ĐBQH LƯU BÌNH NHƯỠNG CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG VỀ NGUYÊN NHÂN MỘT SỐ CỬA HÀNG XĂNG DẦU ĐÓNG CỬA

12/10/2020

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre có văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về nguyên nhân một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu phải đóng cửa và biện pháp xử lý của Bộ Công Thương về vấn đề này.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre.

Trả lời chất vấn của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, ngày 29/6/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, trong thời gian cuối tháng 5 vừa qua, có hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu thiếu hàng cục bộ tại một số địa bàn do những nguyên nhân sau:

Thứ nhất, diễn biến dịch Covid-19 có dấu hiệu giảm, đặc biệt sau khi Chính phủ dỡ bỏ lệnh giãn cách xã hội khiến nhu cầu sử dụng xăng dầu cho hoạt động kinh doanh, sản xuất, tiêu dùng tại thị trường nội địa tăng mạnh. Theo số liệu báo cáo của một số doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu, lượng tiêu thụ xăng dầu tháng 5 năm 2020 đã tăng 50 - 60% so với cùng kỳ năm 2019 (nhu cầu tăng nhanh nên đã có hiện tượng một số chủng loại xăng dầu bị hết cục bộ tại một số cửa hàng trong một số thời điểm, không phải hiện tượng phổ biến).

Thứ hai, các nhà máy lọc dầu trong nước và quốc tế đang cắt giảm công suất, tận dụng thời gian xảy ra dịch bệnh để bảo dưỡng khiến nguồn cung xăng dầu thành phẩm bị sụt giảm.

Thứ ba, giá bán lẻ xăng dầu trong nước được điều hành theo diễn biến giá thế giới và được đưa về mức khá thấp trong giai đoạn từ tháng 3 đến tháng 5 vừa qua (Từ đầu năm 2020 đã có 8 lần liên tiếp giá xăng dầu được liên Bộ Công Thương - Tài chính điều chỉnh giảm). Trong khi đó, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu đã nhập khẩu xăng dầu với mức giá cao (từ trước thời gian có dịch bệnh Covid-19) sau đó tồn kho và phải bán với mức giá thấp theo mức giá đã điều hành của Nhà nước dẫn đến thua lỗ lớn nên có xu hướng giảm sản lượng bán ra, chờ giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh tăng theo xu hướng của giá xăng dầu thế giới.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, qua theo dõi tình hình thực tế trên thị trường, để kịp thời giải quyết vấn đề nêu trên, Bộ Công Thương đã triển khai những biện pháp sau:

Thứ nhất, chỉ đạo các Nhà máy lọc dầu trong nước tăng công suất sản xuất, sớm hoàn thành việc bảo dưỡng để cung cấp đủ lượng hàng đã ký kết với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nước.

Thứ hai, chỉ đạo đối với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu kịp thời điều tiết nguồn hàng cho các địa bàn có hiện tượng một số cây xăng không bán hàng hoặc bán cầm chừng như tại Đắc Lắk, Bắc Giang, Hải Dương, Sơn La, Hà Nội...

Thứ ba, chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng xăng dầu trên địa bàn; chỉ đạo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc bán hàng theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP (quy định về việc bảo đảm bán hàng liên tục, trường hợp ngừng bán hàng phải có báo cáo giải trình và được sự chấp thuận của Sở Công Thương); phối hợp với lực lượng quản lý thị trường xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Thứ tư, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Cùng với đó, ngày 27/5/2020, Bộ Công Thương đã có Chỉ thị số 10/CT-BCT về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm nguồn cung và thực hiện các quy định về kinh doanh xăng dầu, theo đó đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng đơn vị chức năng và Sở Công Thương các địa phương triển khai các giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ và chấn chỉnh hoạt động kinh doanh xăng dầu trên thị trường. Với các biện pháp nêu trên, hoạt động kinh doanh xăng dầu trên cả nước đã bình thường trở lại.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, hiện các chính sách về nhập khẩu xăng dầu vẫn được duy trì bình thường và luôn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu nên trong thời gian vừa qua, cùng với việc mua từ nguồn sản xuất trong nước, các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu vẫn liên tục nhập khẩu để bảo đảm nguồn cung cho thị trường (theo số liệu của Hải quan, lượng nhập khẩu xăng dầu trong tháng 5 năm 2020 đã tăng 20% so với tháng 4 năm 2020).

Hồ Hương