Vinapaco cần sớm bàn giao hơn 3.020 ha đất lâm nghiệp
Nhằm thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội. Đầu năm 2016, trên cơ sở thống nhất giữa Tổng Công ty Giấy Việt Nam và Tỉnh Ủy - UBND tỉnh cùng các cơ quan chuyên môn, các huyện, các Công ty Lâm nghiệp đã tiến hành rà soát, lựa chọn được 1.398,7 ha đất nông nghiệp và đã có văn bản đề nghị Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Bộ Công thương xem xét, cho phép Tổng Công ty Giấy Việt Nam điều chỉnh giảm số diện tích đất trên và giá trị kèm theo phương án cổ phần hóa của đơn vị để làm cơ sở thực hiện các thủ tục thu hồi đất bàn giao cho tỉnh Phú Thọ quản lý.
Liên quan tới vấn đề này, tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với Lãnh đạo UBND tỉnh Phú Thọ ngày 04 tháng 12 năm 2016, kiến nghị của UBND tỉnh đã được Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ thống nhất với Tỉnh và phương án quản lý, sử dụng đất của các doanh nghiệp, trong đó có việc bàn giao lại cho Tỉnh 1.398,7 ha đất trước khi cổ phần hóa; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Ngoài số đất nằm trong diện thu hồi kể trên, theo Nghị định 118 của Chính phủ, UBND tỉnh cũng đề nghị các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Giấy sẽ phải trả lại koảng 2.117,01 ha đất về cho tỉnh Phú Thọ để xử lý theo quy định.
Trong số này, Công ty Lâm nghiệp Thanh Hòa khoảng 812,47 ha, Công ty Lâm nghiệp Sông Thao là 913,78 ha còn lại là Công ty Lâm nghiệp Tam Thanh với 390,76ha. Thế nhưng, sau rất nhiều năm, trải qua rất nhiều cuộc làm việc giữa các bên có liên quan, không hiểu vì lý do gì mà công tác bàn giao này vẫn trì trệ kéo dài và cho đến nay vẫn chưa thể thực hiện, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho Nhà nước; ảnh hưởng nghiêm trọng đến mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Phú Thọ. Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, trong bối cảnh diện tích đất đai của tỉnh Phú Thọ còn lại sử dụng vào mục tiêu chung thì đều đã được thực hiện theo Luật Đất đai. Do đó, đất đai tập trung để thực hiện chương trình, dự án thì rất là khó khăn. Thu hồi đất, giải phóng mặt bằng phục vụ cho các dự án lớn rất là hạn chế…
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ
Nhằm đi tìm lời giải cho câu hỏi lý do tại sao sau rất nhiều năm, mặc dù đã có ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, trải qua rất nhiều cuộc làm việc giữa các bên có liên quan, nhưng công tác bàn giao vẫn không được thực hiện. Nhóm phóng viên đã tìm đến Công ty Lâm nghiệp Yên Lập là một trong các công ty trực thuộc Tổng Công ty Giấy Việt Nam thuộc diện UBND tỉnh đề nghị thu hồi đất để phát triển kinh tế. Tiếp chúng tôi, Ông Phùng Mạnh Thắng, Giám đốc Công ty cho biết, là đơn vị có 85 ha đất lâm nghiệp thuộc diện phải bàn giao theo chủ trương. Công ty đã kết hợp với cán bộ Tài nguyên môi trường huyện kiểm tra, rà soát và đã xác định được khu đất để bàn giao từ rất sớm. Tuy nhiên, do chưa nhận được chỉ đạo từ phía Tổng Công ty nên công tác bàn giao này chưa được tiến hành.
Ông Phùng Mạnh Thắng, Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Yên Lập
Công ty Lâm nghiệp Tam Thắng đóng trên địa bàn huyện Thanh Sơn cũng chẳng khác nào Công ty Lâm nghiệp Yên Lập, là đơn vị có hơn 53,7 ha đất Lâm nghiệp thuộc diện phải bàn giao lại cho địa phương quản lý để phát triển kinh tế. Cũng như Công ty Lâm nghiệp Yên Lập, mặc dù đã xác định được khu đất để bàn giao từ rất sớm nhưng cũng do chưa nhận được sử chỉ đạo của Tổng Công ty nên công tác bàn giao này vẫn án binh bất động.
Cũng chính từ việc chậm trễ trong công tác bàn giao này đã khiến các Công ty Lâm nghiệp có diện tích đất thuộc diện phải bàn giao lâm vào hoàn cảnh “ tiến thoái lưỡng nan ”, bàn giao cũng không được và thực hiện đầu tư tiếp cũng không xong.
Không chỉ có các Công ty lâm nghiệp gặp khó, ngay cả đến chính quyền địa phương, mặc dù đã có kế hoạch phát triển kinh tế rõ ràng, thậm chí một số nhà đầu tư đã tiến hành khảo sát lập dự án đầu tư, nhưng do chưa nhận được bàn giao quỹ đất nên mọi việc vẫn đang bị đình trệ. Ông Hoàng Hồng Quang, Phó Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ cho biết, chúng tôi đã có văn bản tham mưu cho UBND huyện gửi UBND tỉnh gửi Tổng Công ty Giấy Việt Nam và chúng tôi đã có chủ trương đầu tư dự án. Chưa biết vì lý do gì mà đến nay Tổng Công ty Giấy Việt Nam chưa có văn bản trả lời chúng tôi. Với vai trò là cơ quan tham mưu cho UBND huyện trong công tác quản lý đất đai, tôi kính đề nghị tới đây Tổng Công ty Giấy Việt Nam cũng như UBND tỉnh Phú Thọ tiếp tục có văn bản chỉ đạo làm sao để trả lại diện tích như quy định để chúng tôi tham mưu UBND huyện kêu gọi các nhà đầu tư nhằm phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện. Không chỉ có các Công ty Lâm nghiệp trực thuộc đã sẵn sàng bàn giao đất, trong tất cả các cuộc làm việc giữa các bên có liên quan, Tổng Công ty Giấy Việt Nam luôn khẳng định và mong muốn sớm bàn giao quỹ đất trên cho UBND tỉnh Phú Thọ quản lý để phát triển kinh tế. Cụ thể hóa của sự mong muốn này đó là vào ngày 27 tháng 6 năm 2018, Tổng Công ty Giấy Việt Nam đã có văn bản số 175/BC-GVN.HN gửi Bộ Công Thương và đề nghị Bộ xem xét trình Chính phủ phê duyệt chủ trương bàn giao 3.020,13 ha đất của Tổng Công ty về UBND Tỉnh quản lý. Thậm chí UBND tỉnh và Tổng Công ty Giấy Việt Nam đã ký biên bản thống nhất phương án bàn giao chi tiết diện tích đất nói trên. Sự việc này lại một lần nữa được Tổng Công ty Giấy Việt Nam đề cập trong văn bản số 1018/GVN-HĐTV.HN ngày 22 tháng 5 năm 2020 gửi Văn phòng Chính phủ về việc bàn giao đất từ Tổng Công ty Giấy Việt Nam về UBND tỉnh Phú Thọ. Có thể khẳng định rằng, các bên liên quan đã kiểm tra, rà soát, quy hoạch và sẵn sàng bàn giao 3.028,56 ha đất của Tổng Công ty Giấy Việt Nam về UBND tỉnh quản lý. Tuy nhiên, điểm nghẽn của sự việc này theo như nhiều ý kiến cho rằng đó là do Bộ chủ quản của Tổng Công ty Giấy Việt Nam là Bộ Công Thương chưa có văn bản chỉ đạo cho nên công tác bàn giao không thể thực hiện.
Trong quá trình tìm hiểu vụ việc, chúng tôi đã tiếp cận được văn bản số 3282/BCT-CN ngày 08 tháng 5 năm 2020 của Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc bàn giao đất từ Tổng Công ty Giấy Việt Nam về UBND tỉnh Phú Thọ quản lý. Tại văn bản này Bộ Công Thương đã đưa ra hàng loạt các nguyên nhân được Bộ cho là vướng mắc trong việc bàn giao diện tích đất nói trên như; diện tích đất UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị thu hồi để bàn giao về địa phương quản lý đã thay đổi so với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng từ 1.398,7 ha thành 3.028,56 ha. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cho rằng, VINAPACO là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước do Bộ Công Thương đại diện chủ sở hữu, do vậy đất và tài sản trên đất của các công ty lâm nghiệp thuộc VINAPACO trên địa bàn tỉnh thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 176/2017/NĐ-CP, do đó UBND cấp tỉnh không đủ thẩm quyền quyết định thu hồi.
Liên quan đến vấn đề này, Vụ Đổi mới Doanh nghiệp thuộc Văn phòng Chính phủ cũng cho rằng UBND tỉnh Phú Thọ đề nghị bàn giao quỹ đất nói trên là đúng luật, đồng thời Vụ này cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương chỉ đạo VINAPACO thực hiện bàn giao phần diện tích đất nằm ngoài quy hoạch nêu trên về cho địa phương.
Tiếp tục làm việc với các đơn vị liên quan để thống nhất các nội dung về việc bàn giao đất
Ngày 06/12/2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có văn bản số 9305 trả lời chất vấn của đại biểu Cao Đình Thưởng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ.
Theo đó, Lãnh đạo Chính phủ đã nhiều lần có chỉ đạo về vấn đề này (từ các năm 2016, 2018 và 2019 ). Bộ Công Thương thừa nhận có sự chậm trễ, chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo Tổng Công ty Giấy Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Phú Thọ để xử lý việc thu hồi, bàn giao đất của các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh theo các chỉ đạo của Chính phủ.
Một phần nguyên nhân của việc chậm trễ là do việc thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các doanh nghiệp trên liên quan đến việc sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà đất, theo quy định tại Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg nay là Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của Chính Phủ; cũng như việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại Tổng Công ty Giấy Việt Nam .Vì vậy, vấn đề nêu trên cần được đánh giá cẩn thận, kỹ lưỡng để đảm bảo đúng các quy định của pháp luật về đất đai, lợi ích cho nhà nước, nhiệm vụ cổ phần hóa Tổng Công ty Giấy Việt Nam, cũng như quyền lợi của người lao động tại các doanh nghiệp thuộc Vinapaco trên địa bàn Tỉnh.
Trong năm 2019, Bộ Công Thương đã tổ chức các buổi làm việc với UBND tỉnh Phú Thọ và có Văn bản chỉ đạo Vinapaco phối hợp với các cơ quan chức năng của Tỉnh để tiến hành đánh giá toàn diện vấn đề thu hồi diện tích đất nêu trên trong tương quan với nhiệm vụ cổ phần hóa và xây dựng tái cấu trúc Vinapaco.
Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với UBND tỉnh Phú Thọ và Vinapaco cùng đại diện các cơ quan chức năng có liên quan để thống nhất các nội dung về việc bàn giao đất của Vinapaco về UBND Tỉnh Phú Thọ quản lý.
Công tác bàn giao vẫn dậm chân tại chỗ
Gần 4 năm triển khai các thủ tục đề nghị Thu hồi 3.028,56 ha đất Lâm nghiệp để nhằm mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển kinh tế thì cũng là chừng ấy thời gian UBND tỉnh Phú Thọ phải căng mình làm việc với các bên liên quan và gửi hàng chục văn bản đề nghị tới các Bộ ngành, Chính phủ. Tuy nhiên, cho đến nay công tác bàn giao này vẫn dừng chân tại chỗ. Hệ quả là hàng nghình ha đất lâm nghiệp bị bỏ hoang trong khi UBND tỉnh Phú Thọ lại không có quỹ đất để phát triển kinh tế khiến người dân địa phương bức xúc. Để hiểu rõ hơn về nội dung này, Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã ghi nhận ý của đại biểu Cao Đình Thưởng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ:
Đại biểu Cao Đình Thưởng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ
Phóng viên: Thưa đại biểu, xuất phát từ thực trạng nào, đại biểu lại đặt vấn đề chất vấn Bộ Công Thương về việc sớm bàn giao hơn 3.020 ha đất lâm nghiệp của Tổng Công ty Giấy Việt Nam cho UBND tỉnh Phú Thọ quản lý ?.
Đại biểu Cao Đình Thưởng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ: Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, thay mặt cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ, tôi đã chất vấn bộ trưởng Bộ Công thương câu hỏi liên quan đến ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng và các Phó Thủ tướng về việc bàn giao 3020 ha đất lâm nghiệp của Tổng công ty Giấy Việt Nam về cho tỉnh Phú Thọ quản lý. Lý do theo nhận thức của chúng tôi, thứ nhất, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia nếu sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích thì đất đai trở thành lợi thế và nguồn lực cho sự phát triển ngược lại nếu mà sử dụng kém hiệu quả để đất đai hoang hóa thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương và của cả nước. Tuy nhiên, ở Phú Thọ, Tổng Công ty Giấy Việt Nam rất nhiều năm nay đang quản lý hàng chục nghìn ha đất, cho đến thời điểm này, chúng tôi thấy rằng hàng ngàn ha đất sử dụng không hiệu quả để đất hoang hóa, đất phân tán, chủ sở hữu không rõ và nếu không nói là có biểu hiện phát canh thu tô. Chính vì vậy, tôi đưa ra câu hỏi chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Công thương để làm rõ vấn đề này.
Phóng viên: Ngày 06/12/2019, Bộ Công thương đã có văn bản trả lời chất vấn. Vậy, đại biểu đánh giá như thế nào về nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh ?
Đại biểu Cao Đình Thưởng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ: Trong văn bản trả lời Đoàn đại biểu Quốc hội thì Bộ trưởng cũng rất cầu thị và đã thẳng thắn thừa nhận việc xử lý giải quyết có chậm trễ, thiếu kiên quyết đối với Tổng công ty Giấy Việt Nam cho nên dẫn đến chậm trễ. Tuy nhiên, tại văn bản đó thì cũng nêu ra một số khó khăn vướng mắc và nguyên nhân, thì khi nghiên cứu trả lời của Bộ Công thương, chúng tôi thấy Bộ đã căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật, căn cứ vào các Nghị định, Thông tư và căn cứ vào tình hình thực tế hoạt động của Tổng công ty Giấy Việt Nam để trả lời. Tôi thấy Bộ Công thương đã cố gắng lý giải nhưng mà cách lý giải của Bộ chưa hoàn toàn thuyết phục và chưa hợp lý.
Phóng viên: Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Công ty Giấy Việt Nam phải làm thủ tục để bàn giao lại cho tỉnh Phú Thọ quản lý 3.020 ha đất lâm nghiệp để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội trước khi tiến hành cổ phần hóa. Tuy nhiên, sau rất nhiều lần làm việc giữa các bên liên quan thì cho đến nay, công tác bán giao này vẫn chưa được thực hiện. Theo đại biểu thì đâu là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này?
Đại biểu Cao Đình Thưởng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ: Những nguyên nhân Bộ trưởng nêu ra là việc thu hồi chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các doanh nghiệp là liên quan đến việc sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà đất theo quy dịnh của tại Quyết định số 09 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ mà sau này thay thế bằng Nghị định 167. Tôi thấy Bộ đã cố gắng lý giải nhưng mà cách lý giải của Bộ Công thương là chưa thuyết phục và chưa hợp lý bởi 3020 ha này bản chất của nó toàn bộ là đất nông nghiệp và đất lâm nghiệp, tài sản trên đất hầu như chỉ có các công ty lâm nghiệp xây dựng nhà trên diện tích đất lâm nghiệp mà cũng lưu ý diện tích đất này chưa được chuyển đổi thành đất xây dựng trụ sở chưa được chuyển đổi thành đất kinh doanh phi nông nghiệp. Do đó, tài sản trên đất đó hiện nay chưa được cấp phép mà họ chỉ xây dựng để điều hành, còn toàn bộ những tài sản đầu tư trên đất thì theo cam kết của UBND tỉnh Phú Thọ sẽ đền bù theo mức giá hai bên thỏa thuận cũng như tài sản trên đất cho Tổng công ty Giấy Việt Nam tức là vấn đề này hoàn toàn không có vướng mắc gì. Cho nên, theo tôi thực hiện việc chuyển đổi này phải căn cứ vào Luật Đất đai và Nghị định 118 năm 2014 thì hợp lý hơn. Vì vậy, chúng tôi khẳng định là Bộ Công thương cần phải báo cáo Thủ tướng xem là việc chuyển đổi đất đai này theo Quyết định 09, Nghị định 167 hay theo Luật Đất đai và Nghị định 118 và nếu thực hiện theo Luật Đất đai và Nghị định 118 thì sẽ giải quyết thông thoáng hơn và tôi cho rằng đây là nguyên nhân chính dẫn đến Tổng công ty Giấy Việt Nam chưa thể bàn giao đất về cho UBND tỉnh Phú Thọ.
Phóng viên: Để xảy ra những tồn tại như đã đề cập, theo Đại biểu thì các cơ quan liên quan, đặc biệt là Bộ Công Thương sẽ phải chịu trách nhiệm như thế nào trước thực trạng này?
Đại biểu Cao Đình Thưởng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ: Đối với chúng ta, quản lý Nhà nước là theo phân cấp phân quyền. Về việc này, thẩm quyền của Thủ tướng và Chính phủ quyết định nhưng các cơ quan tham mưu, bộ ngành chủ quản như Bộ Công thương là cực kỳ quan trọng. Ở đây, tôi không đánh giá là Bộ Công thương cố tình trì hoãn nhưng có lẽ Bộ chưa thực sự tích cực và cố gắng để giải quyết triệt để vấn đề này. Một nguyên nhân nữa là vấn đề áp dụng văn bản quy phạm pháp luật như thế nào cũng là một vấn đề. Ngoài ra, tôi cho rằng Thủ tướng và Chính phủ chỉ còn chờ đợi sự tham mưu của Bộ Công thương để quyết định bàn giao. Cho đến thời điểm này vướng mắc, điểm nghẽn đang nằm ở Bộ Công thương. Nếu Bộ chưa trình thuyết phục hoặc chưa kịp thời trình thì sẽ tiếp tục bị trì hoãn, kéo dài. Vì vậy, mong rằng Bộ Công thương sẽ tích cực hơn nữa để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng và cũng là nguyện vọng của tỉnh Phú Thọ cũng như là của Tổng công ty Giấy Việt Nam. Vì tôi biết rằng là trước đây thì nguyên liệu chủ yếu phụ thuộc vào các nông lâm trường trực thuộc Tổng công ty nhưng nay nguồn cung nguyên liệu giấy nói riêng và các loại nguyên liệu khác đã được xã hội hóa cao độ, nhân dân, tư nhận đóng góp, tham gia rất nhiều khâu nhiều lĩnh vực cho nên không thể lý giải là nếu thiếu đất của Tổng công ty Giấy Việt Nam tại tỉnh Phú Thọ thì sẽ thiếu nguồn nguyên liệu hoặc cản trở sản xuất của Tổng công ty.
Phóng viên: Đại biểu có kiến nghị nhằmthực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng về việc Tổng Công ty Giấy Việt Nam phải làm thủ tục bàn giao lại cho tỉnh Phú Thọ quản lý 3.020 ha đất lâm nghiệp để thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh?
Đại biểu Cao Đình Thưởng, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ: Nếu giải quyết được các vấn đề sau thì sẽ việc bàn giao sẽ được nhanh chóng. Thứ nhất, kiến nghị Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng về quy trình, thủ tục để nhanh chóng bàn giao bời ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng là vô cùng quan trọng. Thứ hai, đối với Bộ Công thương phải nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng tạo điều kiện tốt nhất, thông thoáng nhất cho việc bàn giao tránh những nút nghẽn và sự cản trở không cần thiết. Thứ ba, đối với UBND tỉnh Phú Thọ phải phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương với Tổng công ty Giấy Việt Nam để làm thủ tục bàn giao theo đầy đủ các quy trình, quy định của pháp luật và khi có kết quả thì UBND tỉnh Phú Thọ phải có trách nhiệm trong việc đền bù giải phóng mặt bằng đối với những giá trị đã đầu tư trên đất trong thời gian qua và những vật kiến trúc trên đất của Tổng công ty Giấy Việt Nam một cách nghiêm túc và kịp thời thì tôi cho rằng việc thu hồi lại đất lâm nghiệp sẽ nhanh chóng, hiệu quả.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!
Từ diễn biến thực tế và ý kiến của Đại biểu Cao Đình Thưởng có thể thấy, đã đến lúc Thủ tướng Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Công Thương thực hiện nghiêm các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ về thủ tục, quy trình; tạo điều kiện thông thoáng nhất, tránh những nút nghẽn và sự cản trở không cần thiết để nhanh chóng đề nghị VINAPACO bàn giao 3.020 ha đất lâm nghiệp về UBND tỉnh Phú Thọ quản lý nhằm mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển kinh tế trên tinh thần không vì lợi ích của một doanh nghiệp hay một bộ ngành mà làm ảnh hưởng tới quyền lợi của gần 2 triệu người dân tỉnh Phú Thọ./.