ĐBQH NGUYỄN BÁ SƠN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ NN&PTNT VỀ GIÁ THỊT LỢN HƠI

13/10/2020

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng có chất vấn gửi đến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường về nguyên nhân giá thịt lợn vẫn còn rất cao và giải pháp của Bộ trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn nêu ý kiến, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo thực hiện các giải pháp điều chỉnh giảm giá thịt lợn hơi, trong đó có việc nhập khẩu thịt lợn, nhưng đến nay giá thịt lợn vẫn còn rất cao. Người dân cho rằng, việc giảm giá thịt lợn mới chỉ nghe trên ti vi, báo, đài chứ chưa thấy trên thực tế. "Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân của vấn đề này, giải pháp trong thời gian tới?", đại biểu Nguyễn Bá Sơn nêu chất vấn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Sơn - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Đà Nẵng

Về vấn đề này, ngày 16/6/2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Bá Sơn như sau:

Về việc giá lợn hơi trong nước hiện nay vẫn đang ở mức cao, Bộ trưởng cho biết, nguyên nhân đầu tiên là do ảnh hưởng của bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP): Bệnh DTLCP là bệnh đặc biệt nguy hiếm đối với ngành chăn nuôi lợn; từ năm 2018 đến nay, bệnh DTLCP đã xảy ra tại trên 30 quốc gia và vùng lãnh thổ, buộc tiêu hủy hàng trăm triệu con lợn; tổng đàn lợn của thế giới vào tháng 01/2020 đạt khoảng 678 triệu con, giảm khoảng 12% so với cùng kỳ năm 2019. Đặc biệt tại Trung Quốc là quốc gia có tổng đàn lợn lớn nhất thế giới (khoảng 710 triệu con trước khi có bệnh DTLCP tại nước này vào cuối năm 2018), đến tháng 01/2020 còn khoảng 335 triệu con, giảm 53%; tổng đàn lợn nái của nước này giảm khoảng 33,3%. Thời gian qua, giá lợn hơi tại Trung Quốc cũng luôn ở mức cao trên 120.000 - 140.000 ĐVN/kg, cá biệt có nơi giá còn cao hơn rất nhiều.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường nêu rõ, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc để triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP nên đã giảm thiểu thiệt hại, với tổng cộng 5,99 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy. Đến nay, đã có trên 99% số xã công bố hết dịch, bảo đảm các điều kiện cho chăn nuôi lợn tái đàn, tăng đàn (Việt Nam trong 12 tháng đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, so với Trung Quốc cần hơn 17 tháng).

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, sau khi dịch qua thời kỳ cao điểm (vào các tháng 5, 6, 7), Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương vừa chống dịch vừa mở rộng quy mô đàn lợn tại những cơ sở,vùng an toàn dịch, nhằm duy trì cơ số đàn giống và đáp ứng nguồn cung lợn thịt cho nhu cầu thị trường, nhất là trong dịp Tết Canh Tý. Tuy nhiên, trong thời gian từ tháng 5 - 9/2019, do phải tiêu hủy số lượng lợn tương đối lớn; tháng 10/2019 người chăn nuôi mới cho phối giống; tháng 01/2020 mới có lợn giông đê thay đàn, tăng đàn và cung câp lợn thịt; tháng 6/2020 mới có sản phâm lợn thịt của việc tăng đàn, tái đàn. Dự kiến, cuối quý III và đầu quý IV/2020 đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu dùng.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIV.

Mặt khác, để góp phần tăng đàn, tái đàn nhanh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ các doanh nghiệp cuối năm 2019 và đầu năm 2020 nhập khẩu 5.016 con lợn cụ kỵ, ông bà và kế hoạch sẽ nhập hơn 10.000 con trong năm 2020, bảo đảm đủ giống cho giai đoạn 2021 - 2024; đối với lợn bố mẹ, đã nhập khẩu 2.640 con lợn giống bố mẹ và đã đăng ký nhập hơn 400.000 con. Đến tháng 5/2020, theo báo cáo của các địa phương, tổng đàn lợn của cả nước đạt gần 24,89 triệu con, tương đương 80,3% so với tổng đàn lợn trước khi có bệnh DTLCP (khoảng 31 triệu con vào 31/12/2018), tăng trưởng bình quân 5,78%/tháng; trong đó 15 doanh nghiệp chăn nuôi lợn tăng 68,35% so với thời điểm trước dịch (tháng 12/2018). Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cùng với các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp trong năm 2019 nhập khẩu hơn 67 nghìn tấn (tăng 63% so với năm 2018 khi chưa có bệnh DTLCP) và trong 5 tháng đầu năm đã nhập khẩu trên 70 nghìn tấn, tăng hơn 300% so với cùng kỳ năm 2019. 

Để giải quyết thiếu hụt thực phẩm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo tăng cường khai thác và nuôi trồng thủy sản, cơ cấu lại ngành chăn nuôi, do vậy, năm 2019 tổng cộng đã có 766 nghìn tấn thực phẩm các loại, vừa bù đắp cho lượng thịt lợn thiếu hụt do bệnh DTLCP, vừa để phục vụ xuất khẩu; trong 5 tháng đầu năm 2020, đàn gia cầm tăng 1,2% (trong tổng đàn gần 500 triệu con), thủy sản tăng 2,2% (trong tổng số 8,5 triệu tấn, bao gồm 4,5 triệu tấn nuôi trồng và khoảng 4 triệu tấn đánh bắt khai thác).

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, nguyên nhân tiếp theo đẩy giá lợn hơi tăng cao là do bất cập khâu trung gian: Do đặc thù của hoạt động giết mổ và tiêu thụ thịt lợn của nước ta còn rất nhiều bất cập, với trên 27 nghìn cơ sở giết mổ lợn nhỏ lẻ và người tiêu dùng quen sử dụng thịt nóng mua từ các chợ truyền thống, chợ cóc, chợ tạm... Các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ này thường mua lợn thịt của các hộ chăn nuôi nên khi có DTLCP xảy ra, hầu hết lợn chết, tiêu hủy lại thuộc trong các nông hộ làm cho phần lớn các hộ giết mổ nhỏ lẻ hiện nay không thể tiếp cận được nguồn lợn thịt của các trang trại, công ty lớn, buộc phải mua qua thương lái càng làm phát sinh thêm nhiều tầng nấc trung gian, làm tăng thêm giá dịch vụ, trong đó còn có cả hiện tượng đầu cơ thổi giá lên cao.

Trước thực tế trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra một số giải pháp trong thời gian tới:

Thứ nhất, tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh DTLCP do nguy cơ tái dịch vẫn còn rất lớn;

Thứ hai, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức tái đàn, tăng đàn ở các cơ sở chăn nuôi đủ điều kiện. Đề xuất Chính phủ chỉ đạo và các địa phương khẩn trương thực hiện chính sách hỗ trợ, chi trả kinh phí cho người chăn nuôi bị thiệt hại do bệnh DTCLP; có chính sách hỗ trợ đất đai, mặt bằng, nhất là chăn nuôi nông hộ, các trang trại vừa và nhỏ; hỗ trợ tín dụng; tiếp tục nhập khẩu lợn giống để tổ chức tăng đàn, tái đàn;

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh việc nhập thịt lợn, nhập lợn thương phẩm (để giết mổ) từ một số nước lân cận để bù đắp nguồn cung;

Thứ tư, làm tốt công tác thông tin, truyền thông về nguồn cung lợn thịt, lợn giống, để người sản xuất, người tiêu dùng lựa chọn; tuyên truyền để người dân sử dụng thịt mát, thịt đông lạnh và sử dụng các loại sản phẩm vật nuôi khác vừa đảm bảo khoa học dinh dưỡng vừa giảm thiểu áp lực cho ngành chăn nuôi lợn.

Thứ năm, đề nghị các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện “kiện toàn, củng cố hệ thống các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định của Luật thú y, nhất là tại cơ sở, bảo đảm lực lượng tổ chức có hiệu quả công tác thú y, đặc biệt là phòng, chống dịch bệnh động vật” theo đúng tinh thần kết luận và chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Hồ Hương