Đại biểu Huỳnh Thanh Phương phản ánh, mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp chỉ đạo các bộ, ngành liên quan bằng nhiều biện pháp phải kéo giảm giá thịt lợn hơi xuống 70.000-60.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá thịt lợn chẳng những không giảm mà còn tăng cao ở mức kỷ lục, có nơi vượt mức 100.000 đồng/kg, ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng, đến việc cân đối nền kinh tế, nhất là kinh tế xã hội nước ta đang bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Đồng thời, đại biểu cho biết, cử tri cũng phản ánh giá thịt lợn hơi tăng cao đã ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, một số doanh nghiệp lợi dụng tình hình này để trục lợi nhưng chưa được phát hiện, xử lý kịp thời nhằm ổn định thị trường thịt lợn.
Đại biểu Huỳnh Thanh Phương - Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh.
“Xin Bộ trưởng cho biết đâu là nguyên nhân cơ bản để xảy ra tình trạng trên và kéo dài khá lâu. Trong phạm vi và trách nhiệm của mình, Bộ trưởng có những giải pháp gì để xử lý vấn đề nêu trên một cách căn cơ” – đại biểu Huỳnh Thanh Phương nêu ý kiến chất vấn.
Trả lời chất vấn của đại biểu Huỳnh Thanh Phương, ngày 16/6/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, sau đợt giảm vào cuối tháng 12 năm 2019, giá thịt lợn chỉ ổn định trong tháng 1 năm 2020, sau đó có xu hướng tăng liên tiếp trong 5 tháng đầu năm 2020. Đến cuối tháng 5, giá lợn hơi ở mức rất cao, phổ biến ở mức 92.000-100.000 đồng/kg, một số địa phương gia tăng lên mức 100.000-105.000 đồng/kg. Trong hai tuần đầu của tháng 6, giá lợn hơi đã có xu hướng giảm nhẹ do một số cơ sở chăn nuôi tăng lượng bán ra để chốt lời, giá thịt lợn thành phẩm ở mức quá cao khiến nhu cầu giảm, thông tin về việc chuẩn bị nhập khẩu lợn sống vào Việt Nam. Tuy nhiên, giá lợn hơi và sản phẩm thịt lợn hiện nay vẫn ở mức rất cao, phổ biến ở mức 90.000-96.000 đồng/kg, giá thịt lợn thành phẩm phổ biến ở mức 140.000-180.000 đồng/kg.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, giá thịt lợn ở mức cao như trên là do một số nguyên nhân chính như sau:
Thứ nhất, nguồn cung giảm mạnh do ảnh hưởng của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi. Theo Tổng cục Thống kê dự báo, nguồn cung thịt lợn trong nước quý IV năm 2020 vẫn thiếu khoảng 51.500 tấn lợn hơi, cộng dồn cả năm thiếu hụt khoảng gần 440 nghìn tấn;
Thứ hai, tốc độ tái đàn còn chậm. Theo phản ánh, hiện nay, mặc dù nhiều địa phương đang thực hiện tái đàn nhưng việc tái đàn chủ yếu diễn ra ở các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn, các cơ sở nuôi lợn nái chủ động được con giống và các cơ sở không bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi. Còn đối với các hộ đã bị dịch bệnh, hộ nhỏ lẻ, việc tái đàn diễn ra chậm do tâm lý lo ngại dịch tái phát, giá lợn hơi bán ra có thể bị giảm khiến việc chăn nuôi không có lời, đồng thời đàn lợn nái ở khu vực hộ nhỏ lẻ đã giảm mạnh do dịch, nguồn cung con giống trở nên khan hiểm khiến giá con giống vẫn ở mức cao (khoảng 2,5-3,0 triệu đồng/con);
Thứ ba, nhu cầu tiêu dùng tăng do các trường học, nhà hàng, bếp ăn tập thể đã hoạt động trở lại sau thời gian giãn cách xã hội;
Thứ tư, giá thịt lợn tại thị trường Trung Quốc vẫn ở mức cao và giá thịt lợn trên thế giới tăng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng làm ảnh hưởng đến giá thịt lợn trong nước;
Thứ năm, trong bối cảnh dịch bệnh lan rộng, nguồn cung lợn giống giảm, giá cao nên việc chăn nuôi lợn đòi hỏi chi phí cao hơn cho cả giống, các biện pháp phòng dịch cho chuồng trại, chi phí kiểm dịch thú y... cũng làm gia tăng chi phí sản xuất, kinh doanh thịt lợn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nêu rõ, theo chức năng nhiệm vụ được Chính phủ giao, để góp phần bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn, Bộ Công Thương đã triển khai các hoạt động sau:
Thứ nhất, chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương triển khai công tác bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn, trong đó yêu cầu Sở Công Thương các địa phương có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng thịt lợn trên địa bàn tập trung nguồn lực tiết giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, giảm giá thành sản xuất và giá bán sản phẩm, bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn. Thực hiện chỉ đạo của các cơ quan chức năng, một số doanh nghiệp phân phối lớn đang thực hiện nhiều hoạt động nhằm bình ổn thị trường mặt hàng thịt lợn, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng như triển khai các chương trình khuyến mại, giảm giá 10 - 34% mặt hàng thịt lợn mát, thịt lợn đông lạnh nhập khẩu trên toàn hệ thống như Big C, hệ thống Co.op gồm Co.op Mart, Co.op Food, Co.op Extra; Vissan...
Thứ hai, Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương đã tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ, phương án kiểm tra kiểm soát các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho lạnh nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá mua, giá bán bất hợp lý đối với mặt hàng thịt lợn. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh lợn thịt và thịt lợn không rõ nguồn gốc hoặc chưa qua kiểm dịch lưu thông trên thị trường. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm; Cục Quản lý thị trường tại các tỉnh biên giới phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trên địa bàn kiểm tra, kiểm soát trên khâu lưu thông, các tuyến đường lên khu vực biên giới, khu vực giáp cửa khẩu, đường mòn, lối mở nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, thu mua, buôn bán lợn sống và thịt lợn trái phép qua biên giới.
Thứ ba, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật một số doanh nghiệp chăn nuôi có thị phần lớn về độc quyền, cạnh tranh, gian lận thương mại. Trên cơ sở các kết quả sơ bộ về đánh giá thị phần và định giá bán mặt hàng thịt lợn của các doanh nghiệp chăn nuôi lớn, Bộ Công Thương đang tiếp tục củng cố thông tin, rà soát quy định hiện hành để xem xét việc xử lý các doanh nghiệp vi phạm Luật Cạnh tranh, Luật Giá và các hành vi gian lận thương mại.
Thứ tư, trong công tác phối hợp, hỗ trợ nhập khẩu thịt lợn: Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài đã phối hợp và hỗ trợ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm việc, trao đổi với Hiệp hội và các doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn và các sản phẩm thịt có uy tín ở nước sở tại để cung cấp thông tin và kết nối với các doanh nghiệp nhập khẩu của Việt Nam; nghiên cứu Danh sách các doanh nghiệp đủ điều kiện và giúp phối hợp đề xuất các doanh nghiệp có uy tín, đủ năng lực, có giá xuất khẩu cạnh tranh để xuất khẩu thịt lợn sang Việt Nam.
Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, bên cạnh việc tiếp tục triển khai các hoạt động nêu trên (như chỉ đạo Sở Công Thương các địa phương tập trung thực hiện các chương trình bình ổn thị trường, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát ...) thời gian tới, Bộ Công Thương có kế hoạch tập trung một số biện pháp cụ thể sau:
Thứ nhất, xây dựng phương án, kế hoạch phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, một số doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thịt lợn xây dựng Chương trình Bình ổn thị trường thịt lợn. Theo đó, mục tiêu của Chương trình là dùng biện pháp nhập khẩu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt trước mắt khi nguồn cung từ chăn nuôi trong nước cần thời gian phục hồi. Nội dung của Chương trình sẽ tập trung vào việc đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm tạo điều kiện cho việc nhập khẩu thịt lợn, phân phối thịt lợn đông lạnh nhập khẩu vào hệ thống phân phối quy mô lớn, độ phủ rộng cao nhằm đưa sản phẩm đến gần người tiêu dùng hơn.
Thứ hai, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài chính thành lập Đoàn thanh, kiểm tra chuyên đề về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, gian lận thương mại, thao túng giá, tăng giá bán, định giá bán bất hợp lý đối với lợn thịt và mặt hàng thịt lợn. Trên cơ sở kết quả thanh, kiểm tra, Đoàn sẽ có cơ sở để đánh giá thực trạng sản xuất, kinh doanh mặt hàng lợn thịt và thịt lợn; xác định những hạn chế, bất cập của các đối tượng hoặc các khâu trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, cung ứng lợn thịt và sản phẩm thịt lợn, từ đó triển khai áp dụng hoặc đề xuất, kiến nghị các giải pháp, chính sách nhằm giảm thiểu các khâu trung gian, hoàn thiện hệ thống phân phối, qua đó góp phần bình ổn thị trường thịt lợn, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.