo hình thức PPP. Tuy nhiên, trong Tờ trình 290 đề cập Chính phủ sẽ tiếp tục nghiên cứu và sẽ báo cáo Quốc hội sau. Cho rằng đây là vấn đề lớn liên quan đến tiến độ và hiệu quả dự án, đại biểu đề nghị Chính phủ khẳng định rõ quan điểm về vấn đề này.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội phát biểu trước Quốc hội.

Bên cạnh đó, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cũng đề cập đến việc kéo dài thời kỳ ổn định ngân sách và việc trước mắt chưa ban hành nguyên tắc, tiêu chí định mức phân bổ vốn đầu tư công. Theo đại biểu, hiện nay Nghị quyết 1023 về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công đã không còn phù hợp với Luật Đầu tư công hiện hành. Nếu như không có văn bản thay thế thì sẽ không có căn cứ để xây dựng kế hoạch đầu tư công năm 2021. Vì vậy, đại biểu đề nghị có biện pháp xử lý.

Tại kỳ họp này, Chính phủ đã đề xuất một số giải pháp liên quan đến miễn, giảm thuế, bao gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt vào tháng 10 và thuế bảo vệ môi trường, trước đó ban hành nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân. Có thể nói, những chính sách thuế này có tác dụng động viên rất lớn. Tuy nhiên, xét về lâu dài, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng cần phải tính toán thận trọng để đảm bảo một số nguyên tắc cơ bản sau đây:

Thứ nhất, phải đảm bảo cân đối thu - chi và bảo đảm tỷ lệ động viên từ thuế, phí, lệ phí vào ngân sách nhà nước. Hiện nay, việc giảm thuế có tác động lớn đến ngân sách nhà nước. Riêng năm 2020 giảm thuế thu nhập cá nhân là 10.800 tỷ, thuế thu nhập doanh nghiệp là 10.300 tỷ, đó là chưa tính đến thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, tỷ lệ động viên vào ngân sách nhà nước từ thuế, phí, lệ phí cũng đang rất thấp so với các nước trong khu vực, hiện nay chỉ đạt 21,1%. “Nếu với tiến độ giảm thuế dài hạn và trên diện rộng sẽ tác động rất lớn đến tính an toàn và tính ổn định của ngân sách nhà nước, cũng phá vỡ tính trung lập của chính sách thuế”, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai khẳng định.

Nguyên tắc thứ hai mà đại biểu chỉ ra, đó là việc miễn, giảm thuế phải đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, phải hướng đến những người khó khăn nhất và đảm bảo tỷ lệ thu hẹp khoảng cách giàu nghèo. Hiện nay, các chính sách về thuế thu nhập doanh nghiệp cơ bản thông qua việc giảm trừ gia cảnh mới có tác động lớn đến những người trong bối cảnh dịch bệnh vẫn có thu nhập cao. Còn chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp thì đang hướng đến những doanh nghiệp trong dịch bệnh cũng vẫn có doanh thu. Trong khi đó thì còn rất nhiều doanh nghiệp đang tạm ngừng hoạt động hoặc kinh doanh nhưng chưa có lãi.

Vấn đề cuối cùng, liên quan đến khoảng cách giàu nghèo. Hiện nay khoảng cách giàu nghèo trong xã hội Việt Nam có xu hướng gia tăng. Năm 2014 khoảng cách này là 9,7 lần, nhưng năm 2018 khoảng cách này là 10 lần. Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, nếu như không có chính sách phù hợp thì rất có thể khoảng cách này sẽ còn gia tăng.

Về vấn đề tổ chức thực hiện, đại biểu đánh giá, Chính phủ đã có những giải pháp rất đúng đắn, nhưng trong quá trình tổ chức thực hiện rất cần sự quyết liệt, khẩn trương và không sợ chịu trách nhiệm.

Hồ Hương